Nguyệt Quỳnh
(VNTB) – Bà Nối liên tục hỏi một câu hỏi đến năm lần tại tòa, nhưng đều không nhận được câu trả lời “Đảng có giết đảng không?”
Chiều ngày 5 tháng 3, Ls Ngô Anh Tuấn vào trại giam số 2 Hà Nội để gặp bà Bùi thị Nối và một số thân chủ của ông trước phiên toà phúc thẩm vụ Đồng Tâm. Câu chuyện ông kể về người đàn bà này làm tôi liên tưởng đến bài dụ ngôn về sự thật. Cũng cái thái độ đứng lên, ngồi xuống, xăm xăm, quá khích mà các luật sư gọi là “vô chính phủ” trước phiên toà sơ thẩm; ở đây bà Nối cũng gây bất ngờ cho cả luật sư và công an.
Khi được hỏi bà mong muốn gì ở phiên toà phúc thẩm, bà Nối đột nhiên bỏ ngay máy nghe xuống rồi đứng bật dậy, bà cởi áo khoác loay hoay lục tìm trên vai áo. Hoá ra bà đi tìm cái lỗ đạn trên vai áo mình. Rồi khi tìm thấy nó, bà nói, cũng những lời nói thật như hôm bà nói trước toà: “Mong các luật sư đòi lại sự công bằng cho tôi, họ đã bắn tôi máu chảy lênh láng…”
Thì ra, đó là cái lỗ đạn xuyên qua vai bà trong đêm công an đột kích vào nhà cụ Kình. Bà Nối làm tôi ngậm ngùi nhớ về giấc mơ tươi đẹp của nhà thơ Xuân Quỳnh thuở trước. Thời chiến tranh ai mà không mơ ước như Xuân Quỳnh:
Mai sau khi giặc Mỹ diệt lâu rồi
Nhà ta cao, cao khuất mặt trời
Chỗ bom cũ đã trồng hoa đẹp
Tất cả bình yên …
Nhiều việc quá, khó ai mà nhớ hết
Riêng vết đạn trên tường không dễ nào quên
(Vết đạn trên tường – Xuân Quỳnh)
Giặc Mỹ đã diệt lâu lắm rồi ước chừng hàng nửa thế kỷ. Những ngôi nhà cao tầng nay đã mọc lên khắp nơi trên đất nước, chỗ bom cũ nay cũng đã trồng toàn hoa đẹp, … Nhưng vết đạn đã không còn trên tường, mà nó mới nguyên – nó nằm ngay trên vai áo người mẹ nông dân chất phác này.
Hoa không mọc trên vườn nhà mẹ, hoa mọc trên những lan can của những tầng nhà cao ốc, hoa nở vì người khác, hoa nở cho người khác ngắm. Và người mẹ liệt sỹ ngày xưa bây giờ lây lất ở vườn hoa, ở công viên; mẹ rũ tóc kêu gào trước những trụ sở tiếp dân; mẹ cởi phăng quần áo trước đồn công an ở Cần Thơ, ở Hà Đông, … thứ vũ khí tuyệt vọng cuối cùng của mẹ.
Và hôm nay, họ đem mẹ ra toà với cái lỗ đạn còn nguyên trên vai áo. Cái lỗ đạn đó mới thật khó quên làm sao vì nó ở ngay trong tim tôi, tim bạn; vì nó là biểu tượng của một thời dối trá lên ngôi.
Bà Nối không biết nói dối. Lỗ đạn trên vai bà cũng không nói dối. Hình ảnh của bà trước phiên toà sơ thẩm là bản dụ ngôn về sự thật. Ở đó, kẻ giết người cầm cán cân công lý nhưng sự thật không chịu câm lặng, “Sự Thật” đòi lên tiếng. Ở đó, người mẹ già uất ức, xăm xăm chạy lên chạy xuống. Sự thật bảo các người đang xét xử điều gì vậy? Nhìn nè dấu đạn đây nè người ta bắn tôi máu chảy lênh láng,… Công an đã nắm chặt tay mẹ lôi về ghế ngồi. Mẹ vùng ra, mẹ leo đứng cả lên ghế, lớn tiếng chất vấn hội đồng xét xử “tại sao có pháp luật mà không thi hành”. Nhưng rồi, như cái kết chúng ta đã biết – sự thật bị bức tử, mẹ bị đuổi ra ngoài, sự thật bị lôi ra ngoài.
Tội nghiệp! còn lại một phiên toà đầy người và 90 triệu dân ngồi lắng nghe công lý gõ búa.
Nếu Picasso có mặt, tôi đoan chắc ông sẽ vẽ bức tranh sự thật từ cái lỗ đạn trên vai áo người mẹ Đồng Tâm này. Nếu nghệ sĩ Damien Hirst chứng kiến phiên toà, ông sẽ đem tượng đồng Verity (Sự Thật) từ cảng Ilfracombe xa xôi về đặt giữa lòng Việt Nam. Bởi chỉ nơi này mới có hình ảnh người mẹ bằng xương bằng thịt đứng hai chân trên hàng tá sách luật, tay cầm thanh gươm công lý, bụng mang hình hài Việt Nam.
Tự trong thâm tâm, chúng ta ai cũng muốn được an toàn. Chúng ta nhìn sự thật, giải thích nó và chọn cho sự thật một số mệnh. Nhưng với cái lựa chọn đó, chúng ta cũng quyết định luôn định mệnh của mình và những người chung quanh. Hãy nhìn những người dân thấp cổ bé miệng của thôn Hoành. Trong phiên phúc thẩm này, sáu người ra toà thì có đến năm người xin giảm nhẹ hình phạt. Chỉ riêng bà Nối là bác bỏ bản án.
Ngay buổi chiều gặp gỡ trước phiên phúc thẩm, các luật sư đã căn dặn bà Nối mọi điều. Họ nhấn mạnh với bà rằng, bà không được có hành vi quá khích để bị đuổi ra ngoài thì không còn cơ hội trình bày nữa. Bà Nối gật đầu đồng ý và bà đã hành xử trong khuôn khổ. Bà ngồi im, sự thật cúi đầu im lặng. Thế nhưng, Ls Mạnh bảo rằng người phụ nữ lam lũ, ít chữ đến không viết nổi lá đơn kháng cáo cho mình, lại luôn là một ẩn số khó đoán trong các phiên xử của toà.
Và vụ việc diễn ra như thế thật. bà Nối liên tục hỏi một câu hỏi đến năm lần tại tòa, nhưng đều không nhận được câu trả lời “Đảng có giết đảng không?”. Rồi thay vì xin giảm nhẹ hình phạt như người khác, bà bảo bà không chấp nhận bản án và còn đòi với toà rằng: “… phải bồi thường giá trị thương tích cho tôi”.
Ôi! Sự Thật. Ôi! Mẹ mới đẹp làm sao.