VNTB – Trạng thái “bầy đàn” của xã hội Việt Nam: bạo lực lên ngôi, thể chế bất lực

Kỳ Lâm (VNTB) Ngày 22/07, một vụ đánh đập người trái pháp luật diễn ra tại Sóc Sơn (Hà Nội) liên quan đến vấn đề “bắt cóc trẻ em”. Vấn đề là sau khi bị bao vây bởi nhóm người dân “bầy đàn”, và bị đánh tới mức ngất xỉu thì cơ quan chức năng xác định hai phụ nữ bị đánh oan vì nghi bắt cóc là người của một hợp tác xã tình thương, đang đi bán tăm.

Những ngôn từ bạo lực từ nhóm người dùng mạng xã hội. Ảnh: chụp màn hình FB
Hiện tượng đánh đập người vì nghi ngờ “bắt cóc trẻ em” liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, trước đấy – tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) diễn ra sự việc tương tự, khi dân làng bao vây và đốt xe Fortuner của một nhóm người bị tình nghi là “bắt cóc trẻ em”.

Mức độ vài trăm cho đến vài ngàn người bao vây, đánh đập, thậm chí nhục mạ – xúc phạm người khác vì môt sự nghi ngờ vô cớ đã và đang trở thành hiện tượng lớn tại miền Bắc. Nguy hại hơn, nó kéo theo nhiều hệ lụy với mức độ kích động “rừng rú” theo hướng “treo cổ; giết người” ở những phản hồi trên mạng xã hội gắn với những trang bán hàng online.

“Bắt cóc trẻ em” trở thành nỗi ám ảnh tại các làng quê miền bắc, và trở thành thần chú để đánh, sỉ nhục, miệt thị, hành hung, đánh đạp dã man bởi những đồng loại?

Từ bao giờ xã hội trở nên bất an đến thế? Từ bao giờ mà sự “mọi rợ” lại lên ngôi? Từ bao giờ mà giá trị “nhân văn” trở nên xa xỉ ở các làng quê, nơi mà người với người sẵn sàng ăn thịt nhau! Khi tính người nhường lui cho sự “thú vật” bên trong ngự trị.

Bộ máy chính quyền, bộ máy tuyên truyền tận chân tơ kẻ tóc của nhà nước ở đâu trong việc ngăn chặn nguồn cơn bạo lực này. Hay là chỉ đến khi sự vụ xảy ra, thì mới bắt đầu “vào cuộc xác minh”, như cách mà phía huyện ủy Sóc Sơn đã làm ngày 22/07, khi đưa ra văn bản số 184 để chỉ đạo “đơn vị khối nội chính, công an huyện tăng cường nắm bắt tình hình”; “ban tuyên giáo huyện ủy kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận”?

Chỉ vì câu vu họa “bắt cóc trẻ em”, hai phụ nữ thuộc HTX tình thương đã bị đánh đập dã man
Nhà hoạt động nhân quyền Mahatma Gandhi từng khẳng định: Luật lệ không công bằng tự nó đã là một dạng bạo lực. 

Hiện tượng “bắt cóc trẻ em” gắn với bạo lực bầy đàn càng chứng tỏ tính khả thi của pháp luật và sự tin tưởng vào hệ thống thi hành pháp luật, an ninh trật tự không còn giá trị nhiều đối với người dân. Việc xử theo cảm tính thực tế là một hành vi “thế thiên hành đạo” thời vô pháp, hay nói đúng hơn, trong một xã hội mà tính pháp quyền chỉ thể hiện về mặt văn bản, thì người dân đã tìm đến “luật tự nhiên” theo đúng cách mà họ nghĩ để thực hành. 

Làng xã, từng một thời được cố kết bởi văn hóa pháo đài làm nên chế độ, nay trở thành điểm thử cho sự không dung hòa giữa luật pháp và người dân; nơi chứng kiến pháp luật bị chà đạp và lòng khoan dung bị chối bỏ; nơi mà vô pháp được ca tụng và lan truyền như một xu hướng của thời đại.

Chẳng lẽ, đây là cái thời đỉnh cao mà Việt Nam hay làng xã ở Việt Nam đạt được sao? 

Pháp luật được cho là “ý chí của giai cấp thống trị được nâng lên thành luật” có phải là gốc rễ của mọi vấn đề. Khi giai cấp của xã hội lại là giai cấp của sự bạo lực?

Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy vốn được phát hành lâu, nhưng vì sao nó lại không thể lan rộng và cảm thụ ở đất nước này, chế độ này?
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)