Triệu Tử Long
(VNTB) – “Cùng với việc bác bỏ 17 luận điểm kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn cho rằng kháng nghị trái pháp luật, nên không có căn cứ để hủy án, điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải”.
Bài báo “Vì sao kháng nghị hủy án Hồ Duy Hải bị bác bỏ?” trên tờ Thanh Niên online, số phát hành sáng ngày 9-5, đã có đoạn mở đầu như trên (1). Cũng tương tự cách nhìn khi cho rằng phần lỗi ở đây, chủ yếu từ nơi đã kháng nghị, tức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao, như bài báo trên tờ Viet Times của Hội Truyền thông số (2).
Cả hai bài báo đều không tường thuật về chi tiết nào trong kháng nghị là ‘trái pháp luật’?
Khi các thẩm phán đổ thừa kiểm sát viên non nghề (!?)
Báo Tuổi Trẻ, phiên bản điện tử số phát hành đầu giờ chiều ngày 8-5, có đoạn lược thuật như sau (3):
“Hội đồng thẩm phán đặt ra vấn đề: Căn cứ nào để Viện kiểm sát ra kháng nghị trong khi quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17-5-2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực?
Đại diện Viện kiểm sát lý giải, ngày 24-7-2019, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Do đó, Viện kiểm sát kháng nghị là đúng pháp luật.
Hội đồng thẩm phán tiếp tục chất vấn: Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản tố tụng hay văn bản hành chính? Văn bản đó có thay thế được quyết định của Chủ tịch nước hay không?
Theo Viện kiểm sát, công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính, không thay thế được quyết định của Chủ tịch nước. Tuy nhiên Chủ tịch nước đã tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Mặt khác, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải cũng căn cứ trên cơ sở hai quyết định không kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao và chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Về căn cứ để tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải, theo đại diện Viện kiểm sát, cơ quan này có quyền tạm đình chỉ thi hành án khi ra kháng nghị giám đốc thẩm.
Hội đồng thẩm phán cho rằng quyết định hành chính không phủ định được quyết định của Chủ tịch nước. Một quyết định tố tụng chỉ được thay thế, phủ định bằng một quyết định tố tụng khác. Hội đồng sẽ xem xét, cân nhắc về tính hợp pháp của quyết định kháng nghị”. (dừng trích)
Gậy ông đập lưng ông
Các lập luận mà Hội đồng thẩm phán đặt ra như trên với đại diện Viện Kiểm sát, cho thấy diễn biến của phiên giám đốc này đã thiếu sự chuẩn bị ở mức tối thiểu, với việc tuân thủ theo trình tự luật định mà chính Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – ông Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra tại văn bản số 625/QĐ-CA, ký ngày phát hành 6-9-2016, có tên “Quyết định Ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân” (4)
Ở quyết định trên, tại “Điều 6. Xử lý bước đầu văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm”, phần 2 “Quy trình xử lý bước đầu” có trình tự chi tiết như sau:
“Khi nhận được được văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao và các Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao tiến hành kiểm tra về thủ tục và xử lý như sau:
a) Nếu văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 328, Điều 353 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 257, Điều 282 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì chuyển đến các Vụ giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao hoặc các Phòng giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân cấp cao để giải quyết; cụ thể:
– Chuyển các văn bản đề nghị giám đốc thẩm, -tái thẩm đối với bản án, quyết định về hình sự đến Vụ giám đốc kiểm tra I (đối với Tòa án nhân dân tối cao) và Phòng giám đốc kiểm tra I (đối với Tòa án nhân dân cấp cao);
– Chuyển các văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định về dân sự và kinh doanh, thương mại đến Vụ giám đốc kiểm tra II (đối với Tòa án nhân dân tối cao) và Phòng giám đốc kiểm tra II (đối với Tòa án nhân dân cấp cao);
– Chuyển các văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hành chính, lao động, hôn nhân gia đình và người chưa thành niên đến Vụ giám đốc kiểm tra III (đối với Tòa án nhân dân tối cao) và Phòng giám đốc kiểm tra III (đối với Tòa án nhân dân cấp cao). Nếu Tòa án nhân dân cấp cao không thành lập Phòng giám đốc kiểm tra III thì chuyển văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hành chính cho Phòng giám đốc kiểm tra I và chuyển văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về lao động, hôn nhân gia đình và người chưa thành niên cho Phòng giám đốc kiểm tra II.
b) Nếu văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 328, Điều 353 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 257, Điều 282 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì yêu cầu người gửi văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng.
– Nếu người gửi văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sửa đổi, bổ sung đúng quy định thì xử lý theo quy định tại điểm a khoản này.
– Nếu hết thời hạn 01 tháng mà người gửi văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung không đúng quy định thì Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Tòa án nhân dân cấp cao ra thông báo trả lại văn bản đề nghị và tài liệu kèm theo (nếu có)”.
Như vậy, khi đã mở phiên giám đốc thẩm hết sức hoành tráng, với 17 chức sắc của tòa tối cao cùng diện màu áo đỏ biểu trưng uy quyền tối thượng, đủ sức đe dọa người yếu bóng vía, thì làm gì có chuyện sau đó lại ngờ vực về “tính hợp pháp của quyết định kháng nghị” (3).
Chỉ có một cách giải thích: “Les lois? – C’est moi”
Sinh viên trường luật khi nhập môn đều biết đến câu tiếng Pháp “Les lois? – C’est moi” được cho là của César đại đế, và được diễn nôm sang Việt ngữ: “Luật hả? Tao là luật nè!”.
Như vậy tất cả các thắc mắc liên quan “rằng quyết định hành chính không phủ định được quyết định của Chủ tịch nước. Một quyết định tố tụng chỉ được thay thế, phủ định bằng một quyết định tố tụng khác” (3) mà 17 vị trong hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đặt ra với đại diện Viện Kiểm sát, theo hướng quy kết căn cứ kháng nghị vi phạm pháp luật, nên dẫn tới ‘y án’ là cách ‘đổ thừa’ của việc họ đã quên mất văn bản đang hiệu lực thi hành là “Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân” (4), do Chánh án tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt bút ký, và rồi chính ông cũng quên mất luôn những nội dung đó.
Nói nhẹ nhàng nhất, có thể ảnh hưởng con virus cúm Tàu đang đe dọa ‘ăn vào não’, nên cả 17 vị thẩm phán áo đỏ đã quên mất bài học lý thuyết của trường luật: Quyết định về ân giảm án tử hình không phải căn cứ để phủ bỏ kháng nghị, và nó không là cơ sở luật pháp để thực hiện bất kỳ giai đoạn tố tụng nào của toà án.
Bởi Chủ tịch nước không phải thuộc về chức năng tư pháp, mà là thuộc nhánh lập pháp, và quyết định của Chủ tịch nước không phải là một phán quyết có tính tư pháp, và cũng không tạo nên bất cứ một sự ảnh hưởng nào tới nội dung vụ án hay kể cả là bất cứ trình tự tố tụng nào của toà án.
Có lẽ mọi chuyện sẽ dễ hiểu hơn khi ít nhất là suốt 45 năm qua, người dân miền Nam xứ Việt, ai cũng từng thấm thía của “Les lois? – C’est moi” – “Tao là luật, luật là tao” (!?).
____________
Chú thích:
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/vi-sao-khang-nghi-huy-an-ho-duy-hai-bi-bac-bo-1221286.html
(3) https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bieu-quyet-bac-khang-nghi-vu-ho-duy-hai-20200508135855413.htm
(4) https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet?dDocName=TOAAN016211