Dế Cơm
(VNTB) – Sài Gòn với những dự tính, những lo toan, những chuẩn bị cũng như sức khỏe, tinh thần… để đợi ngày mở cửa, nhập cuộc trở lại với cuộc sống, dường chừng như tất cả đã được chuẩn bị.
Gần 160 ngày, Sài Gòn chống dịch. Một con số có thể nói, không tưởng và gần như nhiều người cũng không lường trước được.
Gần 160 ngày với chuỗi ngày không chỉ mệt mỏi vì dịch mà còn mệt mỏi bởi những quyết định đến từ Bộ y tế. Giãn cách rồi siết chặt, quân đội vào thành, xét nghiệm diện rộng – thần tốc….
Gần 160 ngày, người Sài Gòn phải gồng gánh với hàng loạt những lo toan, về cuộc sống khi “tiền ra là nhiều”. Với những gia đình tương đối ổn, nhường phần hỗ trợ cho người khó khăn hơn, còn phải tính toán kỹ càng để không “hụt hơi” huống gì với lao động bình dân, ngày có ngày không.
Gần 160 ngày với đầy rẫy những chốt chặn, đủ mọi thứ, cái gì có thể chặn được là chặn, kể cả dùng xe tải để chặn. Giờ đây, tất cả những “thép gai giăng” ấy, sắp sửa không còn nữa…
Ngày ‘hòa bình’ sắp đến để những ai còn sống sót sau ‘cuộc binh đao’ lại bước tiếp chặng đường của ‘dựng lại nhà – dựng lại người’.
“Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu
Ta làm lại từ đầu”.
Thật vậy! Rồi đây, khi ngày ‘hòa bình’ đến, gia đình sẽ được đoàn tụ, vợ chồng có thể gặp nhau, con cái có thể sống trong gia đình đầy đủ ba mẹ, không còn cảnh phải ‘video call’ mỗi ngày.
Ngày ‘hòa bình’ đến, ta sẽ được thăm lại gia đình; được bày biện trái cây, trà bánh; được cắm một cây nhang lên bàn thờ và thầm nói: “Cuối cùng, con cũng có thể làm mâm cơm cúng lên bàn thờ”…
Cái ngày ‘hòa bình’ ấy, cả gia đình sẽ được ngồi cùng nhau, nhìn ngắm bầu trời về chiều, cùng lắng nghe tiếng chuông chùa vọng lại đằng xa; cùng tận hưởng khói ấm tình thương từ bếp quê nhà và cùng nhau ăn bữa cơm sum họp gia đình, “bát cơm rau thắm mối tình quê”…
Cái ngày ấy, đã chờ, từ lâu lắm rồi…
Mong mỏi là thế. Ủng hộ những đề xuất đi lại đến từ chính quyền thành phố cũng như Bộ Giao thông vận tải, ủng hộ quyết định “sống chung với dịch” từ Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thế nhưng, vẫn còn lo nhiều lắm.
Lo lắng rằng, không biết Bộ Y tế còn đưa ra quy định gì gây khó dễ cho đời sống, đi lại của người dân nữa hay không? Không biết rằng, ông Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có thực tâm “sống chung với dịch” hay không? Hay là vẫn cương quyết xét nghiệm – truy vế – dập dịch? Không biết rằng, ông Long có đưa ra yêu cầu ‘hai mũi’ gì hay không, trong khi, quá rõ ràng, lỗi hoàn toàn không từ người dân. Họ luôn sẵn sàng đi chích, chính quyền cũng tích cực thúc đẩy hai mũi bằng việc xuống còn 6 tuần với AstraZeneca. Báo chí đưa tin, mạng xã hội và hình ảnh ghi nhận, dân ùn ùn đi chích, đã là một minh chứng quá rõ cho điều này.
Trong khi đó, vắc xin vẫn nhỏ giọt. Chuyến công du, đi nhiều nơi của ông Nguyễn Xuân Phúc lại chỉ mua được Abdala từ Cuba.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, vẫn tin rằng, rồi đây, những tháng ngày xưa ấy, sẽ mau chóng trở lại với Sài Gòn, dù có gặp biết bao trở ngại đến từ “con rồng xanh” hay trái thanh long đi chăng nữa…
Tiếp nối truyền thống của cha ông đi mở cõi, thế hệ miền Nam luôn sẵn sàng đón nhận và thích nghi, chung sống với con virus; càng không cứng nhắc, rập khuôn đến mức khó hiểu phải khăng khăng “zero covid”…