VNTB – Tận diệt thủy hải sản hay những hải tặc người Việt

Kỳ Lâm (VNTB) Chính từ chính sách và chủ trương quản lý kinh tế biển không hợp lý, cùng với tâm lý “ăn xổi ở thì” liên quan đến nghề biển, đã khiến cho những chiếc thuyền đánh cá nhỏ, màu xanh trở thành hình ảnh ám ảnh mang tên… tận diệt!

Nguồn lợi thủy hải sản trong nước: cạn kiệt

Điều này xuất phát từ việc quản lý khai thác nguồn tài nguyên còn lỏng lẻo từ phía nhà nước cũng như ý thức của ngư dân liên quan đến phương thức mang tính… tận diệt. Trong đó, việc sử dụng phương pháp kéo lưới, xung điện, cào bay,… làm cho các khu vực đánh bắt cá bị phá hủy, số lượng ngư trường biển bị xâm hại nghiêm trọng. 

Thậm chí việc tận diệt nguồn thủy sản còn diễn ra ngay trong lĩnh vực du lịch biển. Vào tháng 1/2017 vừa qua, một tài khoản Youtube của công ty du lịch đăng tải video clip với tựa đề: ‘Du lịch Phú Quốc cùng ngư dân đi bắt tôm về nướng muối ớt’. Trong video ghi nhận ngư dân phục vụ việc kéo “tôm” bằng lưới trải rộng (mắt nhỏ); và sau 2 lần kéo lưới, thì thành quả gồm có rạn san hô bị đứt gãy; rong – rêu; vài con cá – tôm nhỏ,… Một người dùng youtube sau khi xem phải bình luận gay gắt rằng: “Toàn là cá, tôm nhỏ thôi. Sao không thả về biển để bảo vệ các loài hải sản. Tư duy đánh bắt tận diệt kiểu này thì nói sao tài nguyên cạn kiệt nhé.!”

Tôm, cá nhỏ, san hô, rong rêu biển và các sinh vật nhỏ đều bị kéo lên để… phục vụ du lịch?
Trên thực tế, theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, số lượng tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (có huyện đảo Phú Quốc) tăng từ 7.700 chiếc (2005) lên 11.904 chiếc (2010), với tổng công suất tăng lên 1.425.733CV nhưng sản lượng khai thác lại giảm (0,26 tấn/CV). Và chỉ tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh hiện có 10.444 tàu thuyền làm nghề khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới kéo chiếm 31,5% về số lượng và sản lượng khai thác nghề lưới kéo chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Điều này dẫn đến nguy cơ trong tương lai, “nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Kiên Giang, nhất là nhóm cá nổi, cá tầng đáy có nguy cơ cạn kiệt; bãi sinh sản của các loài thủy sản bị đe dọa.”

Vấn đề mang Kiên Giang đang gặp phải là mối lo chung của nhiều tỉnh thành ven biển Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong góp ý Dự án Luật thủy sản (sửa đổi) vừa rồi, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN Phạm Ngọc Minh nêu nhận xét sau 30 năm đi biển là: “Trước đây biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều”.

Tận diệt ngư trường nước bạn

Khi nguồn lợi thủy sản trong nước bị tận diệt, ngư dân cùng với “chiến thuyền” của mình đã tìm đến các vùng biển nước bạn để khai thác bất hợp pháp và cũng với một phương thức tận diệt nêu trên. Một trong những nước bạn bị ảnh hưởng bởi xu hướng này là Campuchia, khi ngư dân Việt đã đánh bắt trộm bằng hình thức giã cào (những tàu giã cào có công suất lớn từ 90CV trở lên, đánh bắt theo phương thức “tận diệt” nguồn lợi thủy hải sản). 

Chính điều này khiến ngư dân Việt trở thành một cơn ác mộng!

Ngư dân Việt Nam sẵn sàng chống trả bằng vũ khí lạnh khi bị bắt giữ!. Ảnh: kickstarter 
Trên trang gây quỹ Kickstarter, có đề cập đến một dự án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Campuchia của ông Paul Ferber, một nhà hoạt động môi trường. Trong hai năm qua, nhóm của ông đã ghi lại câu chuyện liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp dẫn đến hệ sinh thái biển của Campuchia bị tác động nghiêm trọng. Phương thức đánh bắt chủ yếu là sử dụng lưới vét, là loại lưới có thể kéo dọc theo đấy biễn và lôi bất kỳ sinh vật nào đó lên, bao gồm cả san hô.

Lực lượng bất hợp pháp mà video ghi nhận được (cũng là video gây quỹ) có cả “hạm đội” ngư dân Việt Nam với sự hung hăng đáng sợ, sẵn sàng chống trả khi bị lên tiếng hoặc bị bắt.

Tại nhiều vùng biển thuộc Indonesia, Australia, số lượng ngư dân bị bắt giữ vì đánh cá trái phép trên vùng biển cũng diễn biến phức tạp, thậm chí khi bị người thi hành công vụ nước bạn ngăn cản, ngư dân Việt Nam cũng sử dụng bạo lực để đánh trả.

Vừa qua, Chính phủ Indonesia thông qua Bộ Thủy sản và Hàng hải (KKP) đã hồi hương 695 ngư dân Việt Nam từ Batam vì can tội đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia.

Cũng vào tháng 4/2017, một tàu cá Việt Nam cùng 15 ngư dân đã bị bắt giữ khi bị cho là đang đánh bắt cá bất hợp pháp gần bãi đá ngầm Saumarez trong Khu bảo tồn biển Coral Sea của Australia.

Rừng cạn, biển diệt vong: trách nhiệm nhà nước?

Rõ ràng, nhà nước Việt Nam có một trách nhiệm không nhỏ trong việc để xảy ra thực trạng này. Từ việc thả nổi quản lý cấp phép mới số lượng tàu bè tham gia hoạt động ngư nghiệp nhằm mục đích tạo ra một lực lượng “bám biển, bám chủ quyền”, cho đến lỗ hổng pháp lý nghiêm trọng khiến cho việc đánh bắt cá không phân biệt thời gian (sinh sản hay không sinh sản), loài cá và kích thước cần đánh bắt (cá lớn, nhỏ, và các loài thủy sản đều bị đánh bắt).

Sự bấp bênh trong nghề đánh bắt thủy hải sản cũng khiến cho tâm lý “tận diệt” (bắt được gì thì bắt) phổ biến rộng trong ngư dân. Và nhà nước hiện tại cũng chưa có bất kỳ một chính sách nào thực sự hiệu quả nhằm cải thiện thực trạng này.

Tận diệt nguồn lợi thủy sản nước bạn đêm ngày, khiến những chiếc thuyền màu xanh trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với việc bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản. Ảnh: kickstarter 
Khi nào việc thả nổi quản lý, với lỗ hổng pháp lý và sự bất ổn định về mặt kinh tế trong ngư dân vẫn còn. Thì chừng đó, những “hạm đội” đánh bắt cá hung thù vẫn sẽ tiếp diễn, và ở chừng mực nào đó, khi nguồn hải sản trong nước bị tận diệt (thực tế đang diễn ra) thì sẽ khiến nạn “hải tặc” trở thành một vấn đề nhức nhối, gây nguy hiểm cho bang giao Việt Nam với các nước, gắn với số lượng tàu cá, ngư dân bị bắt giữ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Và phương cách để xử lý vấn đề này, thông qua việc triển khai Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam như cách điều tàu 8001, 8005 và 4039 vừa qua để “đâm” tàu Indonesia hoàn toàn không phải là một cách thức khả thi, mang tính lâu dài.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)