(VNTB) – Người đời nói “vạn sự khởi đầu nan” và cũng nói “đầu xuôi đuôi lọt”, đủ thấy cái lần khởi đầu nó quan trọng đến thế nào?! Đến mức người Việt còn thường xuyên ngâm nga:
Có người một hẹn thì nên
Có người chín hẹn chẳng nên hẹn nào
Trong cuộc đời, tôi trải nghiệm, đặc biệt có hẹn với khách má hồng, nếu lần đầu đã ung thì thôi đừng có mơ hão làm gì nữa, cái lần hệ trọng thế mà họ chẳng coi vào đâu, thì đừng hy vọng. Kể từ khi tôi dứt khoát làm theo phương ngôn như vậy, thấy cuộc đời tươi tắn hẳn.
Thực ra, với HNBĐL, thì đây không phải lần đầu. Lần đầu Hội họp ở Sài Gòn để ra đời, đó mới đích thị là lần thứ nhất. Nhưng tại Hà Nội ngày 10/08/2014 mới gặp mặt nhau, vẫn coi như lần thứ nhất.
Người ta vẫn bảo những người mới nhận nhiệm sở là về làm dâu mới, trăm mắt nhòm ngó, nghìn tai nghe ngóng… sa xảy gì là ngã sớm luôn! Nhưng mình họp lần thứ nhất coi như lần hai này (vì hoàn cảnh), chẳng khác gì đi xa bố mẹ đã ăn hỏi cưới vợ cho, giờ mình về thì cứ thế động phòng hoa chúc! Sướng ghê!
Tôi mặc áo đi giầy như nhân vật của Dostoievski trong tiểu thuyết “Nhật ký viết dưới hầm đất”, nghĩa là mặc tươm tất một là để quyến rũ, hai là để nếu có va vào ai, trông mình hoàn toàn giống hiệp sĩ đã sẵn sàng trang phục cho bi hùng kịch.
Cuộc họp ở nhà anh Nguyễn Thanh Giang, một nhà hoạt động dân chủ có tiếng lâu năm ở đường Trung Văn, một con đường từ làng lên phố, nên số nhà chẵn lẻ linh tinh cả. Tôi tìm đường mãi thì nghe nhà báo Phạm Thành, người có trang Bà Đầm Xòe gọi “Đức ơi, mọi người đến đủ cả rồi, chỉ chờ Đức thôi”. Tôi đáp “Đến cửa rồi đây!” Nhưng mà đi lạc đến tận cuối xã, rồi lại vòng lên tìm. Tôi đến muộn nhất, lòng tự nhủ kiểu AQ và Chí Phèo, mình có cố tình đâu, vậy mà vẫn đến muộn nhất, “vua thì phải ra sau chứ”…
Trước khi vào làm việc, mọi người đứng vào chụp ảnh dưới pa-nô có dòng chữ “ Hội nhà báo độc lập – chi hội miền Bắc”, anh Phạm Thành có kêu “Đức ơi sao không đứng vào giữa?” ý anh muốn nói tôi xứng đáng đứng ở giữa. Tôi đứng rìa ngoài cùng bên trái, liền bảo “Tôi đứng đây cạnh Phó chủ tịch hội rồi!” Liền đó tôi nghĩ, có dăm bảy người, chen chúc đòi chỗ giữa làm gì nó háo danh không phải lối. Tôi cũng nhớ lại lời Chúa trong Kinh Thánh “khi con vào hội đường, đừng chọn chỗ nhất, bởi vì nếu bị người ta mời xuống chẳng nhục lắm sao, con hãy ngồi chỗ dưới nếu xứng đáng họ sẽ mời con lên, chẳng vinh quang hơn sao!”
Sau đó mọi người vào làm việc. Anh Nguyễn Tường Thụy Phó chủ tịch hội đã trình bày cuộc họp ra mắt Hội ở Sài Gòn, vấn đề kết nạp hội viên, vấn đề có hai tờ báo Việt Nam Thời Báo, một trên website là báo chính, một trên facebook coi như phụ trương. Anh kêu gọi, mỗi hội viên nên đóng góp cho tờ trên website ít nhất hai lần một tháng.
Có ý kiến hỏi rằng: Thế tờ trên facebook có phải của riêng ông Ngô Nhật Đăng không? Cẩn thận không ông ấy lấy tư cách cá nhân chiếm tờ báo của Hội? Phải rõ ràng cái cá nhân và cái chung.
Tôi liền bảo: “Không nên rốt ráo kèn kẹt như vậy, nên tạo ra không khí cởi mở để mọi người làm việc cũng như phát huy sở trường của mình. Hội thì mới thành lập, chặt chẽ soi mói quá thì làm sao người ta phát huy được sở trường?!”
Tôi nghĩ, người ta kỵ nhất “mượn việc công trả thù riêng”, nhưng nghề báo chí là “án tại hồ sơ”, mọi thứ còn nằm trên trang báo kia, mất đi đâu mà có thể ấm ớ ám muội được?!
Với tư cách là đàn anh, anh Nguyễn Thanh Giang nói những câu kết luận:
1- Theo anh, Hội mới thành lập chúng ta nên có tình huynh đệ để tồn tại. Đề phòng những mâu thuẫn trong anh em, rồi người ta sẽ đâm bị thóc chọc bị gạo, rồi tung tin ấm ớ về tiền bạc, cả quan hệ lẫn nhau, như anh đã bị đổ tội là hủ hóa với vợ bạn, hoặc tồi tệ như luật sư Cù Huy Hà Vũ bị ném cho hai bao cao su…
2- Hội mới thành lập, nên để mọi người được phát huy làm việc, không nên áp đặt hay soi mói nhiều làm người ta chột đi
Cuộc họp chấm dứt, mọi người rủ nhau ra bàn ăn, câu chuyện rôm rả hơn nhiều. Mọi người nhìn vào vị Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy, có cử bà xã đến nấu ăn, bình luận. Rõ ràng anh Thụy là Phó chủ tịch rất xứng đáng, ít ra là anh luôn xông xáo hàng đầu, lại có riêng một trang mạng cũng dấn thân đăng những vấn đề hàng đầu luôn, thơ Đường luật thì giỏi hạng nhất… Còn ai xứng đáng hơn thế! Rồi mọi người bày tỏ lo ngại nhất về việc sẽ ganh tỵ đố kỵ lẫn nhau. Tôi nói “Không ngại! Nếu có đố kỵ, tôi là người đầu tiên xung phong đè bẹp nó!” Tôi nói thế không phải oai phong gì mà nghĩ: có mấy móng lèo tèo, tự giác họp lại với nhau, còn đố kỵ thì chán lắm!
Vả lại sớm như Giáo Hoàng Jean Paul II, mới có 50 tuổi đã trở thành Giáo Hoàng của cả tỉ người trên hành tinh, còn muộn như triết gia nổi tiếng Kant đến 57 tuổi mới có bài đăng trên tạp chí, nhưng ông ra một cái là tên tuổi lẫy lừng luôn, vì ông sống ở trên nền dân tộc Đức văn hóa rất cao, họ biết đánh giá cái gì đã vượt trần… Vậy mà ở đây lèo tèo vài người khác gì tranh nhau làm tổ trưởng tổ dân phố?!
Để triệt tiêu mâu thuẫn triết gia Socrate đã đề xướng ra cấu trúc cộng hòa. Ông quan niệm: nếu chỉ sống bám vào một tiêu chí như quyền lực thì cuộc cạnh tranh để sống sẽ vô cùng gay gắt, cuộc sống nên giống tôm cá sống trong ao, có con ăn nổi, có con ăn tầng giữa, có con ăn tầng đáy, như vậy cuộc sống mới tồn tại và phong phú, tính chất cạnh tranh sinh tồn sẽ giảm nhẹ.
Triết gia Aristote thì tuyên bố: “Một quốc gia chỉ phát triển khi mọi người được tự do suy tư và làm theo sở trường của mình”. Không có cuộc sống nào không được xây nên từ hành động! Mà hành động có được do suy tư! Sự nghèo nàn về suy tư cũng như ý tưởng đang làm cho người Việt chúng ta rất nghèo hèn!
Theo lý thuyết phổ quát thì văn chương lớn hơn chép sử. Bởi lẽ văn chương có hư cấu, còn chép sử chỉ là ghi nhớ thông tin!
Nghề báo là nghề thấp nhất trong giới cầm bút, bởi lẽ đó là nghề ghi chép đưa tin! Nghề báo chỉ cao cả khi nó dũng cảm tiếp cận chiến trường khói lửa, những biến động trên hè phố, và những vấn đề xã hội sinh tồn! Còn nếu chỉ làm nghề bình bình, nghề báo là thấp kém nhất! Có phương ngôn “Tác phẩm là quyền lực”, một bài báo nhiều lắm chỉ là một tiểu luận, chưa bao giờ là tác phẩm cả để mà ảo tưởng!
Trong các bộ phim, người ta gọi “đám nhà báo”, nhưng không thể gọi “đám nhà văn” (cũng có thể gọi “đám nhà thơ” ), bởi đơn giản nhà văn không đủ đông và tập chung đến mức gọi là đám. Còn nhà báo ư, đi đâu cũng thấy vô số chĩa máy ảnh to và bé cản đường, săn tin… Đã là “đám” làm nghề đưa tin thấp kém bày đặt cao kỳ quyền cao chức trọng làm gì?!
Tôi nhớ Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận nói với tôi rất nhiều lần về phương ngôn lãnh đạo của Tòa Thánh Vatican không hề thay đổi trong suốt dòng lịch sử, đó là, đã làm lãnh đạo thì phải ghi nhớ ba điều:
1- Faire faire toujours
2- Jamais faire tout
3- Quelquefois laissez faire
Nghĩa là :
1- Luôn luôn ra lệnh
2- Đừng bao giờ làm tất cả
3- Đôi khi mặc cho người khác làm
Làm lãnh đạo mà đòi làm tất nghĩa là anh chẳng tin ai, anh cũng ôm rơm nặng bụng đòi làm tuốt, sở trường của anh dứt khoát chỉ có hạn, anh không thể là chim vừa bay trên trời lại là cá vừa bơi dưới nước, con công khoe bộ lông thì được, chớ thi hót với con sáo… một anh là cá mè ăn bề nổi thì hãy để người khác ăn tầng chìm, hai là anh ăn tầng chìm thì để người khác ngoi lên, chứ anh không thể đòi ăn các loại tầng. Muốn thế anh chỉ còn cách làm cột đo mực nước, như vậy thì lại sơ cứng…
Mọi cuộc họp thường có biên bản, cuộc họp này cũng không ngoại lệ. Tôi xin dừng ở đây, không lại thành tán dông dài trùm ra ngoài biên bản. Chúc cho Hội ta lớn mạnh xum xuê!