Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tại sao cứ mãi làm khó các em lớp 1? (*)

 

Diệp Chi

 

(VNTB) – Câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 với vấn đề không dạy chữ “P” độc lập, cũng “nóng sốt” không kém chuyện chiến sự ở Ukraine.

 

Câu chuyện về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều dường chừng như vẫn còn ở đó, chưa có thể quên được, thì bây giờ, giáo dục dưới triều đại của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lại lùm xùm với… P

Thời gian qua, bên cạnh vấn đề chiến sự Ukraine và Nga, câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 với vấn đề không dạy chữ “P” độc lập, cũng “nóng sốt” không kém.

Theo thông tin được đăng tải trên báo chí, một chủ biên của bộ sách giải thích: Sách Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã dạy chữ “P” khi nó kết hợp với ‘H’ thành chữ “PH” (phờ). Sở dĩ tác giả không đưa chữ ‘P’ độc lập vào sách vì rất ít từ tiếng Việt có chữ ‘P’ đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là ngoại lai.

“Thoạt nghe qua thì hợp lý, bởi đúng là P kết hợp với H chiếm đa số, có thể thấy trong các từ mang yếu tố địa danh như Phú Yên, Bình Phước… hay mang tên người như Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Xuân Phúc…. Tuy nhiên, các nhà soạn sách giáo khoa đã quên, hay cố tình bỏ qua, yếu tố từ vay mượn trong tiếng Việt.

Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Song, cũng có những người mà phải dùng đúng với quy tắc của nó. Ví dụ như số pi, liên kết pi. Rất ít từ tiếng Việt có chữ “P” độc lập, điều đó không đồng nghĩa là không có. Và thế nào là từ ngoại lai khi thế giới bây giờ đã là hội nhập?”, một cựu sinh viên khối đại học Quốc gia chia sẻ suy nghĩ.

“Cá nhân tôi thì nghĩ đơn giản, giáo dục chữ cái trước như thế nào, giờ như vậy đi, bày trò thay đổi này nọ theo ý ông này bà kia để làm cái gì? Có chắc mấy ông mấy bà thông minh hơn thế hệ tiền nhân hay không?”, một lao động bình dân chia sẻ.

“Có phản ứng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Dù sao người ta cũng mang tâm tưởng mình là nhà giáo dục mà, cái đầu phải hơn chúng tôi chứ. Thực tế thì có những cái vô cùng lạ lùng. Sách thì cũng in rồi. Phản ứng thì cùng lắm là xin lỗi, là thu hồi. Sau đó cũng thôi, còn chi phí in thì như thế nào, cũng chẳng rõ. Giáo dục là một trong những nền tảng hình thành nhân cách, hy vọng ở Nguyễn Kim Sơn, chắc cũng chẳng vào đâu”, một nông dân ngán ngẫm chia sẻ.

Theo phát biểu của ông Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), trên một tờ báo điện tử thì: “29 chữ cái, trong đó có chữ ‘P’ được Nhà nước quy định trong Hiến pháp, từ thời Gia Long đã quy định thế rồi, không được bớt. Còn Bộ Giáo dục chỉ quy định mẫu chữ thôi. Nếu bỏ đi là thiếu hụt ghê gớm”.

Sắp sửa có con vào lớp 1, một phụ huynh e dè: “Lo chuyện dịch, rồi còn lo thêm vụ sách giáo khoa. Mỗi năm là mỗi có chuyện, mấy bé chỉ mới lớp 1 thôi mà, sao mấy ông cứ khoái bày trò, vẽ chuyện thay đổi theo hằng năm để làm khó học sinh quá vậy”.

Không băn khoăn sao được khi giáo dục mỗi năm là mỗi thay đổi. Càng thay đổi, lại càng rối rắm, phức tạp hơn, nhất là chương trình giáo dục cho lớp 1, tiếng mẹ đẻ của dân tộc.

Nhớ lại, khi ông Nguyễn Kim Sơn trở thành Tân Bộ trưởng Bộ giáo dục, ông đã tôn vinh giáo dục nhân bản. Tân bộ trưởng nói rằng triết lý giáo dục mà ông tâm niệm đó là giáo dục nhân bản. Bởi cái gốc của con người là thiện lành.

Nhân bản tới đâu, như thế nào, thì vẫn chưa thấy được. Còn rắc rối, phiền phức trong sách giáo khoa, từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì đã hiện hữu quá rõ…

Nghịch lý sờ sờ ra đó, chẳng lẽ ông Sơn lại không thấy?

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả


Tin bài liên quan:

VNTB – Đi khám bệnh rồi còn muốn bệnh hơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Học bạ, coi vậy mà không phải vậy

Trương Thế Tử

VNTB – Thiên hạ luận: Chính phủ muốn khuyến khích người dân đi xe đạp?

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 28.02.2022 1:41 at 01:41

“Tại sao cứ mãi làm khó các em lớp 1?”

Muốn tạo được 1 bầy vịt không kêu khi bị vặt lông, gotta start early. Dạy vịt con từ thuở còn thơ

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo