Gia Định
(VNTB) – Một Trung thu nữa đang về…
Từng mùa trung thu đi qua, cậu cùng người anh trai của mình chắc mong lắm ngày được trở lại với ký ức của thời gia đình đoàn viên trong căn nhà ở cuối hẻm miệt Phú Nhuận để vui Tết Trung thu.
Nhắc đến ông nhà báo Phạm Chí Dũng, có lẽ không quá xa lạ đối với nhiều người. Hội Nhà báo Độc lập tuy không được Nhà nước công nhận về mặt thủ tục hành chính theo quy định trong chuyện thành lập hội đoàn, nhưng không thể phủ nhận một điều, đây không chỉ là “là nơi thực tập” cho các phóng viên trẻ mới vào nghề, còn là “sân chơi” của các cựu nhà báo chuyên nghiệp lẫn bán chuyên khi họ không còn làm việc ở cơ quan báo chí nhà nước nữa.
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, ông Dũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như trong một bài viết chia sẻ trước đó về chùa Liên Trì, buổi gặp gỡ đầu tiên với ông nhà báo Phạm Chí Dũng cũng tại nơi đây, mặc dù trước đó cũng đã từng thấy ông ở phòng Công Lý Hoà Bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Dưới góc nhìn của tôi, ông Phạm Chí Dũng khác hẳn với rất nhiều người. Ấn tượng trong tôi, có lẽ, mỗi lần ông suy tư là để tay lên khuôn mặt với cái trán nhăn lại. Nói thiệt, lúc đầu, cũng thấy sợ sợ có phần dữ dữ, nhưng rồi, quen. So với nhiều người khác, ông nhà báo Phạm Chí Dũng tính cách điềm đạm, không phô trương, không khoe khoang cũng không thể hiện; chủ trương ôn hoà, xây dựng.
Tháng 8 âm lịch, tôi nhớ đó cũng là một buổi chiều đẹp trời của mùa Trung thu. Trở về từ xóm làm lồng đèn Phú Bình, tôi nhớ vào cái giờ “tan tầm” của các em học sinh mẫu giáo, tôi đã gặp ông Dũng tại đây. Nhìn ngắm những đứa con nít chơi đùa trong sân trường, trong đó có bé út của ông Dũng, cảm thấy thật yên bình, nhẹ nhàng và vui vẻ.
Có lẽ theo thói quen nghề nghiệp, bằng nghiệp vụ của một cựu cán bộ an ninh, ông Dũng đã bày tỏ thái độ trước hai cái lồng đèn mà tôi gửi tặng bé…
Nhiều năm đi qua ở lần đầu đó. Nhìn về Trung thu, nhiều người Việt thường gắn với câu “slogan”: “Trung thu là Tết đoàn viên”. Sự đoàn viên, sum họp cũng là ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu. Vào ngày này, người người nhà nhà sửa biện mâm cỗ để cúng gia tiên, mọi người quây quần cùng vui chơi và hàn huyên.
Với những người con xa xứ, đều mong muốn được sống trong không khí Tết Trung thu truyền thống, bình dị và ấm áp ở quê nhà. Dù nhịp sống hiện đại ngày nay khiến chúng ta phải bận rộn và quay cuồng với công việc, học tập thì hãy cố gắng dành thời gian trở về nhà với ông bà, cha mẹ trong dịp Tết Trung thu, để đêm trăng rằm tháng tám tràn đầy niềm vui! “Hãy về nhà trong đêm rằm tháng tám”. Thế nhưng…
Năm nay, có lẽ cũng như những mùa trước, phố xá nhộn nhịp với các quầy, kệ bánh trung thu; người dân nô nức đi chụp hình ở phố lồng đèn Lương Nhữ Học; các trường mẫu giáo tổ chức lễ hội trung thu cho các bé học sinh với nhiều hoạt động…
Cậu bé năm xưa ở trường mẫu giáo Tuổi Thơ 7 – nơi chỉ mấy bước chân thôi là người ta đến trụ sở của Thành ủy TP.HCM, nơi từng là “nhiệm sở cũ” của nhà báo Phạm Chí Dũng – giờ chắc cũng chỉ cấp tiểu học; và tin rằng lồng đèn Trung thu từng mùa, từng mùa đi qua, cậu cùng người anh trai của mình cùng mong được trở lại với ký ức của thời gia đình đoàn viên trong căn nhà ở cuối hẻm miệt Phú Nhuận.
Một Trung thu nữa đang về…