An Hòa
(VNTB) – Bây giờ không phải lúc tranh cãi, ca 1347 lây nhiễm tại nơi cách ly hay trong cộng đồng, mà cần cảnh báo đủ mức, để mọi người mang khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách. Việt Nam đã từng là một ốc đảo giữa sa mạc trong 89 ngày qua.
Ca 1.347 là ca nhiễm cộng đồng, đã xác định được nguồn lây là từ bệnh nhân 1.342 là nam tiếp viên hàng không tên D.T.H. Nam tiếp viên hàng không D.T.H. có thể bị lây nhiễm tại khu cách ly đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines.
Nếu bây giờ, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 ở Việt Nam, tin rằng rất nhiều thứ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sức chịu đựng của rất nhiều doanh nghiệp đã ở mức giới hạn. Rất nhiều doanh chủ nhỏ đã cạn kiệt nguồn lực để duy trì doanh nghiệp nếu lại bị cách ly, hoặc bị khách hàng tự cách ly lần nữa.
Ai cũng biết bên cạnh hồ hởi của chuyện ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’, là thực tế với quy mô kinh tế nhỏ và có độ mở thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay, không có gì ngạc nhiên khi bất kỳ một biến động nào bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng ngay lập tức và nghiêm trọng đến Việt Nam.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài – khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng sản lượng công nghiệp, khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài. ‘Cô Vi’ là một ví dụ.
Từng có cảnh báo, nếu vì tiếc một vài điểm % tăng trưởng GDP mà xem nhẹ hay chấm dứt các biện pháp chống dịch quá sớm thì chúng ta có thể phải trả giá đắt. Dường như cảnh báo đó giờ đây sắp là sự thật từ sự ‘ỷ y’ của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, đưa đến ca lây nhiễm thứ 1347 với việc đang bắt đầu cú đổ domino đe dọa dịch Covid-19 tái bùng phát cộng đồng ở Việt Nam.
Cũng từng có ý kiến đặt ra, rằng cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi. Vấn đề là Việt Nam sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào, điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế, giống như đại bàng hồi sinh từ đống tro tàn?
Từ ca lây nhiễm thứ 1347 cho thấy dường như vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng cho vấn đề trên.
Cũng có ý kiến, khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, và trong các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, người ta vẫn chưa thấy một thay đổi nào về chính sách sở hữu đất đai, đặc biệt là đất đai nông nghiệp.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, khi luận bàn về về chủ đề: “Dịch bệnh Covid-19: Tác động và chính sách ứng phó của Chính phủ”, đã nhắc lại rằng hồi đầu bùng dịch, kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo của Bộ Công thương cho thấy hiện tượng phản ứng chính sách quá đà có thể gây thiệt hại lâu dài. Bởi trong khi sản lượng lúa gạo của Việt Nam vẫn đang ổn định, chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, dư sức để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo xuất khẩu gạo thì nhà chức trách lại bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao.
“Đó là chưa kể như vậy chúng ta rất bất công đối với khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, vốn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi rơi vào khủng hoảng.
Thực tế vừa qua, rất nhiều người mất việc ở đô thị quay về nông thôn nương náu. Nếu không xuất khẩu được gạo, nông thôn sẽ bị quá tải, gánh nặng chồng chất thêm lên vai người nông dân vốn đã chịu nhiều khó khăn do thời tiết cực đoan, hạn mặn vừa qua.
Nếu chúng ta không giúp được gì cho nông dân thì cũng không nên tước đi lợi ích của họ”, ông Vũ Thành Tự Anh nhắc lại bài học bỏ lỡ xuất khẩu gạo giá cao từng xảy ra thời kỳ khủng hoảng 2008-2009.
Trở lại với ca lây nhiễm 1347. Ở đây là sự lỏng lẻo trong công tác cách ly. Nếu Việt Nam đã chọn phương pháp cách ly, thì phải cách ly cho nghiêm túc. Ở các nước không chọn biện pháp cách ly thì nhiều người đã có miễn dịch với virus corona, việc lây lan từ một cá thể nào đó sẽ khó hơn.
Trước mắt thì người Sài Gòn đang đối mặt với cơn ác mộng mang tên như một ả phù dung mãi mãi tuổi 19: “Cô Vi”.