Nam Kinh
(VNTB) – Cần thẳng thắn với nhau rằng “Phong trào đấu tranh nhân quyền” đến nay vẫn dừng ở mảng phong trào.
TIME xếp nhà báo Phạm Đoan Trang trong top 10 nhà báo đang gặp nguy hiểm của liên minh báo chí One Free Press Coalition.
Cô Trang “lánh nạn” ngay trên đất nước mình để có được tự do tối thiểu. Tự do đó là được viết, được đàn.
“Bây giờ khổ nhưng còn được tự do theo nghĩa nào đó, được viết, được đàn, được đến bao giờ hay đến đó” bà Đặng Bích Phương thuật lại trao đổi giữa bà và cô Trang facebook cá nhân.
Cô Trang không phải duy nhất, nhiều người lánh nạn như cô để tránh sách nhiễu từ phía chính quyền, một số người tìm đường sang Thái Lan để tỵ nạn. Số khác bị tước đoạt quyền tự do đi lại khi hộ chiếu bị tịch thu.
“Tự do không miễn phí”, dĩ nhiễn câu nói đó khắc sâu vào tâm khảm của những con người dấn thân trong hành trình dài đằng đẵng để đòi quyền làm người của mình. Dù thế không phải ai cũng đi đến tận cùng với điều đó, rất nhiều người từng nhiệt tình đấu tranh sau một thời gian mệt mỏi đã hoàn toàn buông tay, mong mỏi chính quyền cho họ yên ổn làm ăn. Một số khác trở thành nội tình, người chỉ điểm cho phía chính quyền trong các tổ chức xã hội dân sự. Một số đang ở tù thì cầu vọng được dân biểu bên ngoài bảo trợ để nhanh chóng được đi tỵ nạn.
Đối với người kiên trì đấu tranh như ông Trần Huỳnh Duy Thức, đòi thượng tôn pháp luật vẫn tiếp tục ngồi tù và bị quản chế dài hơi cho đến khi ý chí đấu tranh của ông bị hạ gục hoàn toàn. Không thiếu người đấu tranh kỳ vọng ông Thức sẽ là biểu tượng, lãnh tụ trong tương lai. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu chính quyền sẽ càng kiềm soát ông Thức mạnh hơn đến khi vai trò đó bị cởi bỏ. Những người “cộng sản” kiêng kỵ lực lượng đối lập, và lãnh tụ hay biểu tượng là thứ biểu trưng cho điều đó.
Cần thẳng thắn với nhau rằng “Phong trào đấu tranh nhân quyền” đến nay vẫn dừng ở mảng phong trào. Các hội đoàn dân sự (tổ chức) chỉ hữu danh vô thực, nội bộ bị phân rã hoàn toàn về mặt nhân sự, tổ chức. Do đó tiếng nói và vai trò của họ trong dẫn dắt, tập hợp những người đấu tranh là hoàn toàn không có, nếu không nói thẳng là leo lắt như ngọn đèn trong gió lặng, hụt hơi trong chặng đua ngắn. Tôn chỉ, mục tiêu vượt quá tầm là điều dễ nhìn thấy ở số hội đoàn manh mún còn tồn tại ở Việt Nam.
Chính vì thế, như con cá nằm trên thớt, xã hội dân sự độc lập Việt Nam sẵn sàng bị xoá sổ bất cứ lúc nào nếu chính quyền cảm thấy cần thiết. Tâm lý sẵn sàng vào tù một mặt thể hiện tinh thần đấu tranh, nhưng mặt khác thể hiện bí bách về tổ chức, nhân sự, phương pháp đấu tranh hiện nay.
Thiếu sự đoàn kết, thừa cái tôi cá nhân và tỵ hiềm nhau, thừa nghi ngờ mục đích của nhau, thừa mạnh ngôn nhưng thiếu trách nhiệm. Họ (những nhà hoạt động) không hiểu rõ rằng, nếu cứ tiếp tục duy trì quan điểm “mạnh ai nấy làm” thì xã hội dân sự Việt Nam chỉ là thực thể chỉ tồn tại lay lắt qua ngày. Nguyên tắc của hội kín miền Nam đầu thế kỷ 20, “nửa đêm anh em cùng nhau họp việc hội, nâng ly rượu chia nhau cùng uống, thề hiệp sức làm việc” cực kỳ xa xỉ trong mối tương quan quan hệ của các cá nhân, cá nhân với tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hiện nay.
Các anh chị đấu tranh dèm pha nhau trên cả mặt trận Facebook. Biến mạng xã hội này thành nơi đấu tố nhau, nhục mạ nhau, rẻ rúng nhau. Một số anh chị em đấu tranh có biểu hiện “tâm thần” khi tự huyễn hoặc về vai trò, vị trí bản thân cao quá mức năng lực đấu tranh gắn với phát ngôn cuồng vĩ của mình. Một số khác lại lạm dụng cái mũ đấu tranh để trở thành tín đồ ban phát nhiệt tình tin giả, tin đấu tố, tin giật gân, coi tất cả quan điểm chống hoàn toàn quan điểm nhà nước Việt Nam là đấu tranh chân chính.
Một số nhà hoạt động mệt mỏi đến độ, vịn vào tâm linh, thánh thần để mong nước Việt ngày mai tươi sáng hơn. Nhìn chung, nếu bỏ đi tính tổ chức, thì cầu vọng tâm linh ngày nay của giới hoạt động, người dân Việt không khác gì Thiên địa hội (sociétés secrètes) của người Việt thời kỳ đầu chống Pháp. Thế nên phong trào đấu tranh đòi quyền làm người ở Việt Nam nay lại rắc thêm màu sắc mê tín, huyền bí. Dù sao điều này cũng là cần thiết để trợ giúp giới hoạt động có thêm niềm tin, để tránh sụp đổ hoàn toàn và rời bỏ phong trào.
Thế nên quan điểm của người viết nội dung này là:
Các cá nhân nếu thấy không thể kiểm soát cái tôi cá nhân, thừa nghi ngờ, thiếu tinh thần hợp tác thì nên trở lại cuộc sống đời thường.
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập nếu cảm thấy nhân sự không còn, cơ cấu tổ chức chỉ nằm trên giấy thì nên dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và nên tự chủ động giải tán tổ chức. Cho đến khi một tổ chức người thật, việc thật ra đời.
Đó là nhìn thẳng vào sự thật, và hành động dựa trên sự thật.
“Tự do không miễn phí” cũng cần phải lột xác dù đau đớn.