Nguyễn Nam
(VNTB) – Tháng trước, trên trang mạng The Diplomat ngày 29/11/2019, nhà báo David Hutt nhắc lại một lưu ý: “Hãy nhớ rằng chính công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, công đoàn độc lập đầu tiên ở các nước cộng sản Đông Âu, đã là một động lực thúc đẩy các sự kiện năm 1989”
Một nhà báo hiện sống ở Hà Nội đã chuyển đến ban biên tập trang Việt Nam Thời Báo, phần nội dung ghi ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, phó vụ trưởng phụ trách Vụ pháp chế – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói về những thay đổi của Bộ luật lao động sửa đổi 2019, phần liên quan đến quyền tự do công đoàn ở Việt Nam.
Rộng đường dư luận, xin được dẫn nguyên văn phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình khi trả lời hai câu hỏi về quyền tự do lựa chọn công đoàn.
Bộ luật mới trao quyền cho người lao động có thể tự thành lập các tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Quy định này có ý nghĩa như thế nào và được thực hiện ra sao?
– Ông Nguyễn Văn Bình: Ở bộ luật mới, người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện và đăng ký với Nhà nước để hoạt động, hoặc gia nhập tổ chức công đoàn Việt Nam. Họ có quyền tham gia hoặc không tham gia, có quyền ra hoặc vào một tổ chức đại diện. Nếu tất cả các tổ chức đều hoạt động không hiệu quả thì họ tự tập hợp, thành lập tổ chức đại diện khác của chính họ.
Thực tế người lao động thực hiện quyền này thế nào, có thành lập hay không thành lập tổ chức mới? Thành lập, gia nhập rồi thì hoạt động của tổ chức mới có thực sự đúng bản chất hay vẫn chỉ là những tổ chức mà các tổ chức quốc tế gọi là “công đoàn vàng”? Nghĩa là mang danh tổ chức đại diện của người lao động, nhưng thực chất toàn người của người sử dụng lao động, phục vụ cho lợi ích của người sử dụng lao động.
Xét tổng thể quy định này sẽ tạo điều kiện người lao động có tổ chức đại diện hiệu quả nhất và thực chất nhất. Nhưng có lợi như thế nào lại phụ thuộc vào năng lực, khả năng hiện thực hóa của chính người lao động.
Ông có nghĩ rằng các tổ chức của người lao động sẽ xuất hiện như “nấm mọc sau mưa”?
– Ông Nguyễn Văn Bình: Tự do liên kết, thương lượng tập thể là vấn đề mới ở Việt Nam nhưng với phần còn lại của thế giới thì không mới. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có 187 quốc gia thành viên thì có 155 quốc gia phê chuẩn thực hiện công ước về quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể. Đây là thực tiễn chưa có ở Việt Nam nên việc đưa ra nhận định, đánh giá đều phải nhìn vào thực tiễn thế giới.
Bản thân phong trào công đoàn thế giới trong nửa thế kỷ nay đang đi xuống, tỉ lệ bao phủ công đoàn ở các nước được tự do thành lập công đoàn đều rất thấp. Thái Lan 5%, các nước Đông Nam Á xung quanh 10%, các nước công nghiệp phát triển lâu đời như Nhật Bản khoảng 17-18%, ở Mỹ tỉ lệ tham gia công đoàn là 6%, ngoại trừ các nước Bắc Âu – tỉ lệ này cao hơn.
Để người lao động tự thành lập các tổ chức đại diện là không dễ dàng, bởi người lao động hành động trên cơ sở lợi ích của chính họ. Nếu tham gia một tổ chức không mang lại lợi ích hoặc không có khả năng mang lại lợi ích thiết thực, nhưng lại phải đóng góp khoản phí để duy trì thì họ sẽ cân nhắc.
Đây là nội dung không dễ nhưng không phải vì thế mà không mở ra để người lao động có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên kịch bản mong muốn nhất là quy định này sẽ như một động lực để công đoàn hiện tại đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn.
+ Lời bình của biên tập viên: Ở Việt Nam, phát biểu của viên chức quản lý như ông Nguyễn Văn Bình thời điểm này được coi như thăm dò và định hướng dư luận. Ông Bình đã tránh đề cập đến việc liệu Luật Công đoàn sắp tới có sửa đổi hay không, để có thể tương thích với điều luật mới của Bộ Luật lao động phiên bản 2019?.
Trong trường hợp như lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình, là “người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện và đăng ký với Nhà nước để hoạt động”, thì phải chăng những tổ chức của người lao động trong trường hợp như vậy sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật về Hội – một quyền được hiến định, nhưng chưa có một luật cụ thể để bảo đảm thực hiện. Khi ấy, tương tự như ‘quyền biểu tình’ vẫn là một ‘quyền treo’, thì việc hình thành những tổ chức gọi là ‘công đoàn độc lập’ xem ra còn phải chờ đợi ‘hạ hồi phân giải’ khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước ILO số 87 về tự do hiệp hội, dự kiến vào năm 2023.
“Thường là người ta phê chuẩn công ước rồi thì mới thực hiện cái sửa đổi. Thường người ta hay kéo dài việc sửa đổi những cái gì mang tính bất lợi. Vấn đề thành lập hiệp hội tự do, ở đây là công đoàn độc lập, vẫn là chuyện nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam, cho nên người ta hay có tâm lý kéo dài. Nhưng ở đây họ lại sửa đổi luật lao động trước, rồi theo lịch trình thì đến năm 2023 mới ký Công ước ILO 87. Đó là một thiện chí, nếu thật sự họ muốn thay đổi”. Một luật sư tại Sài Gòn, nhận xét.
Tháng trước, trên trang mạng The Diplomat ngày 29/11/2019, nhà báo David Hutt nhắc lại một lưu ý: “Hãy nhớ rằng chính công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, công đoàn độc lập đầu tiên ở các nước cộng sản Đông Âu, đã là một động lực thúc đẩy các sự kiện năm 1989”