Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao lại phải giải cứu… nhà nước?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ở Việt Nam, khi cần đất đai cho cú áp phe làm ăn nào đó, thì nhân danh quyền lực nhà nước trong vai trò là “đại diện chủ sở hữu”, người ta không mấy khó khăn đề “quy hoạch – thu hồi”, ví dụ như vụ Thủ Thiêm của hai mươi năm trước, hay “vườn rau Lộc Hưng” của mấy năm gần đây.

 

Căn nhà là giấc mộng trăm năm

Trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu doanh nghiệp bất động sản, vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác. Việt Nam thì khác, vì nhà nước là “đại diện chủ sở hữu đất đai”, nên gặp lúc khốn khó như hiện tại, cần phải… “giải cứu”.

Góc nhìn chuyên môn về thị trường đất đai, có ý kiến, trên thế giới, người ta thường dùng chỉ số tính bằng tỷ lệ giữa giá nhà ở trung bình trên đồng lương trung bình của người lao động để đánh giá hiệu quả của thị trường bất động sản.

Theo đó, các nước châu Âu và Bắc Mỹ có chỉ số này khoảng từ 2 đến 4. Điều này có nghĩa giả sử mỗi người lao động có thể dành được 25% tiền lương để giải quyết nhà ở, tức là sau 4 năm thì dành được nguyên 1 năm lương cho nhà ở. Như vậy, họ mua được nhà ở sau 8 năm khi chỉ số trên là 2, và sau 16 năm khi chỉ số trên là 4. Chỉ số này ở Thái Lan bên cạnh Việt Nam, chỉ số ấy cũng chỉ là 7.

Còn ở Việt Nam – một quốc gia mà khi tổng kết hai nhiệm kỳ của khóa 11 và 12 cũng như sang luôn nhiệm kỳ thứ 3 ở khóa 13 mà ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, được cho rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, thì chỉ số này từ lâu rồi đã đến ở mức hàng chục là 25.

Có nghĩa theo cách tính như trên, thì nếu đủ sức để thắt lưng buộc bụng, không thất nghiệp nửa chừng, lạm phát hay giảm phát đều vừa phải, và sức khỏe trường thọ thì sau 100 năm, người lao động mới mua được nhà ở.

(Con số của cách tính toán đó góp phần lý giải vì sao người dân ở vườn rau Lộc Hưng đã phải uất hận đến cùng cực, khi năm hết Tết đến, chính quyền đã xua quân đến cưỡng chế đất đai, đập phá nhà cửa bất chấp quy định của pháp luật; thậm chí Bí thư Thành ủy còn chụp mũ chính trị với bất kỳ ai dám đứng lên kêu gọi thực thi công lý theo đúng pháp luật hiện hành…).

Ai mới là cần được ‘giải cứu’ ở đây?

Thời sự gần cả năm nay về chuyện thị trường bất động sản ở Việt Nam, là thị trường này đang gặp khó khi nguồn cung ít, thanh khoản kém, cả doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Từ lẽ đó nên một số hội đoàn của nhà nước cho rằng, cần ‘giải cứu’ thị trường bất động sản tránh để rơi vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Đơn cử như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra đề nghị tới Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ về ‘giải cứu’ qua việc xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12-2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.

Theo HoREA, các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín…

“Nếu tiếp tục rót tiền cứu bất động sản, giá nhà, thì giá đất sẽ còn tăng đến đâu? Việc lô đất Thủ Thiêm trúng thầu 2,44 tỷ đồng/m2 là giọt nước tràn ly, nếu tiếp tục giải cứu bất động sản bằng cách bơm tiền vào, thì giá đất sẽ còn tăng. Vậy cứu doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ giải cứu những người có nhu cầu mua nhà ở thực?”, một luật sư là thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, đặt câu hỏi.

Câu chuyện đất đai Thủ Thiêm hay khu “vườn rau Lộc Hưng” chẳng hạn, cho thấy thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam không phải phục vụ người lao động, mà đó là phục vụ cho giới giàu lên từ bất động sản với những cú áp phe bắt tay làm ăn nhân danh “đại diện chủ sở hữu đất đai”.

Thật ra thì chuyện nhân danh này chẳng gì phải chê trách, nếu như “đại diện chủ sở hữu đất đai” hiểu cần phải làm gì hiệu quả nhất để cải cách thị trường bất động sản nhà ở theo hướng giảm giá cho phù hợp với thu nhập bình quân của lực lượng lao động xã hội, rút ngắn con số chờ đợi “trăm năm dành dụm” mới mua được căn nhà…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thế nào là lợi dụng tôn giáo để trục lợi?

Do Van Tien

VNTB – Tội gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – R.I.P. một ‘ông lớn’ trong làng báo chí Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.