Đào Đức Thông
(VNTB) – Với thực trạng hiện nay thì tự do, không tự nhiên mà có, nó chỉ có thể đạt được từ tay những kẻ cai trị độc tài bằng một cuộc Cách mạng.
Con người khi sinh ra đã được tự do rồi. Tự do lớn nhất của loài người là tôn trọng sự tự do của người khác. Chính quyền tôn trọng tự do của nhân dân thì nhân dân cũng sẽ tôn trọng chính quyền. Quyền tự do công dân, quyền tự do có tính cách xã hội: bản chất và giới hạn của quyền lực khi mà nó được xã hội áp dụng một các hợp pháp đối với cá nhân.
Sự tự do của con người gồm có: a) tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận; b) tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống theo sự xét đoán của mình; và c) tự do hội họp.
Tự do là viên ngọc vô giá mà Thượng đế đã ban cho chúng ta, tất cả tài sản dưới lòng đất hay ở đáy biển sâu đều không thể sánh bằng. Mất tự do là trở thành nô dịch, là việc đau khổ nhất đời người.
Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng thường trực của mỗi người. Ai cũng yêu tự do, ai cũng khao khát tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Trong lịch sử Thế giới, các cuộc kháng chiến chính là để giải phóng người dân ra khỏi sự nô dịch và kiềm toả của thế lực cai trị. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để đo đạc sự lành mạnh của một dân tộc.
Kẻ đầy tớ nô lệ đúng nghĩa
Ở Việt Nam, lâu nay có những kẻ hèn nhát dù lòng khao khát tự do, nhưng chỉ luôn mở mồm bảo rằng vấn đề này nhạy cảm, chuyện kia tế nhị, để im miệng lại như một kẻ đầy tớ nô lệ đúng nghĩa. Đa số dân chúng vẫn chưa cảm nhận quyền lực của chính quyền là quyền lực của mình, ý kiến của chính quyền là ý kiến của mình. Việt Nam chưa làm rõ được khái niệm tự do cũng như xây dựng phạm trù tự do đúng đắn. Chính vì thế, người Việt Nam chưa hiểu đúng bản chất của tự do, vẫn xem tự do như một cái gì đó xa xỉ ở bên ngoài, bên trên cuộc sống. Xã hội Việt Nam thời Cộng sản, có quá nhiều thứ nhạy cảm và tế nhị, người dân Việt Nam vốn giàu cảm xúc, nay dưới sự cai trị của Cộng sản đã càng dễ tổn thương hơn thành ra lúc nào cũng cảm thấy bất an, lo sợ…
Việt Nam chẳng có chỗ cho những tri thức thực sự được dung nạp và tự do phát huy năng lực trong đời sống này. Với một xã hội được cai trị bởi những kẻ nhiều bằng cấp nhưng kiến thức thì không có, đầy tính ganh đua như Việt Nam có khi còn mang lại tai họa cho bản thân nếu trót giỏi giang và thông minh hơn người. Còn những nô bộc, công cụ của nền cai trị thì bảo vệ chế độ hơn là lẽ phải, sẵn sàng trở nên đối kháng để giữ cho được chiếc ghế và túi tiền. Những kẻ nô bộc của thể chế như những chiếc máy móc vô cảm, răm rắp làm theo những mệnh lệnh dù nó có vô lương thế nào đi nữa.
Ở Việt Nam không có sự sống đúng nghĩa, ở đây chỉ có sự nô lệ, với đúng nghĩa của “những con chiên ngoan đạo” chỉ biết nghe lời mà những sai khiến của những kẻ lắm khi là những thứ bất lương, vô sỉ…
Tại sao phải sống nô lệ?
Tại sao người dân Việt lại phải sống nô lệ cho những điều đen tối, xám xịt, đi ngược văn minh nhân loại?! Người dân vẫn còn lòng tự trọng để một lúc nào đó tỉnh thức, vùng lên. Bởi nhân dân có quyền được làm chủ cuộc đời họ mà không kẻ nào dùng mượn danh cai trị để có thể điều khiển hay sai khiến. Chỉ khi nào nhân dân Việt Nam tỉnh thức và biết lay động tâm hồn thì lúc đó cuộc đời của họ mới tươi đẹp và tự do đúng nghĩa.
Người dân Việt Nam phải được tự do hình thành ý kiến và tự do bày tỏ ý kiến mà không phải chịu sự khống chế của chính quyền. Bởi vì, “bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật”. Quyền tự do chính là điều kiện văn hóa cần thiết cho sự phát triển và sự bộc lộ tài năng của người dân, không chỉ vì lợi ích của cá nhân con người, mà còn vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của toàn xã hội Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Trước sự kiện Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, văn kiện năm 1863 công bố sự tự do cho hàng triệu nô lệ, “nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do.” Mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964 đã có một câu nói bất hủ trong bài diễn văn nổi tiếng: I have a Dream – Tôi có một giấc mơ! Và giấc mơ ấy thành hiện thực bởi 2 đạo luật: Luật về quyền dân sự 1964 và Luật về Quyền bầu cử 1965, đó thực sự là bước ngoặt cho người da đen trên đất nước tự do Mỹ. “Tôi có Một Giấc Mơ” đã đứng đầu danh sách 100 bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, theo sự bình chọn năm 1999 của giới học giả về diễn thuyết trước công chúng.
Một cuộc Cách mạng!
Người dân Việt Nam lâu nay thèm khát một xã hội mà ở đó con người được tự do sống, được tôn trọng nhân quyền và đảm bảo một cách tối đa từ một chính thể khoa học, văn minh. Một nền tư pháp thực sự trong sạch và thoát khỏi sự chi phối chính trị trong nó.
Nhưng với thực trạng hiện nay thì tự do, không tự nhiên mà có, nó chỉ có thể đạt được từ tay những kẻ cai trị độc tài bằng một cuộc Cách mạng. Chẳng thể chờ sự ban ơn hay sự mở rộng chủ động từ phía những kẻ tham lam và tàn độc chỉ muốn nô dịch nhân dân để hưởng thụ tự do của chính mình. Tự do không phải là một loại quyền được trao tặng bởi bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào mà nó là tài sản tự nhiên của con người khi sanh ra đã có. Điều này có nghĩa tự do không phải là không gian cho phép, không một nhà nước nào có quyền ban phát tự do cho con người.