Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sinh viên đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và vấn nạn ô nhiễm không lưu .

Kiều Phong (VNTB) Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM (University of Sciences) là một trong những đại học sớm nhất ở miền nam Việt Nam, đào tạo nhân tài trong các ngành khoa học cơ bản. Những lớp sinh viên khoảng chục năm trở lại đây đang là nạn nhân của ô nhiễm không lưu. 

Ghi nhận của phóng viên Việt Nam Thời Báo: Trong vòng chỉ một giờ đồng hồ, từ lúc 13h đến lúc 14h có đến 10 chiếc máy bay bay qua ngôi trường này. Rút về đơn vị, tính ra cứ 6 phút lại có một chiếc máy bay bay qua. 

Một ca học của sinh viên kéo dài từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ, trung bình mỗi ca học một sinh viên phải chịu đựng từ 30 đến 40 chiếc máy bay bay qua đầu. Với những sinh viên đi học ngày hai ca thì lại càng phiền phức. Sinh viên không dễ để tập trung vào việc học. 
Môi sinh ở Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hết thảy đất ở, nước uống, thực phẩm, không khí đều ở dưới chuẩn thế giới. Vài năm trở lại đây có thêm ô nhiễm không lưu. Một lưu lượng lớn phi cơ được sắp xếp bay ngang vùng ngoại ô Sài Gòn. Không biết do nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà lưu lượng phi cơ đó tràn lên khu vực Linh Trung- Thủ Đức, nơi đóng đô thị đại học quốc gia TP.HCM. Trong số các trường chịu ảnh hưởng, đại học Khoa học tự nhiên là nặng nề nhất. Nhiều máy bay bay rất thấp so với ngôi trường này. Các sinh viên nói rằng máy bay chỉ cách mái trường một khoảng cách an toàn tối thiểu để không va chạm vật lý, nhưng về sức khỏe thì không đảm bảo cho sinh viên.
Chỉ sau đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc tế (Internatioal University) gần đó cũng phải hứng chịu ô nhiễm không lưu càng ngày càng nặng. 
Ô nhiễm không lưu không chỉ gây hại đối với sinh viên, sức khỏe của người dân trong khu vực xung quanh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Máy bay gây ra một hiệu ứng điện từ rất mạnh. Một chủ quán cơm đối diện đại học Khoa học tự nhiên cho biết, mỗi lần máy bay bay qua là sóng điện thoại tắt hết, trong số năm cọc không còn một cọc. Nhiều người làm thử thí nghiệm này và điện thoại nào cũng bị máy bay “phá sóng” như vậy.
Tiếng ồn và các hiệu ứng điện từ bởi những chiếc máy bay bay qua, theo như y học hiện đại nói, là không tốt cho sức khỏe. Vì vậy ở các nước đề cao nhân quyền, ở những khu vực lưu lượng máy bay qua lại nhiều, chính phủ phải di dời không lưu tránh xa khu dân cư. Nhưng ở Việt Nam, dù có rất đông sinh viên ở đại học Khoa học tự nhiên và các trường lân cận đã vào quy hoạch rất lâu từ trước thì nay bỗng dưng phải nín chịu trước sự ô nhiễm này.

Các sinh viên trẻ trung là vậy, nhưng sau một ngày đèn sách, nhiều bạn tối về cũng không ngủ được vì tiếng máy bay gào rú inh ỏi liên hồi như trong thời chiến. Đáng thương nhất có lẽ là các cụ già không thể chuyển nơi ở. Họ phải sống trong một khu vực ồn ào. Máy bay bay suốt đêm ngày, từ 2 giờ sáng đến 23 giờ đêm, nhiều cụ trở thành mất ngủ, sáng dậy mặt mũi bơ phờ hốc hác. 
Quy hoạch khu đô thị đại học quốc gia TP.HCM nói chung và trường đại học Khoa học tự nhiên nói riêng, từ lâu lâm vào bế tắc chưa mà chưa tìm được lối thoát.

Tin bài liên quan:

VNTB- Làm sao để phân biệt trang Việt Nam Thời Báo thật với Việt Nam Thời Báo giả?

Phan Thanh Hung

VNTB- Một thoáng Vũng Tàu: Có những người như thế

Phan Thanh Hung

VNTB – Khu du lịch văn hóa Suối Tiên: xả nước thải vào kênh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo