Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Suy đoán vô tội” và sự bình đẳng chính trị công dân

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Ngay sau khi “bắt quả tang”, phía công an đã “không buộc tội” các tiếp viên “xách dùm” lô hàng có chứa chất cấm là ma túy

 

Trong những trường hợp hạn hữu này, người bị cáo buộc có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: Có giới hạn nào đối với nguyên tắc suy đoán vô tội không? Cuối bài viết này, luật sư chốt hạ bằng câu văn đầy cảm thán: “cái nguyên tắc “Suy đoán vô tội” văn minh đó, chúng vẫn chỉ là cái bánh vẽ để lũ mông muội chúng ta mơ ước được áp dụng vào… kiếp sau mà thôi. Kiếp này, thôi quên đi”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh có lý.

Khái niệm tội phạm được định nghĩa cụ thể tại điều 8, Bộ luật hình sự 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Bộ luật hình sự 2015, ở điều 11 viết rằng vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

“1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Liệu có thể vận dụng phần nội dung ở Chương IV của Bộ luật hình sự 2015 để ‘gỡ tội’ cho 4 cô tiếp viên: “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự

Điều 20. Sự kiện bất ngờ

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” (…)

Cách xử trí “tội phạm” hay “vô ý phạm tội” được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Chương II “Những nguyên tắc cơ bản” của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, ở điều 13 “Suy đoán vô tội”, viết rằng:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Cũng trong chương II, ở điều 9 “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”, viết rõ:

“Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.

Như vậy cách hiểu ‘bình dân học vụ’ nhất trong chuyện “suy đoán vô tội” nhân trường hợp các cô tiếp viên hàng không liên quan đến ‘xách dùm’ lô hàng có chứa chất cấm là ma túy, cho thấy ngay sau khi ‘bắt quả tang’, phía công an đã “không buộc tội”, cho nên không phải chờ đến vận dụng điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Và từ ‘tiền lệ’ vừa mới được xác lập từ vụ các cô tiếp viên của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam này, cho thấy sắp tới đây các luật sư có thể vận dụng vào yêu cầu của điều 9 ở Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cho những yêu cầu tương tự trong bào chữa bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ.

(*)Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Công lý chỉ có khi tòa độc lập

Do Van Tien

VNTB – Chung cư mini được hiểu và vận dụng như thế nào trong văn bản pháp luật?

Do Van Tien

VNTB – Hội thẩm nhân dân: góp mặt cho ‘đủ tụ’ của sắc màu dân chủ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.