Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tản mạn về Truyện Kiều: đệ nhất văn chương Việt Nam

Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Năm 2015 văn nhân nghệ sĩ báo chí trong nước lác đác kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của thi hào Nguyễn Du (1766-2015). Trộm nghĩ rằng, người làm văn làm báo không thể thiếu một hoạt động có ý nghĩa về chủ đề đặc sắc kể trên.


Truyện Kiều là một câu chuyện kể dưới hình thức lục bát trường thiên viết bằng chữ Nôm ghi âm tiếng Việt do thi hào Nguyễn Du (1766–1820) sáng tác được đánh giá là tác phẩm quan trọng nhất trong nền văn chương Việt Nam. Nguyên tác trong tiếng Việt chữ Nôm là “Đoạn trường tân thanh” 斷腸新聲 (Tiếng kêu đứt ruột mới) thường được gọi là Truyện Kiều.
Tranh miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều gặp Kim Trọng trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, treo trong dinh Độc Lập. Ảnh: wikipedia
Với 3254 câu lục bát, truyện thơ Kiều kể lại cuộc đời nàng Kiều một thiếu nữ xinh đẹp tài năng trải qua bao gian nan và khổ tâm, người phụ nữ hi sinh tất cả để cứu gia đình. Để cứu cha và em trai khỏi tù tội, nàng đã bán mình vào hôn nhân với một gã trung niên mà không biết rằng gã chỉ là kẻ dắt mối mua gái về đẩy vào nhà chứa. Giải thích theo một cách “chính thống Mác Lê”, nhiều nhà nghiên cứu sau cuộc chính biến tháng Tám 1945 cho rằng tác phẩm là sự phản ánh tinh thần phê phán châm biếm sự vận động của nhà Nguyễn và chế độ phong kiến nói chung (!) E rằng Truyện Kiều không chỉ có thế. Nếu chỉ vậy thì Truyện Kiều không thể trường cửu tồn tại trên đất nước Việt Nam.
Đây là 6 câu mở đầu nguyên tác Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm *
Phiên ra quốc ngữ:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Hai câu kết Truyện Kiều:
“Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh” (câu 3254).

“Lẩy Kiều” là gì?

Có nhiều cách thưởng thức và khai thác tài nguyên Truyện Kiều. Như vịnh Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, vẽ Kiều, ngâm Kiều, bình Kiều.
Lẩy Kiều là lối chơi văn tao nhã, thú vị, tạo điều kiện giao tiếp với bạn hữu, ai cũng tham gia chơi được tùy khả năng và nhã hứng. 
Cuộc đời thường có nhiều cảnh ngộ, tình huống chứa cảm xúc nên thơ, bất ngờ nhớ ra một câu Kiều thì có thể mượn, đặng “nói thay” ta. Thử dẫn ra vài trường hợp:
Một chàng trai tìm đường làm quen tiếp cận cô gái, có thể thả ra câu Kiều này để dọ dẫm, thử phản ứng của đối phương:

Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không ?
(Dù chưa biết cô có ưng bụng không, nhưng chắc chắn anh cũng nhận được một cái mỉm cười)
Lần đầu gặp được một người mà ta mong đợi/ ước muốn từ lâu:

Những là rày ước mai ao

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
(có thể thay một chữ số cho khớp thực tế, như số 15 năm có thể sửa là 5, 7, 10 chi đó)
Bất ngờ gặp lại cố nhân, thân thích hoặc đón nhận một việc lớn hạnh phúc choáng ngợp thì đọc:

Tưởng bây giờ là bao giờ

Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Lựa chọn Tình và Hiếu, việc khó khăn bậc nhất trong đời người, đọc lên mà trăn trở:
Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Kẻ nghỉ hưu hay phẫn chí tìm nơi ở ẩn, có thể khoái chá đọc câu này:
Khi chén rượu khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Buổi hội ngộ, đoàn tụ gia đình:

Này chồng*, này mẹ, này cha

Này là em ruột, này là em dâu (câu 2981- 2982)


Bày tỏ khiêm tốn nhún nhường:


Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng.

Khi sắp làm một việc phiêu lưu mạo hiểm chứa đựng rủi ro:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.
Quyết dứt bỏ một cái gì đó:

Thôi thì thôi có tiếc gì
Một thiếu nữ nên đọc câu này để can ngăn tình nhân sốt ruột “làm tới”:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

Thưa rằng: Đừng lấy làm chơi,

Để cho thưa hết một lời đã nao!
và kèm lời hứa hẹn:

Vội chi liễu ép hoa nài

Còn thân còn một đền bồi có khi.
Đưa tiễn bạn thân hay người yêu ở sân bay hiện đại, có thể đọc tặng người đi: 
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
Khuyên một phụ nữ lớn tuổi nên lập gia đình, nói rằng:

Chừng xuân tơ liễu còn xanh

Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân
Khuyên một người thôi lập gia đình thì tốt hơn:
Từ rày khép cửa phòng thu

Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
Khuyên nhủ bạn hữu khi khó xử một việc gì, cần năng động, dám thay đổi:
Có khi biến, có khi thường

Có quyền, nào phải một đường chấp kinh
(biến, thường: triết lý về sự kiên định hay uyển chuyển trong tư duy, hành động).
Trong bữa tiệc sinh nhật một vị tổng giám đốc cty thành đạt từng bôn ba trên đường kinh doanh, một người bạn lẩy câu Kiều đọc tặng chủ nhân:
“Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành”. 
Người Việt biết lẩy Kiều đúng cảnh hợp tình cũng là một sự giao tiếp thú vị, làm vui cho cuộc sống.
Được biết ngày xưa có những bà cụ già ở làng quê Bắc bộ mù chữ mà thuộc lòng cả Truyện Kiều hơn ba ngàn câu. Bây giờ thì chúng ta khó tưởng tượng nổi có ai đó học thuộc lòng văn bản nào như thế! Có lẽ chính vì mù chữ mà bà cụ phải học thuộc lòng, ông Trời bù đắp cho bà khả năng nhớ thuộc lòng. Bà cụ phải nhờ người biết chữ đọc cho nghe nhiều lần, dần dà qua tháng ngày bà học thuộc, công phu và kiên trì lắm đây. Có lẽ bà bắt đầu học Kiều từ khi còn trẻ… Khi thuộc lòng rồi bà lại đi ngâm, đọc cho người khác nghe, và bà trở thành chuyên gia lẩy Kiều vô địch, thậm chí có thể làm cố vấn cho mọi người cần lẩy.
Câu chuyện về hai chính khách Mỹ lẩy Kiều thích hợp “đắt giá”, người Việt chúng ta ai nghe cũng khoái và khen ngợi hết lời.
Cựu tổng thống Bill Clinton lẩy Kiều ở Hà Nội
Năm 2000, ông Bill Clinton được mời đến Hà Nội làm thượng khách đã mượn hai câu Truyện Kiều để nói về quan hệ Việt-Mỹ tại bữa tiệc chiêu đãi:

“Sen tàn cúc lại nở hoa;

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Chúng tôi đoán, khi sửa soạn bay qua Việt Nam, ông Bill Clinton được cố vấn ngoại giao người Việt dịch qua tiếng Anh và dịch nghĩa cho ông hiểu, để ông có cảm xúc khi đọc câu thơ tiếng Việt, tránh khỏi cảm giác bị “nhét chữ vào miệng”:
Just as the lotus wilts, the mums bloom forth

Time softens grief, and the winter turns to spring
Ông Bill mượn hình ảnh “sen tàn” (hạ qua đi) và “cúc nở hoa” (thu tới), “nỗi buồn vơi cạn dần theo thời gian” (sầu dài: mùa thu dài)… để nói về sự vận hành của đất trời mà con người không thể cưỡng được và những cơ hội trong tương lai quan hệ Việt-Mỹ nhất định phải tới, như mùa xuân đất nước. Câu thơ Kiều diễn tả sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa, từ đó liên hệ sang các vấn đề thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước. Những ngày buồn rồi sẽ trôi qua. Ông Bill khẳng định như thế và mượn thi hào Nguyễn Du bảo đảm. Thực là thú vị!
Phó tổng thống Joe Bidden lẩy Kiều ở Mỹ trong tiệc chiêu đãi đoàn khách TBT Nguyễn Phú Trọng năm 2015.
“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”
Cố vấn người Việt ắt phải dịch ngược qua tiếng Anh và giải nghĩa để tạo cảm hứng thực sự cho ông Joe Bidden :
Thank Heaven we are here today,

To see the sun through parting fog and clouds
Là người nước ngoài mà biết lẩy Kiều như tổng thống và phó tổng thống Mỹ thì đó là một sự kinh ngạc lớn đối với người Việt. Vẫn biết rằng, hai chính khách Mỹ được chuẩn bị trước với cố vấn người Việt, chúng ta cũng vẫn cảm phục họ, cả người Mỹ và những người cố vấn gốc Việt ẩn danh.
Truyện Kiều chuyển thể
Có nhiều tác phẩm diễn xướng trên sân khấu Chèo, Cải lương, Opera pha hợp xướng (bởi nhiều soạn giả) kể từ sau năm 1954 tới nay.
Đặc biệt cuốn sách “Truyện Kiều diễn văn xuôi” do thiền sư Thích Nhất Hạnh viết dưới góc độ cảm hứng nhà Phật, giúp bạn đọc dễ thâm nhập Truyện Kiều.
Giá trị truyện Kiều
Về mặt nghệ thuật và tư tưởng thi ca, Truyện Kiều xứng đáng là đệ nhất văn chương tiếng Việt. Đó là một chủ nghĩa nhân đạo mênh mông và sâu sắc nhưng mang đậm tính cách người Việt.
Về tiếng Việt, Truyện Kiều là một cuốn “từ điển tiếng Việt” thế kỷ 18- một giai đoạn đau thương u uất, nơi đây lưu giữ lời ăn tiếng nói của dân tộc thời mạt kỳ phong kiến.
Về tình tự dân tộc, Truyện Kiều là bản phác thảo tâm hồn người Việt nghìn năm ổn định thành bản sắc truyền thống.
Truyện Kiều là một tập hợp tinh lọc tục ngữ, thành ngữ, ca dao dân tộc Việt và Hán. Và là một tiểu thuyết kể chuyện bằng thơ với thi pháp vừa cổ vừa kim, có nhiều khúc thơ có thể tách ra độc lập.
Truyện Kiều là một chuỗi liên hoàn các vở kịch ngắn đầy kịch tính.
Tạm kết
Truyện Kiều giữ hai kỷ lục 1.Truyện Kiều là cuốn sách Việt Nam được dịch ra nhiều ngoại ngữ nhất (ước 20 ngoại ngữ). 2.Truyện Kiều xuất bản, tái bản tiếng Việt với số bản in nhiều nhất. Chưa kể hai tập thơ chữ Hán, một tập chữ Nôm của Nguyễn Du có nhiều bài đặc sắc. 
Một bài thơ chữ Nôm như Văn chiêu hồn ngày nay trở thành bài văn cúng của các thầy chuà miền Bắc tụng niệm khi cùng tang chủ đưa linh người thân vào chùa, ngoài ra vào dịp cúng Rằm tháng Bảy.
“Từ điển Truyện Kiều” của soạn giả Đào Duy Anh giải thích toàn bộ từ ngữ trong Truyện Kiều. Là công trình từ điển chuyên dụng duy nhất ở Việt Nam dùng để đọc hiểu một tác phẩm.
Ở Việt Nam giới văn học đã thành lập Hội Kiều học thu hút những người yêu Kiều, mở các sinh hoạt về Kiều, nghiên cứu Kiều.
Như nước Anh có Khoa Shakespeare học, Trung Quốc có Tạp chí Hồng Lâu mộng học, gọi tắt Hồng học tạp chí. Nhiều người cho rằng Truyện Kiều có thể sánh ngang với các tác phẩm cổ điển đỉnh cao của nhân loại. Đã có ý kiến đề xuất Viện văn học cần thành lập một Tạp chí Kiều học ra hàng tháng (chỉ đăng bài nghiên cứu, trao đổi, bình luận Truyện Kiều và Nguyễn Du).
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng phát biểu cách đây 100 năm: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Người Trung Quốc có cách nói ngược về tiểu thuyết Hồng lâu mộng niềm tự hào của họ: “Nếu một cuốn tiểu thuyết có thể hủy diệt cả một dân tộc thì đó là Hồng lâu mộng”. Hai cách nói đều thú vị, một đằng nói CÒN, một đằng nói MẤT. Cả hai đều nói về sự vĩ đại của 2 tác phẩm đầy lòng tự hào dân tộc.
Ngày nay nhân dân ta không còn sợ hãi Truyện Kiều như ngày xưa phụ huynh thường căn dặn con cháu:
“Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”.
Nhà nho và phụ huynh xưa e sợ tấm gương chàng Phan tự do phóng khoáng yêu đương, và họ nghĩ lầm nàng Kiều cũng vậy. Nhưng Kiều không phải vậy, vấn đề Kiều phức tạp và sâu sắc hơn nhiều. Đêm trước Kiều mộng thấy Đạm Tiên, hồn kỹ nữ báo rằng Kiều cũng sẽ là kỹ nữ như nàng. Ngày hôm sau, Kiều quyết tâm tìm cơ hội chống lại định mệnh, hóa giải số mệnh, và nàng gặp chàng Kim như gặp một con đường thoát, nàng hối hả chủ động tỏ tình… Thương lắm, người phụ nữ Việt tài tình ngày xưa!
Tuy nhiên cần cảnh giác với những “học giả” như anh kỹ sư Đỗ Minh Xuân ngông cuồng sửa chữa Truyện Kiều (dự định xuất bản tại NXB Văn hóa Thông tin) và sự cổ vũ mù quáng ăn theo của GS.Vũ Khiêu hai lần “anh hùng lao động thời đổi mới” (nhờ hai thành tích bất hảo: 1.Vun bồi săn sóc lý thuyết Mác Lê trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. 2. Viết văn bia Hán Việt nhố nhăng nhăng nhít khắp nơi danh lam thắng tích). 
Phụ lục & chú thích

1. Chữ Nôm (nam) nhìn bề ngoài cũng như chữ Hán. Thực ra nó là một hỗn hợp Hán và Nôm với nhiều công thức biến đổi, vay mượn phức tạp. Một số chữ Hán được dùng nguyên xi trong Kiều nhưng nghĩa bị đổi khác hoặc không mượn nghĩa, chỉ mượn âm đọc. Câu 1 có một chữ Hán 些. Câu 2 có bốn 才命窖羅. Câu 3 có ba chữ Hán: 戈沒局. Câu 4 có ba chữ Hán: 仍調疸. Câu 5 có năm chữ Hán: 之彼嗇斯豐, câu 6 có sáu chữ Hán:撑悁貝紅打慳. Ngoài ra là chữ Nôm hết.
2. Hồi đoàn tụ: Theo câu chuyện, sư vãi Giác Duyên dẫn cả gia đình Vương ôn, Vương bà, Kim Trọng và Thúy Vân, hai vợ chồng Vương Quan (3 cặp) về căn lều tu gặp Thúy Kiều. Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu . Nàng lỡ miệng gọi ai là “chồng” ngoài Kim Trọng ở đây ? Rõ ràng nàng đã quì gối trao duyên cho Thúy Vân em gái trước khi ra đi, từ 15 năm trước, nàng dư biết chàng Kim là em rể rồi, sao nàng vẫn nhìn chàng Kim là “chồng”? Thi hào Nguyễn Du tài tình không hề nhầm lẫn, ông vẫn biết trong thâm tâm nàng, chàng Kim vẫn là “chồng”.
3. Báo Một Thế Giới – ngày 25-04-2014: “Sửa hơn 1.000 đơn vị từ của Truyện Kiều: Một hành động vô đạo!”
Đỗ Minh Xuân tự cho chữ của mình “hay hơn Nguyễn Du” để lấy lý do “sửa” hàng ngàn từ Truyện Kiều là xúc phạm tiền nhân.
Cuốn sách này có lời đề tựa “rất trang trọng” của GS. Vũ Khiêu: “Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Hiến kế chống tham nhũng 1000 và lập ‘vệ binh đỏ’

Phan Thanh Hung

VNTB – Giải huyền thoại về cội nguồn người Việt

Phan Thanh Hung

VNTB – VTV1 đấu tố MC Phan Anh theo kiểu Cải Cách Ruộng Đất và cái kết bất ngờ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo