VNTB – Sắc màu tôn giáo trong xung đột Hamas-Israel?

VNTB – Sắc màu tôn giáo trong xung đột Hamas-Israel?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Nếu xảy ra “Thánh chiến”, thì liệu có phải 9 triệu Do Thái giáo sẽ bị bao vây giữa 200 triệu Hồi giáo?

 

Theo Hãng tin Reuters, Liên Hiệp Quốc cho biết quân đội Israel đưa ra tuyên bố trên vào cuối ngày 12-10 (theo giờ địa phương), tức sáng 13-10 giờ Việt Nam.

Giới quan sát lo ngại đây có thể là điều báo cho một cuộc tấn công trên bộ của Israel để đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine hôm 7-10.

Theo người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric, các quan chức của tổ chức này tại Gaza “đã được các sĩ quan liên lạc của họ trong quân đội Israel cảnh báo rằng toàn bộ người dân ở khu vực Wadi Gaza, phía bắc Dải Gaza, nên sơ tán về phía nam trong 24 giờ tới”.

Với tên gọi “Hồi giáo Hamas” đã khiến người Việt Nam ít nhiều liên tưởng đến sắc màu tôn giáo, và chính điều này nên người ta rất ngại công khai bàn luận vì tín đồ Hồi giáo ở Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung là không nhỏ; và họ sống cùng nhau thành từng xóm với nhà thờ riêng của xóm mình.

Phong trào/chính đảng Hamas, viết tắt của cụm “Harakat al-Muqawama al-Islamiyya” có nghĩa là “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”, được thành lập vào cuối năm 1987 bởi lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin. Họ tuyên bố mục tiêu trở thành lực lượng hủy diệt nhà nước Israel và tạo ra một nhà nước Arab trên tất cả các lãnh thổ của vùng Palestine ủy trị trước đây.

Khác với các phong trào và tổ chức Palestine khác, Hamas theo đuổi đường lối cứng rắn trong cách thức đấu tranh chính trị và quân sự.

Ban đầu Hamas chưa phân chia rõ ràng thành các cánh quân sự, chính trị và tư tưởng. Một tổ chức quân sự với đường nét rõ ràng có lẽ chỉ hình thành trong phong trào này vào đầu thập niên 1990. Lực lượng này có tên gọi là Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam. Kể từ đó, các lữ đoàn như thế này thực hiện nhiều hoạt động tấn công khác nhau chống lại Israel.

Nhà nước Palestine (chỉ được công nhận một phần và bao gồm cả dải Gaza) không có nền kinh tế và công nghiệp phát triển. Ngoài ra, từ năm 2007, họ còn bị Israel phong tỏa về mặt kinh tế. Do vậy, dân chúng ở các lãnh thổ Palestine và các tổ chức khác nhau của họ phải dựa nhiều vào sự trợ giúp và nguồn cung từ nước ngoài.

Các nước thân thiện với phong trào Hamas cung cấp cho họ không chỉ viện trợ nhân đạo mà còn cả vũ khí đạn dược. Một số viện trợ dưới dạng sản phẩm hoàn thiện, một số dưới dạng linh kiện xuất khẩu sang vùng lãnh thổ Palestine. Ngoài ra người ta còn thiết lập các kênh cung cấp nguyên liệu thô cho lực lượng này.

Bất chấp các trở ngại nói trên, nhánh quân sự của Hamas duy trì số lượng tương đối cao các đơn vị quân sự và cũng tự nỗ lực cải tiến vũ khí khí tài của mình. Đợt tấn công Israel trong những ngày qua cho thấy Hamas đã cố gắng tích lũy năng lực quân sự và đã tổ chức thành công việc tấn công Israel trên quy mô lớn một cách bất ngờ, gây tổn hại không nhỏ cho quân đội và tình báo của Israel.

Vào năm 2006, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine sau khi Israel rút quân khỏi Gaza. Nhưng phe đối lập Fatah từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, khiến xung đột vũ trang giữa hai nhóm người Palestine nổ ra.

Tới năm 2007, Hamas lật đổ chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo và giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza.

Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) – nhóm vũ trang lớn thứ hai tại Dải Gaza, từ lâu đã hợp tác với Hamas trong các hoạt động chống lại Israel. Trong lịch sử, Hamas từng bị gây sức ép buộc lực lượng này ngừng tấn công Israel, hoặc bị kéo vào xung đột, nhưng có khi đứng bên lề. Mối quan hệ giữa hai bên khá căng thẳng trong thời gian gần đây.

Hamas cũng là một phần của liên minh khu vực bao gồm Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, vốn phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel.

Chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas gọi cuộc tấn công mới đây là “Chiến dịch bão Al-Aqsa”, mục đích là để trả đũa việc Israel xúc phạm đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Người này cũng cáo buộc Israel đã sát hại và làm bị thương hàng trăm người Palestine trong năm nay, đồng thời kêu gọi các nhóm khác tham gia cuộc chiến.

Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà phía Israel gọi là Núi Đền ở Đông Jerusalem) là một trong những địa điểm bị tranh chấp khốc liệt nhất trên thế giới.

Vào cuối năm ngoái, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập nhóm, các lãnh đạo của Hamas đã dự đoán về một “cuộc đối đầu công khai” với Israel vào năm 2023. Mục tiêu công khai không thay đổi của Hamas là giải phóng hoàn toàn “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”, tiến tới xây dựng một chính thể Hồi giáo tại lãnh thổ này.

Theo quan điểm của Hamas, “lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” là bao gồm toàn bộ lãnh thổ Israel hiện nay cùng với Gaza và Bờ Tây. Họ hoàn toàn bác bỏ việc thành lập nhà nước Israel năm 1948.

Nếu nhân danh “Thánh chiến Hồi giáo – Do Thái giáo”, có lẽ mọi việc thật sự rất đáng lo ngại với những quốc gia đang có cộng đồng Hồi giáo đang sinh sống.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)