Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Mục tiêu của TP.HCM là đến hết tháng 8-2021 sẽ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho 70% dân số trên 18 tuổi, nhưng đến thời điểm hiện tại đã tiêm 73,5%.
Sáng 24-8, theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 23-.8, ngày đầu tiên thực hiện “ai ở đâu, ở yên đó”, TP.HCM đã tiêm được 48.891 mũi vắc xin Covid-19.
Sau ngày 15 tháng chín sẽ như thế nào?
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 của TP.HCM tính từ ngày 22-7 đến thời điểm này đã tiêm cho gần 4,5 triệu người. Như vậy, tổng 5 đợt tiêm đến nay là hơn 5,5 triệu người. Đã có 817.000 người dân tại TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm.
Cụ thể, gần 5,3 triệu người được tiêm mũi 1, chiếm tỷ lệ 73,5% người trên 18 tuổi và hơn 210.000 người được tiêm mũi 2 , chiếm tỷ lệ 2,9% người trên 18 tuổi.
Đã có số liệu khoa học về lượng người đã tiêm, ước lượng tương đối được người đã nhiễm. Việc lúc này cần nghĩ tới có nên mở cửa hay không chứ không phải đóng kín như hiện nay. Bởi, Sài Gòn mở cửa sớm để khôi phục nhiều thứ có lợi cho đất nước.
Khái niệm miễn dịch cộng đồng, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái một cộng đồng có một tỷ lệ nhất định người dân đạt miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm. Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi có một tỷ lệ dân số nhất định miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thì sẽ mang lại sự bảo vệ gián tiếp cho cả những người không miễn dịch với bệnh.
Ngay cả những đối tượng không hoặc chưa được tiêm phòng như trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mãn tính hay dị ứng với vắc xin cũng sẽ được bảo vệ khi đạt miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng làm giảm nguy cơ người chưa có miễn dịch tiếp xúc với mầm bệnh, từ đó dịch bệnh sẽ giảm khả năng lây lan.
Từ góc nhìn của vấn đề liên quan miễn dịch cộng đồng, cho thấy thời hạn của mốc 15-9 mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra đang là chờ đợi.
Trong bài tường thuật “Intel và các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lo ngại các biện pháp Covid khắc nghiệt” đăng trên tờ Nikkei Asia hôm 22-8-2021, lược thuật rằng, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và các công ty nước ngoài khác đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp đối phó Covid-19 nghiêm ngặt kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể ngăn cản đầu tư, khi Hà Nội chuẩn bị triển khai quân đội ở trung tâm thương mại phía Nam để thực thi các hạn chế.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, giám đốc đối ngoại của Intel tại Việt Nam và Malaysia nói với Nikkei Asia hôm 21-8, “Chúng tôi không chỉ nêu quan ngại mà còn đưa ra các giải pháp cho lãnh đạo thành phố như những khuyến nghị thiết thực thay vì giữ [các biện pháp hiện tại] qua ngày 15-9”, bà Uyên cho biết rằng gánh nặng tài chính cho việc thuê nhà ở của nhân viên là một trong những thách thức lớn.
Intel Products Vietnam, một đơn vị địa phương của tập đoàn này, có một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp trong Khu Công nghệ cao Sài Gòn ở TP.HCM. Theo điều lệ phòng chống Covid của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp sản xuất, “1.870 công nhân phải ở tại các khách sạn gần nhà máy”, theo bà Uyên cho biết. Bà nói với Nikkei rằng điều này khiến công ty phải chi trả thêm 140 tỷ đồng mỗi tháng và nếu công ty tiếp tục phải chi trả cho việc này sau 15-9 thì “nó sẽ không những ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mà còn cả kế hoạch sản xuất”.
“Ai ở đâu, yên đó” và rồi sẽ ‘hết dịch’?
Những diễn biến khác rất đáng lưu tâm ở hiện tại khi “ai ở đâu, yên đó” theo lệnh của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người vừa ‘rời’ chức Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Việt Nam.
Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp – khu chế xuất (HBA) vừa gửi lên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 24-8, về tháo gỡ ách tắc về giấy đi đường của hệ lụy mệnh lệnh hành chính “ai ở đâu, yên đó”.
Theo HBA, căn cứ các nội dung tại văn bản quy định thay đổi và điều chỉnh liên tiếp trong 3 ngày khiến gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định “3 tại chỗ”, “1 điểm đến – 2 cung đường” của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đang gặp nhiều vướng mắc ách tắc liên quan vận chuyển đi lại.
Cụ thể, Công văn 2796 ngày 21-8 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội; Công văn 2800 cùng ngày 21-8 của UBND TP.HCM ban hành điều chỉnh bổ sung Công văn 2796 và mới đây, Công văn 2850 ngày 23-8 của UBND TP.HCM tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quản lý các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách…
Đại diện cho gần 700 doanh nghiệp, HBA “khẩn thiết” đề nghị được nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về giấy phép đi đường.
Giờ đến chuyện trong ngành y tế.
Tin tức cho biết, trong 3 tầng điều trị Covid hiện nay thì ở tầng 1 tức trạm y tế phường xã và bệnh viện quận huyện, lâu nay người bị nhiễm và cả y bác sĩ ăn uống chủ yếu nhờ các bếp ăn từ thiện.
Từ hôm 23-8, các bếp ăn này ngưng hoạt động hoàn toàn. Tầng 1 gặp nhiều khó khăn vì phải tự lo bữa ăn cho cả nhân viên y tế, đoàn thể lẫn người bệnh. Riêng chỗ này là đi ngược chủ trương “lấy sức dân lo cho dân” mà ông phó bí thư với nhậm chức chủ tịch UBND TP.HCM từng nói.
Mà đâu chỉ ‘bếp ăn bệnh viện’.
Chưa bao giờ, tại TP.HCM, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều người dân lên tiếng cầu cứu, cần trợ giúp khẩn cấp lương thực, thực phẩm… như trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 khiến giãn cách xã hội kéo dài. Tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm xuất hiện trong các địa bàn đông công nhân, lao động tự do…
Khi áp dụng giãn cách, TP.HCM đã chi hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cho lao động tự do, các hoàn cảnh khó khăn. Song, trên thực tế, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội khi giãn cách kéo dài là vấn đề hệ trọng khi nguồn lực kinh tế cạn kiệt dần, túi tiền của các hội nhóm thiện nguyện cũng ngày càng teo tóp, với việc từ ngày 23-8, hàng loạt các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã buộc phải đóng cửa.
Hiểu theo nghĩa nào đó thì câu chuyện kiệt quệ này có nguyên do từ… nhân quyền. Thế nhưng ít ai dạm luận bàn hay lạm bàn mặc dù từ năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên đã quy định về quyền con người, tức nhân quyền. Theo đó một trong những nhiệm vụ mà Bộ luật tố tụng hình sự hướng đến là bảo vệ quyền con người, bên cạnh những nhiệm vụ khác như bảo vệ công lý.
Song, chỉ cần nhìn mấy ông nhà báo bị bắt bỏ tù, đủ hình dung vì sao Việt Nam suốt hàng chục năm từ ‘nhân quyền’ luôn được cho là ngôn ngữ nhạy cảm. Rất nhiều người hoạt động nhân quyền đã bị bắt giữ về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Thay lời kết
Chào mừng Lễ Độc Lập 2 tháng 9 đang tới, với những dòng mở đầu trong Tuyên ngôn độc lập cách nay 76 năm “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” – được Hồ Chủ tịch trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Đêm 24-8, Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Hà Nội. Nữ thần Clio và cỗ xe lịch sử sẽ nhìn sang và ghi lại một thời khắc mà chiếc đồng hồ của Simon Willard đã điểm. Bà sẽ thấy gì, nghe gì “Để đảm bảo các quyền này, các chính phủ được thiết lập trong nhân dân, với quyền hạn chính đáng được người dân tán thành trao cho…” là đoạn kế tiếp mà Thomas Jefferson đã viết trong Tuyên ngôn độc lập, từ đất nước Hoa Kỳ khi bà đến Hà Nội?