Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam vẫn là ‘quyền treo’?

Báo chí tự do

Vũ Nguyễn

 

(VNTB) – Gọi là ‘quyền treo’ vì Hiến pháp công nhận quyền, nhưng lại vẫn chờ có luật để cụ thể hóa về các quyền này.

 

Trong tham luận “Pháp quyền trong mối quan hệ với quyền làm chủ của Nhân dân ở Việt Nam hiện nay” của hai tác giả Vũ Công Giao và Nguyễn Minh Tâm, nhìn nhận việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo so những gì tuyên truyền.

Rộng đường dư luận, và cũng nhằm tránh việc “chính trị hóa”, qua cáo buộc về hành vi ‘nói xấu Đảng – Nhà nước’, xin lược trích một phần nội dung của tham luận, qua đó cho thấy một số nội dung liên quan tội danh theo Điều 117, Bộ luật Hình sự, rất cần được xem xét lại – như với những trường hợp các bài báo lên tiếng kêu gọi về thực thi quyền tự do dân chủ theo Hiến định của người dân Việt Nam của nhà báo Phạm Chí Dũng.

Theo nhóm tác giả Vũ Công Giao và Nguyễn Minh Tâm, thì trong hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam, hầu hết các quyền dân chủ của nhân dân đều đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 – đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Tuy nhiên, do Hiến pháp không có hiệu lực trực tiếp nên các quyền dân chủ quan trọng như tự do hiệp hội, hội họp, biểu tình,… đang cần được cụ thể hóa bằng văn bản luật mới có thể thực thi được.

Nói một cách khác, một số quyền tự do dân chủ quan trọng, cho đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa bằng văn bản luật như quyền biểu tình, lập hội. Điều này đã gây ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Nhóm tác giả Vũ Công Giao và Nguyễn Minh Tâm cho rằng pháp quyền và quyền làm chủ của nhân dân đều không phải là những phạm trù mới ở Việt Nam, nhưng lại chưa được làm rõ và nhận thức đầy đủ.

Điều này dẫn tới việc thiết kế và triển khai các chủ trương, biện pháp cải cách thể chế nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của tình hình mới.

Hai tác giả Vũ Công Giao – Nguyễn Minh Tâm, đưa ra các để xuất:

Thứ nhất, việc thúc đẩy phân công – phối hợp-kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp – hành pháp – tư pháp cần được tiếp tục làm rõ hai vấn đề cơ bản sau: quan hệ giữa các nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp cần được hiểu như thế nào? là quan hệ ngang hàng hay không?; mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ được hiểu như thế nào trong bối cảnh Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Nhà nước và xã hội?

Thứ hai, yêu cầu cấp thiết củng cố kênh giám sát, phản biện hiện hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát triển, đa dạng hóa các kênh giám sát khác thông qua mở rộng các quyền dân chủ như: tự do báo chí, hiệp hội, hội họp, biểu tình,… để thúc đẩy cơ chế giám sát quyền lực nhà nước. Đặc biệt, cần có thêm những nghiên cứu làm rõ vị trí, vai trò và cơ chế vận hành của các kênh giám sát này trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ quyền nhân dân và vị trí lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân. Đây là những vấn đề mới được đề cập và nhấn mạnh trong Hiến pháp, nhưng còn nhiều khía cạnh chưa được phân tích làm rõ.

Thứ tư, cần tiếp tục làm rõ các vấn đề giới hạn quyền và tạm đình chỉ thực hiện quyền cơ bản của công dân, tiêu chí áp dụng khi hạn chế quyền cơ bản mà không làm mất đi bản chất của quyền; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo đảm các quyền hiến định trong thực tế.

Thứ năm,cần nghiên cứu thiết lập cơ chế trao cho Toà án thẩm quyền độc lập để kiểm soát các thiết chế khác của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền; cần làm rõ vấn đề: xét xử là nội dung cơ bản của tư pháp, nhưng có đồng nhất với khái niệm quyền tư pháp hay không.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ sự liêm chính của tư pháp, các điều kiện bảo đảm sự độc lập thẩm phán; nghiên cứu điều kiện kết hợp mô hình tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng theo tinh thần của Hiến pháp; nghiên cứu, về lâu dài, trao thẩm quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật cho Tòa án.

Thứ sáu,cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung của cơ chế bảo vệ hiến pháp theo tinh thần của Hiến pháp như: địa vị pháp lý, chức năng, vai trò, và thẩm quyền của cơ quan này.

Với các đề xuất như trên, không khó để nhận ra tất cả những điều ấy đã được nhà báo Phạm Chí Dũng thể hiện qua chuyển tải bằng các bài viết đăng trên VOA, trang Việt Nam Thời Báo,… Như vậy, rất cần đến việc trả lại quyền tự do dân sự, thay cho áp đặt việc “chính trị hóa” đối với những quyền làm chủ của nhân dân hiện nay vốn được ghi rõ ở Hiến pháp.

Tin bài liên quan:

VNTB – Làm sao phân biệt đâu là bài báo viết nhằm để chống nhà nước?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hệ lụy của hình sự hóa những ý kiến trái chiều

Do Van Tien

VNTB – Vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm ngày 5/1/2021

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo