Quang Nhựt
(VNTB) – Năm người, mười ý, nhưng ý nào thì cũng là quá ngán ngẩm con vi-rút đến từ đất nước của đế chế bá quyền – bành trướng Tập Cận Bình.
Dựa theo số liệu thống kê được cập nhất cuối năm 2019 – đầu năm 2020,mật độ dân số ở thành phố Hồ Chí Minh là 4.292 người/km².
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển không chỉ khoa học – kỹ thuật mà còn văn hóa – xã hội, TP.HCM đã thu hút nhiều người đến sinh sống (bên cạnh gia tăng dân số tự nhiên) và trở thành một trong những thành phố có mật độ dân số đông nhất nhì cả nước.
Cũng chính vì lẽ ấy, để có thể nhanh chóng khoanh vùng các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là một điều hoàn toàn không dễ dàng gì.
Theo một bài viết đăng trên báo điện tử, nói về tình hình dịch bệnh và số dân ở TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định thành phố có mật độ dân cư đông, mức độ giao lưu cao, chỉ cần một ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chỉ cần lơi lỏng, thành phố sẽ phải trả giá đắt.
Nhiều ngày có những ca nhiễm trong cộng đồng, mặc dù cũng còn đó những khu phong tỏa để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, song với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở Hải Dương; dù tin tưởng các biện pháp chống dịch cũng như kinh nghiệm chống dịch khá tốt của chính quyền TP.HCM, song người dân cũng có chút e dè…
“Mình đâu có biết ai bệnh hay ai không bệnh. Đồng ý là chính quyền cũng kiểm tra gắt gao nhưng ai dám chắc là an toàn 100%? Có ai muốn đang yên đang lành tự dưng bị cách ly hay không? Dù tại nhà hay cách ly tập trung, mình thấy nó cũng oải như nhau. Nói chung bên cạnh ý thức của từng cá nhân, mình tự đề phòng vẫn hơn, tuân thủ theo quy tắc 5K.
Nói nào ngay thấy nhiều ca trong cộng đồng quá, cũng ngại ngại, mình đâu có phân biệt được giọng đâu nên phải cẩn trọng trong tiếp xúc thôi. Mình tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ gia đình, góp một phần nhỏ vào bảo vệ cộng đồng rồi”, bà Út, một cư dân sống ở khu Lăng Ông – Bà Chiểu của đất Gia Định xưa, chia sẻ suy nghĩ.
“Trước mắt là mình phải lo sợ rồi. Nhưng mà mình nói thực tế ra, là người Bắc đó là mình phải kỹ lưỡng hơn nhiều. Đó, tại vì là không phải Hải Dương không, nó tùm lum hết, người này một chút, người kia một chút mà, đâu có biết ai được”, ông Sáu – một ‘bác tài xe ôm truyền thống’ mưu sinh ở khu ngã tư Xóm Gà, kể.
“Thành phố nên kiểm soát cho chặt chẽ hơn, vì nó, dân tứ xứ họ tập trung về thành phố cho nên làm chặt chẽ hơn một chút. Phải vận động mọi người đến thì phải khai báo ở các phường, các xã của quận, huyện ấy. Khai báo y tế, rồi phải có người giám sát theo dõi. Ví dụ từ Hải Dương đến là phải giám sát theo dõi chặt chẽ, để đảm bảo dịch bệnh đỡ bùng phát”, ông Nguyễn Văn Hồng, một người từ Bắc vào Sài Gòn mưu sinh, góp ý kiến.
“Mặc dù biết quá gắt gao sẽ có thể gây ra nhiều bất tiện cho người dân, điển hình như ai muốn vào thăm bệnh cũng không được, có nơi người nuôi bệnh ra mua đồ cũng có lúc không được. Tuy nhiên, cái nào nên giảm thì giảm; cái nào cần vẫn cứ nên giữ, ví dụ như kiểm tra người vào thành phố ở sân bay, bến xe, nhà ga chẳng hạn. Việc kiểm soát đó, nếu kỹ càng, cũng giúp cho người dân an tâm thêm phần nào”, bà Út chia sẻ tiếp.
Có thể nói, là một trong những thành phố đông dân ở Việt Nam, cần thận trọng trong mọi công việc, mỗi quyết định của chính quyền TP.HCM sẽ ảnh hưởng trực tiếp ít nhiều đến đời sống của người dân. Nhất là trong thời điểm đang có những ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, càng nên phải cẩn trọng hơn nữa…