VNTB – Rối: trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học

VNTB – Rối: trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Đại học Bách Khoa vẫn là trường Đại học Bách Khoa, nhưng không phải là trường Đại học Bách Khoa

 

Lưu ý thêm ở đây về cách viết hoa để thấy rối và đánh đố ngữ nghĩa ra sao.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo quy định hiện hành, đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc. Đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.

So với trường đại học, cơ sở đại học có cơ hội nhiều hơn trong việc xây dựng cơ chế đào tạo linh hoạt, tạo cơ hội nhiều hơn cho người học, có vị thế cao hơn trong đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Như vậy, với tin Trường Đại học Bách Khoa vừa được chuyển thành Đại học Bách Khoa, có nghĩa là Đại học Bách Khoa vẫn là trường Đại học Bách Khoa, nhưng không phải là trường Đại học Bách Khoa. Bởi theo Luật Giáo dục đại học: Đại học gồm nhiều trường đại học. Còn trường đại học thì chỉ là trường đại học mà không phải là đại học.

Vì thế Đại học Bách Khoa vẫn là Bách Khoa cũ, nhưng không phải là trường đại học Bách Khoa cũ dù vẫn đào tạo đại học bách khoa như cũ. Bằng của Đại học Bách Khoa không phải là bằng tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa mà là bằng tốt nghiệp đại học Bách Khoa ở Bách Khoa.

Nếu vẫn chưa hiểu thì đại khái là trường đại học không phải là đại học nhưng vẫn là đại học. Bằng tốt nghiệp trường đại học không phải là tốt nghiệp Đại học nhưng vẫn là tốt nghiệp đại học.

Nôm na, là ‘sinh viên’ gái Đại học Bách Khoa không phải là ‘sinh viên’ gái trường Đại học Bách Khoa, dù vẫn học ở đại học Bách Khoa.

Việc chuyển ngữ cũng khó hơn. Ví dụ như đại học Quốc gia Hà Nội đã là một “University” thì bên dưới không thể có các “University” được, phải là các “College”, “Institute” hay “School” nằm bên trong.

Bàn luận về vấn đề này ở Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, ghi nhận ý kiến chung, về mặt ngôn ngữ thì “đại học” và “trường đại học” không có khác biệt. Tuy nhiên, bộ Giáo dục và Đào tạo hiện tại đang có sự phân biệt “trường đại học” và một bậc cao hơn là “đại học vùng”, chẳng hạn, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đại học Vinh, đại học Huế, đại học Đà Nẵng… với nhiều trường đại học thành phần.

Tức là “đại học” bao gồm nhiều “trường đại học” trực thuộc Bộ. Điều này cũng đang khiến giới khoa học băn khoăn.

Trước kia, loại hình trường mà hiện nay gọi là “đại học” được gọi là “viện đại học”. Đó là cách gọi được thừa hưởng dòng chảy lịch sử từ thời viện đại học Đông Dương, là một đại học đa lĩnh vực. Hồi đó, có cả viện đại học Sài Gòn, viện đại học Huế, viện đại học Cần Thơ…

Lúc còn đương chức, bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu rằng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh phải đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, con dấu của “trường” Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh không có chữ “trường” ở phía trước.

Việc đổi tên này, theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến là chỉ để tuân thủ các quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung 2018, chẳng hề liên quan việc nâng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường như một số ý kiến gán ghép việc đổi tên trường với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Như vậy, chất lượng giáo dục không đến từ cái tên mà nó được đánh giá từ nỗ lực của cả một đội ngũ tập thể. Nhưng, cái tên cũng gây ra nhiều rắc rối từ việc thêm hoặc bớt một chữ “trường” như phát biểu của Bộ trưởng Y tế tại lễ khai giảng năm học 2019- 2020 của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị thay tên gọi “Đại học” bằng thuật ngữ “Viện đại học”.

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau: theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng); theo sứ mệnh (viện đại học quốc gia, viện đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,…); theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng); theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở); theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, dân lập).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)