Trâm Minh
(VNTB) – Cái tự do rộng lớn, chính là tự do trong nhận thức toàn diện của sự làm người. Tự do được sống theo và sống trong lẽ phải.
Vậy, ta đã làm được gì cho tự do?
Ngày 2-9-1945, khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình để khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì tự do là một khái niệm toàn dân. Lúc đó, kẻ thù của tự do là đế quốc, là ngoại xâm đã được đánh đuổi, đẩy lùi.
Giờ là tháng 9-2020, đã 75 năm sau đó, trong thời bình, cũng như trong mọi diễn biến đời sống của loài người trên khắp thế giới này, tự do vẫn luôn là hành trình mà mỗi cá nhân vẫn phải bước đi, vào những vỉa tầng sâu hơn, cho sự phát triển dài lâu hơn, bền vững hơn.
Cái tự do rộng lớn đó, chính là tự do trong nhận thức toàn diện của sự làm người. Tự do được sống theo và sống trong lẽ phải. Khi đã thoát ly khỏi xiềng xích đế quốc, khi đã sống trong một đất nước có hiến pháp, có pháp luật – thì kẻ thù lớn nhất của tự do chỉ còn là sự yếu đuối của chính mình, và tự do nằm ở tư thế sống của mỗi người, và sự bền bỉ sống trong đúng tư thế đó.
Tôi muốn nhắc đến nhà báo tự do Phạm Chí Dũng. Sở dĩ gọi ông là nhà báo tự do, vì ông không làm việc chính thức ở bất kỳ tòa soạn nào, và ông có thể sống một cách tử tế làm ra đồng tiền bằng nghề viết báo để cùng với vợ nuôi dưỡng hai đứa con trai ăn học. Nôm na, ông sống bằng nhuận bút viết báo với tư cách là một nhà báo tự do; và tự do ấy còn là trong nếp nghĩ độc lập, không chịu sự phụ thuộc nào của “định hướng tư tưởng” mà nếu ông là “nhà báo có hợp đồng”, ông buộc phải ‘cam chịu’ như một ràng buộc của ‘gieo kèo’ trong tòa soạn.
Nhà báo Phạm Chí Dũng đã làm được gì cho tự do?
Tôi đặt câu hỏi này trong bối cảnh ông Phạm Chí Dũng đang bị giam giữ với cáo buộc tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Nhà chức trách nói rằng có quá nhiều bài báo mà ông Phạm Chí Dũng viết đã không phản ánh đúng sự thật về nền chính trị ở Việt Nam, qua đó dễ đưa đến những ngộ nhận xấu về thể chế đơn đảng ở Việt Nam.
Nhà chức trách có cái lý của họ, và công chúng cũng có cái lý riêng của mình trong quyền tự do nhận định.
Một đơn cử, từ sau tháng Tư, 1975 đúng là ở Việt Nam có rất nhiều những cuộc tuần hành trên đường phố để biểu thị một vấn đề, một sự kiện chính trị nào đó. Thế nhưng suốt 45 năm qua, hoàn toàn không có luật về quyền biểu tình.
Hiến pháp 2013, Điều 3 ghi rằng, “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Thế nhưng trên thực tế thì người dân chưa có được quyền về biểu tình, chưa có quyền tự do lập hội, chưa có quyền tự do ngôn luận. Cụ thể hơn, tuy Điều 25 của Hiến pháp có ghi rất trang trọng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, song vì chưa có pháp luật quy định chi tiết thực hiện các quyền này, nên “tự do” thực chất là một thứ “quyền treo”.
Sau quá nhiều lần ý kiến với đủ mọi kiến nghị của người dân cho chuyện “quyền treo” như kể trên, người ta đã vô vọng, và người ta có quyền từ bỏ chuyện tiếp tục đeo đuổi quyền đòi hỏi tự do đó. Người ta đã chọn quyền không tin vào lẽ phải, chọn quyền khước từ sự thật về tự do để khỏi phải gặp các rắc rối về pháp luật. Những nhà báo “có hợp đồng”, sẽ phớt lờ sự thật này để có thể chọn đeo đuổi những sự thật khác. Họ có thể có một định nghĩa khác về “tính hiệu quả”, có quyền chọn những “hiệu quả” dễ dàng hơn, độc quyền hơn, giật gân hơn…
Nhưng, mọi “hiệu quả khác” đều không khỏa lấp được một lần người ta làm ngơ trước một sự bất công, trái đạo lý, phạm pháp… và xác định “không thể làm gì được”. Sự thật này không bao giờ có thể được bù đắp bằng một sự thật khác.
Một lần làm ngơ, ngoảnh mặt và từ bỏ một sự thật xã hội – là một lần người ta giới hạn tự do cá nhân, góp phần giới hạn sức mạnh của hệ thống công quyền và sự sáng rõ của luật pháp. Từ đó, nguyên tắc hành xử xã hội có thể không chỉ dựa vào pháp luật, đạo lý, lẽ phải; mà còn dựa vào những “đặc quyền”, những “vùng cấm”, những khoảng nhá nhem mơ hồ nào đó bên ngoài pháp luật. Mà một khi đã để cái mơ hồ chi phối, thì hành vi của con người không còn có thể thẳng thớm, đường hoàng.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng đã không chọn kiểu tự do như trên. Các bài viết của Phạm Chí Dũng được trang web Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) chọn đăng và trả nhuận bút, là một minh chứng khác cho quyền tự do làm báo.
Quyền tự do làm báo không phải là một đặc quyền, đặc ân chỉ của riêng một đảng chính trị nào, và nhà báo Phạm Chí Dũng đã bền bỉ cho quyền tự do ấy.
Trở lại với VOA, nơi mà nhà báo Phạm Chí Dũng chọn cộng tác.
Voice of America – tiếng Anh, viết tắt VOA; cũng được gọi là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ là dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. VOA sản xuất nội dung số, tivi và radio bằng hơn 40 ngôn ngữ mà nó phân phối nội dung tới các đài liên kết trên toàn cầu. Đối tượng của VOA chủ yếu khán giả nước ngoài, vì vậy VOA được tập trung vào nội dung có ảnh hưởng đến dư luận nước ngoài liên quan đến Hoa Kỳ và người dân nước này.
VOA được thành lập năm 1942, và hiến chương VOA – Luật công chúng 94-350 và 103-415 đã được Tổng thống Gerald Ford ký thành luật năm 1976. Hiến chương này có sứ mệnh “truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế” và nó xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA.
VOA có trụ sở tại Washington, D.C., và được Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ, một cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ giám sát. Tiền tài trợ được Quốc hội Hoa Kỳ trích lập hàng năm theo ngân sách dành cho các đại sứ quán và lãnh sự quán.
Việc nhà báo Phạm Chí Dũng chọn VOA là nơi cộng tác, có lẽ vì ông đã nghĩ rằng với thế mạnh là kênh truyền thông đối ngoại chính thức của Hoa Kỳ, nên những bài viết ghi nhận thực cảnh Việt Nam của ông sẽ được sự quan tâm hơn từ Hoa Kỳ, một đối trọng cần thiết để Việt Nam “thoát Trung” từ kinh tế cho tới sự phụ thuộc trong kỹ trị quốc gia.
Pháp luật, nguyên tắc tổ chức, lẽ phải, đạo lý là những điều người ta thực hành trong vùng sáng của nhận thức. Còn những nguyên tắc mơ hồ, những cái bóng phép tắc bất thành văn là thứ chỉ có thể khiến người ta sợ hãi và khòm lưng né tránh.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng hiểu rằng khi đã làm báo, là đối diện nhiều nhất với câu hỏi “rồi để được gì?” trước khi dấn thân vào một sự thật. “Kỷ nguyên của bất tín” là cách mà báo Alantic của Mỹ gọi thời đại mà chúng ta đang sống. Vì “bất tín” (vào công bằng, lẽ phải, công quyền…), nên những câu hỏi thiệt hơn sẽ liên tục được gióng lên mỗi lần người ta làm điều gì đó có tính dấn thân.
Ta đã làm được gì cho tự do?
Ngày 2-9-1945, khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, tự do là một khái niệm toàn dân. 75 năm sau, tự do vẫn luôn là hành trình mà mỗi cá nhân người Việt vẫn phải bước đi, vào những vỉa tầng sâu hơn, cho sự phát triển dài lâu hơn, bền vững hơn.
Cái tự do rộng lớn đó, chính là tự do trong nhận thức toàn diện của sự làm người. Tự do được sống theo và sống trong lẽ phải ở một đất nước có hiến pháp, có pháp luật. Và phải chăng, với những bài báo mà ông đã đóng góp cho nhiều kênh truyền thông như VOA, BBC, VNTB…, ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ ràng rằng kẻ thù lớn nhất của tự do, giờ đây chỉ còn là sự yếu đuối của chính mình?