Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Sao chép – trích dẫn” tối đa 30% là được chấp nhận?

Khánh Hòa

(VNTB) – Việt Nam chấp nhận “sao chép – trích dẫn” trong luận án của học viên cao học là tối đa 30%.

 

Theo tài liệu của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (*), thì: “Qui định về tỷ lệ kiểm tra chống sao chép: Các luận văn có kết quả tỷ lệ kiểm tra sao chép và tỷ lệ trích dẫn nhỏ hơn hoặc bằng 30% là đạt yêu cầu. Các luận văn có kết quả tỷ lệ kiểm tra sao chép hoặc tỷ lệ trích dẫn lớn hơn 30% là chưa đạt yêu cầu hội đồng chuyên ngành trực tiếp xem xét và quyết định”.

Thật ra thì phần mềm chỉ là bước đầu tiên. Theo giáo sư Phan Thiện Nhân – Trưởng khoa Cơ khí, Đại học Quốc gia Singapore, phó Tổng biên tập tạp chí Physics of Fluids – chia sẻ, mỗi năm tạp chí này nhận được khoảng 1.400 bài viết gửi đến, và ông chịu trách nhiệm giám sát khoảng 250 bài.

Những bản thảo này sẽ được kiểm tra qua phần mềm iThenticate. Khi con số trùng lặp với cơ sở dữ liệu lên tới khoảng 30%, người kiểm duyệt sẽ xem xét lại và quyết định bản thảo đó có vi phạm lỗi đạo văn hay không. Phần mềm không thể làm được việc này. “Tôi có thể từ chối bản thảo ở bước này mà không cần phải giải thích gì thêm, nếu rõ ràng tác giả chỉ đơn giản là sao chép nguyên văn văn bản. Nếu tôi cho rằng nó không đơn thuần là sao chép, thì bản thảo sẽ được gửi tới một bộ phận khác để xem xét tiếp”.

Trong vụ ông Bùi Văn Cường bị tố cáo là tác giả của luận văn bảo vệ học vị tiến sĩ đã gian lận học thuật, thì https://www.turnitin.com/vi là trang được cho là đã dùng kiểm tra. Kết quả, đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường, có ID kiểm tra là 884630913, ngày kiểm tra 24/11/2017, cho kết quả: tỷ lệ sao chép là 12%; nguồn internet là 6%; nguồn xuất bản là 0%; nguồn luận văn/ đề tài là 9%. Kết luận, “đảm bảo tỷ lệ cho phép”.

Độ chính xác của phần mềm kiểm tra Turnitin, phiên bản tiếng Việt là như thế nào? Về lý thuyết, phần mềm này sẽ hỗ trợ người dùng kiểm tra chính xác tỷ lệ phần trăm ‘đạo văn’ của một văn bản bằng cách đối chiếu nó với nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ đến từ các bài viết của sinh viên, trang web, sách, tài liệu học thuật,… Bên cạnh việc phát hiện và đánh dấu nội dung trùng lặp, phần mềm Turnitin còn tự động sao lưu các văn bản đã được tải lên để bảo vệ bản quyền.

Như vậy, dễ nhận ra điểm yếu lớn nhất của phần mềm Turnitin, phiên bản tiếng Việt là phụ thuộc vào nguồn dữ liệu hiện có. Nếu kho dữ liệu tiếng Việt này ít được cập nhật từ nguồn cơ sở tin cậy, thì tỷ lệ cho ra từ kiểm soát bằng thuật toán sẽ rất hạn chế.

Nói một cách khác, do cơ chế hoạt động máy móc và có phần “cứng nhắc” của các phần mềm kiểm tra ‘đạo văn’, nên dù cố tình hay vô ý (tự đạo văn), văn bản học thuật của nghiên cứu sinh rất có khả năng sẽ dính vào lỗi này. Nhiều nghiên cứu sinh, sau khi sử dụng các công cụ ‘check đạo văn’ rất bất ngờ vì bài báo cáo, bài luận của họ 100% không có sự sao chép, copy của bất kỳ ai, nhưng mức độ trùng lặp lại rất cao, lên đến hơn 30%.

Hiện tại thì Turnitin hay các phần mềm ‘check đạo văn’ tương tự đều có cơ chế hoạt động sẽ “bắt lỗi” các câu văn có cấu trúc giống nhau. Đối với những bài đạo văn có mức độ trùng lặp cao, để có thể giảm tỷ lệ này, nghiên cứu sinh bỏ công viết lại tất cả nội dung mà họ đã sao chép ở các nguồn tài liệu khác, sao cho trở nên thật khác biệt về câu từ để không phần mềm nào có thể nhận ra. Đây là phương pháp mang tính “hợp pháp” nhất, tuy nhiên nó đòi hỏi người viết phải có văn phong và khả năng diễn đạt ý nghĩa tốt, thêm vào đó là một chút kiên nhẫn.

Ngoài ra các phần mềm kiểm tra đạo văn không thể kiểm tra lỗi đối với các định dạng khác như PDF, Powerpoint trình chiếu, hình ảnh. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng được đối với một số bài tập, chuyên đề môn học và khó có thể sử dụng trong viết báo cáo, luận văn, luận án.

Trở lại với luận văn tiến sĩ năm 2017 của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường.

Ông Bùi Văn Cường sinh năm 1965, xuất thân là giảng viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam đến trước năm 2006. Từ tháng 5-2008, ông Cường được điều động tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy khoá XIII. Các chức vụ tiếp theo đó của ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và hiện tại là Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đắk Lắk.

Với các trọng trách quản lý như kể trên, nên chuyện ông Bùi Văn Cường vẫn còn dư dả quỹ thời gian tham gia làm nghiên cứu sinh của Viện đào tạo sau đại học của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, để bảo vệ luận án tiến sĩ vào năm 2017 (khóa 2015) với đề tài không rõ giá trị ứng dụng, mang tên là “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, đã tạo sự ngờ vực trong gian lận học thuật là điều dễ hiểu.

+ Chú thích:

(*) http://sdh.vimaru.edu.vn/sites/sdh.vimaru.edu.vn/files/chuan-Huong_dan_su_dung_Turnitin_va_Quy_dinh_ty_le_trong_kiem_tra_sao_chep-update.pdf

***

TS Nguyễn Hồ Bích Hằng (trường Đại học Luật TP.HCM) lấy ví dụ một bạn sinh viên nộp bài tập dài 15 trang, trong đó nếu trích dẫn hai đến ba câu của một tác phẩm nào đó mà không dẫn rõ nguồn thì trường hợp này được xem là đạo văn. Họ sẽ xem xét bao nhiêu phần sao chép không ghi nguồn thì đương nhiên luận văn đó sẽ bị đánh giá thấp hoặc thậm chí đánh rớt. Từ đó, người nghiên cứu khoa học sẽ nghiêm túc và tôn trọng các quyền tác giả của người khác.

Về hành vi sử dụng hợp lý tác phẩm trong đó có việc sao chép tác phẩm, PGS-TS Lê Thị Nam Giang (trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp. Trước đây trong Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ có đưa ra quy định không bị coi là xâm phạm quyền tác giả nếu “không sao chép phần trọng tâm của tác phẩm”. Vấn đề đặt ra là phần trọng tâm của tác phẩm được xác định như thế nào? Sau đó, đề xuất quy định về tỉ lệ sao chép không quá 10% tác phẩm cũng không được chấp nhận.

Theo PGS-TS Giang, về vấn đề này, pháp luật các nước hiện nay có ba cách giải quyết. Thứ nhất, không cho sao chép bất cứ phần nào của tác phẩm nếu ngoài mục đích sử dụng cá nhân như ở một số nước hoặc mục đích nghiên cứu khoa học và giảng dạy, ví dụ như tại Việt Nam. Vì vậy, thư viện các trường đại học ở Việt Nam đưa ra quy định về việc được sao chép 10% tác phẩm mà không phục vụ mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học là không phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành.

Quan điểm thứ hai là đưa ra các tiêu chí để xác định các hành vi sao chép được coi là không xâm phạm quyền tác giả, bên cạnh đó có đưa ra một số trường hợp cụ thể, ví dụ đối với sao chép tài liệu phục vụ học tập. Và cách thứ ba là đưa ra một tỉ lệ nhất định, ví dụ “luật 10%”, tức sao chép dưới 10% tác phẩm thì không bị coi là xâm phạm quyền.

“Luật bản quyền không bảo hộ ý tưởng mà bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng nhưng để xác định sao chép “hình thức thể hiện” ý tưởng hay sao chép “nội dung ý tưởng” là rất khó. Trong nhiều trường hợp, khi sử dụng tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình mà không tuân thủ quy định về trích dẫn thì sẽ bị coi là xâm phạm quyền tác giả hoặc hành vi “đạo văn”.

Bản thân tôi đã từng gặp trường hợp phải gọi điện cho một người đang là tiến sĩ để yêu cầu phải trích dẫn đầy đủ trong cuốn sách của người này vì sao chép sách của tôi. Sau đó, người này đã xin lỗi và sửa lại theo yêu cầu của tôi…” – PGS-TS Lê Thị Nam Giang nói.

(Trích hội thảo “Bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, do Khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 03-06-2020)

Tin bài liên quan:

VNTB – Bắt người trong trường hợp khẩn cấp – Thu hồi giấy phép và xử phạt 1 tạp chí

Phan Thanh Hung

VNTB – Lập pháp ở Việt Nam đang có vấn đề?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cầm chắc về tội danh vu khống rồi…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.