VNTB – Tự do tôn giáo ở Việt Nam sẽ “khách quan” khi… sửa luật

VNTB – Tự do tôn giáo ở Việt Nam sẽ “khách quan” khi… sửa luật

Ngọc Lan

 

(VNTB) – “Khách quan” theo cách nhìn phổ quát chung của thế giới về tôn giáo khác với “khách quan” trong khuôn khổ “giới hạn định hướng” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

 

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 15-12 khi được hỏi về việc gần đây Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo đã khẳng định: “Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là thiếu khách quan”.

Trước đó, trong một thông cáo vào ngày 2-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo.

“Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Yếu tố được gọi là “những đánh giá thiếu khách quan” mà Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đưa ra, cho thấy chỉ có thể giải quyết tận gốc khi pháp luật về tôn giáo được sửa đổi, bởi “khách quan” theo cách nhìn phổ quát chung của thế giới về tôn giáo khác với “khách quan” trong khuôn khổ “giới hạn định hướng” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Dẫn chứng mang tính đơn cử.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, một mặt nhìn nhận, “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” (Điều 2.5); thế nhưng sau đó lại buộc phải đăng ký hoạt động như một tổ chức hội đoàn nếu người dân muốn được bày tỏ các nghi thức của tôn giáo mà họ đã lựa chọn.

“Điều 18. Điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo

Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

2. Có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật;

3. Tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc;

4. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

5. Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở;

6. Nội dung hoạt động tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nội dung như sau:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Trở lại với nội dung của Điều 18, Luật tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên, cho thấy về nguyên tắc thì các yêu cầu sau đây của luật đang gây khó cho tôn giáo: đó là điều 18.3, vì đơn giản tên gọi của tôn giáo là có từ trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vậy thì trên cơ sở nào để xét “trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo”, khiến những tín đồ cùng niềm tin tôn giáo không thể hoàn tất phần thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo?

Tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là một ví dụ.

Năm 1981, đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là hợp nhất của 9 tổ chức: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Thiên thai giáo Quán Tông; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ; Hội Phật học Nam Việt.

Tuy nhiên một số thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất không chấp nhận tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và bị chính phủ ép giải tán nhưng không qua văn bản chính thức của chính phủ.

Ngày 24 tháng 2 năm 1982, UBND TP.HCM ra Quyết định trục xuất hai hoà thượng Thích Huyền Quang, và Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, chùa Ấn Quang là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bị cưỡng chiếm. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết. Mất trụ sở và nhân sự nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tạm gián đoạn hoạt động.

Thăng trầm thế sự, đến khi có Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời, với những quy định như trích dẫn ở trên đã khiến những nhà tu hành, chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tiếp tục được đặt ngoài vòng pháp luật.

Tương tự tình cảnh như trên còn đang xảy ra với những tôn giáo nội sinh ở miền Nam Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,…

Như vậy nhận định Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, đó là góc nhìn khách quan từ Luật tín ngưỡng, tôn giáo chứ không hề liên quan yếu tố thù địch gì ở đây.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Khái niệm “khách quan” của Đảng rất khít khìn khịt với khái niệm “khách quan” của triết gia Hạ Đình Nguyên .