VNTB – Quyền tự do tôn giáo và chuyện tà đạo

VNTB – Quyền tự do tôn giáo và chuyện tà đạo

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Bộ Công an Việt Nam cần thận trọng khi kết luận mang tính khẳng định về một tôn giáo nào đó là “tà đạo”, để rồi chụp cho họ chiếc mũ chính trị.

 

Bạn đọc viết

 

Trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 7-6-2023 có bài viết liên quan chuyện “tà đạo” từ đánh giá của Bộ Công an. Tôi cho rằng kết luận trong chuyện “chính – tà” ở đây của nhà chức trách có thể là hành vi vi phạm nhân quyền, vì Hiến pháp Việt Nam bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân.

Trong nhiều tác phẩm văn chương phương Tây mà sinh viên chuyên ngành ở các trường đại học được học, đúng là có thuật ngữ “tà đạo” hay còn gọi là “dị giáo”. Thuật ngữ này thường được sử dụng để miêu tả sự vi phạm các giáo lý quan trọng của tôn giáo, nhưng cũng được sử dụng cho các quan điểm phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý tưởng nào thường được chấp nhận. Và trong cách hiểu đó, một người ủng hộ tà giáo được gọi là kẻ dị giáo.

Phương Đông, những ai mê tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của nhà văn Kim Dung chắc hẳn biết đến tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký.

Kim Dung xây dựng nhân vật Trương Vô Kỵ là giáo chủ nổi tiếng nhất của Ma giáo. Trong trận chiến trên đỉnh núi Quang Minh, Trương Vô Kỵ sử dụng bộ võ công Càn khôn đại na di, một mình đánh bại 6 đại môn phái. Sau khi giải cứu thành công các thủ lĩnh của Ma giáo, Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ đời thứ 34.

Trương Vô Kỵ đã giúp Ma giáo từ một giáo phái bị vu là “ma quỷ” khôi phục trở lại danh tiếng Minh giáo, trở thành thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Đặc biệt, theo Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Chu Nguyên Chương – hoàng đế sáng lập nhà Minh – cũng có xuất thân từ Ma giáo/ Minh giáo.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký viết: “Minh giáo xuất xứ từ nước Ba Tư, truyền vào Trung thổ thời Đường Võ Hậu (Võ Tắc Thiên). Thời đó có người Ba Tư tên Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông kinh của Minh giáo đến Đường triều và bắt đầu truyền giáo. Tới năm Hội Xương thứ 3 (thời Đường Vũ Tông) thì triều đình ra lệnh giết giáo đồ. Minh giáo đi vào hoạt động bí mật”…

Theo kiếm hiệp Kim Dung, Ma giáo tập hợp nhiều cao thủ võ lâm có tính tình cổ quái, không hành động theo lễ giáo thông thường mà có vẻ mờ ám, bí mật nên bị giới võ lâm chính phái kỳ thị.

Thù oán giữa Ma giáo với võ lâm chính phái rất sâu đậm, kéo dài hàng trăm năm, mỗi lần gặp nhau đều xảy ra chém giết.

Tuy nhiên, trong các tiểu thuyết của Kim Dung, các nhân vật danh môn chính phái không hẳn toàn người tốt và người trong Ma giáo cũng không hẳn là xấu. Có những nhân vật chính phái nhưng càng về sau càng lộ tâm địa xấu xa, và có những nhân vật thuộc về Ma giáo nhưng trọng tình nghĩa…

Trong lịch sử, Mani giáo (hay còn gọi Minh giáo, Mạt Ni giáo, Mâu Ni giáo), là một tôn giáo cổ của Iran, do Mani (216-277), người Ba Tư sáng lập vào khoảng thế kỷ 3, được truyền bá theo hai hướng Đông – Tây, cực thịnh một thời, ảnh hưởng sâu rộng. Về sau, giáo phái này tàn lụi dần và ít nghe tiếng tăm.

Minh giáo truyền sang Trung Quốc, chính thức được Võ Tắc Thiên công nhận vào năm 694 và phát triển mạnh vào năm 806 khi triều Đường cho Minh giáo lập chùa ở kinh đô Trường An, sắc tứ là “Đại Vân Quang Minh tự”. Từ đó, Minh giáo truyền đi khắp các châu thuộc miền Nam Trung Hoa như Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu… Minh giáo có ảnh hưởng từ dân chúng đến đại sĩ phu.

Phật giáo và Đạo giáo của các nhà sư ở Trung Quốc thời trung cổ thường gọi nhau là “dị giáo” và cạnh tranh để được triều đình khen ngợi. Mặc dù ngày nay hầu hết người Trung Quốc tin vào sự kết hợp của “Tam giáo” (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo), sự cạnh tranh giữa hai tôn giáo vẫn có thể được nhìn thấy trong một số giáo lý và bình luận của cả hai tôn giáo ngày nay.

Vì vậy trên cương vị chức trách quản lý, phía Bộ Công an Việt Nam cần thận trọng trong đưa đến kết luận mang tính khẳng định về một tôn giáo nào đó là “tà đạo”, để rồi chụp cho họ chiếc mũ chính trị, đưa đến khả năng bắt bớ hình sự, xâm phạm quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)