Anh Khoa dịch
(VNTB) – Đô đốc Lee Hsi-min và Eric Lee tin rằng việc thay đổi mô hình trong chiến lược quân sự của Đài Loan là rất quan trọng
Ngày 3 tháng 8 năm 2022
Việc Nga xâm lược Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Đài Loan. Hình ảnh tàn phá mỗi ngày đều hiện lên trên màn ảnh truyền hình Đài Loan. Chúng gợi đến tương lai có thể xảy ra của chính Đài Loan. Những người tổ chức chương trình trò chuyện vào đêm khuya ở thủ đô Đài Bắc, đã chuyển từ thảo luận về những câu chuyện phiếm chính trị sang phân tích các chiến thuật quân sự và suy ngẫm về cuộc chiến ở Ukraine sẽ diễn ra như thế nào và ý nghĩa của cuộc chiến này. Cuộc xung đột xa xôi đó đã thu hút sự chú ý đến mối đe dọa hiện hữu mà Đài Loan phải đối mặt.
Dưới sự chỉ huy của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã củng cố một cách có hệ thống các lực lượng vũ trang và chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Đài Loan. Chính phủ, lực lượng vũ trang và công dân của hòn đảo này cũng phải chuẩn bị. Sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ năm nay tại Bắc Kinh, dự kiến được tổ chức vào tháng 11, rất có thể xảy ra một hành động gây hấn mạnh mẽ đối với Đài Loan.
Di sản của ông Tập là một lý do. Tập Cận Bình đã đưa ra những mục tiêu lớn lao cho ĐCSTQ và đã thay đổi cơ bản cách thức Trung Quốc tương tác với thế giới. Nhưng Tập Cận Bình vẫn chưa đạt được một thành tựu nào ở quy mô giúp ông ta đứng ngang hàng với những nhà lãnh đạo tối cao như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình có thể thực hiện một kỳ tích mà chưa có nhà lãnh đạo đảng nào khác từng làm được: chinh phục Đài Loan.
Bắc Kinh ngày càng hùng mạnh, hung hăng và thù địch về mặt tư tưởng, và không có gì bí mật khi Tập Cận Bình và giới tinh hoa ĐCSTQ tìm cách thôn tính Đài Loan. Các câu hỏi là khi nào và như thế nào. Lựa chọn vẫn là giải pháp quân sự. Tập Cận Bình đã khởi xướng những cải cách lớn trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), nhằm cho phép binh lính Trung Quốc thực hiện tốt hơn các hoạt động chung của lục quân, không quân và hải quân cùng hành động để chống lại Đài Loan.
Tập Cận Bình đã chỉ đạo ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sản xuất các loại vũ khí đặc biệt để ngăn chặn Mỹ can thiệp giúp đỡ Đài Loan hoặc các đồng minh khác trong khu vực. Các vũ khí này bao gồm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ngày càng chính xác và có khả năng sát thương lớn, hệ thống phòng không tích hợp và vũ khí chống vệ tinh — tất cả đều được hỗ trợ bởi một kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng nhanh. Khi PLA phát triển, ý định của ĐCSTQ ngày càng rõ ràng. Cho dù hiện nay Tập Cận Bình đang ưu tiên cho các lựa chọn khác, chẳng hạn như đe dọa và cô lập Đài Loan, một khi PLA đã sẵn sàng cho một cuộc xâm lược, quyết định phát động của ông Tập có thể không được cảnh báo trước.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang của Trung Quốc không phải là vấn đề duy nhất mà Đài Loan phải đối mặt. Đài Loan đã phải cố phát triển các mục tiêu an ninh quốc gia vì nhiều lý do trong nước. Trong đó có chiến lược quân sự và hướng dẫn quốc phòng, nhận thức về mối đe dọa, đào tạo và tuyển dụng binh lính, và các mối quan hệ dân sự-quân sự.
Bây giờ là lúc cần xem xét lại toàn bộ nền quốc phòng của Đài Loan. Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm thay đổi suy nghĩ truyền thống về tính hiệu quả của các chiến lược quân sự thông thường. Nhược điểm của các loại vũ khí lớn đã được bộc lỗ rõ cũng như những lợi thế của vũ khí cơ động, chính xác trên chiến trường. Các sự kiện đã chứng minh rằng trong một cuộc chiến không cân sức với một bên cố gắng ngăn cản đối thủ mạnh hơn thì vẫn có thể chống lại cuộc xâm lược. Đài Loan nên thực hiện triệt để một chiến lược phòng thủ phi đối xứng thực sự.
Thay vào đó, có những người nói rằng Đài Loan nên có nhiều vũ khí thông thường hơn, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, để ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát không phận. Nhưng với sự chênh lệch lớn về chất và lượng về sức mạnh tác chiến trên toàn eo biển, Đài Loan sẽ thất bại nếu tiếp tục chỉ tập trung vào việc mua vũ khí không phù hợp để chống lại một cuộc xâm lược. Tuy nhiên, những điều chỉnh nhỏ đối với việc mua sắm vũ khí sẽ không tạo được khác biệt trừ khi đi kèm với những thay đổi cơ bản trong chiến lược. Đó là bởi vì một chiến lược bất đối xứng sẽ quyết định cách vũ khí thực sự được sử dụng. Đài Loan phải đổi mới nguồn lực tương đối hạn chế của mình. Quốc gia này nên ưu tiên ngăn chặn và, nếu cần thì xem việc đánh bại một cuộc xâm lược là mục tiêu tối thượng.
Đài Loan lập kế hoạch dựa trên giả định rằng Trung Quốc có thể sẽ đe doạ theo hai cách: cưỡng bức và / hoặc xâm lược. Việc cưỡng bức như xâm lược thông thường và không theo quy ước do nhà nước bảo trợ dưới ngưỡng của một cuộc chiến tranh tổng lực. Chẳng hạn như leo thang đe dọa quân sự trên bầu trời và vùng biển của Đài Loan thông qua việc xâm nhập và các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh lãnh hải và không phận của nước này. Những kiểu đe dọa như vậy đang diễn ra hàng ngày. Trong một cuộc xâm lược, PLA sẽ tìm cách tiêu diệt chính phủ và chiếm toàn bộ lãnh thổ của Đài Loan. Điều quan trọng là Đài Loan nhận biết được sự tồn tại của cả hai mối đe dọa và phát triển các biện pháp đối phó tương xứng. Nhưng người ta cho rằng Đài Loan chưa sẵn sàng cho cuộc xâm lược hơn là các biện pháp cưỡng bức.
Khi bắt đầu một cuộc chiến toàn diện trên eo biển Đài Loan, PLA sẽ phát động các đợt tấn công tàn khốc bằng tên lửa. Mục đích là tiêu diệt các mục tiêu chính trị và quân sự quan trọng để làm suy yếu ý chí của quần chúng và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Theo sau sẽ là một cuộc đổ bộ. Đài Loan nên nhắm tới mục tiêu ngăn chặn cuộc đổ bộ như vậy, thay vì theo đuổi các mục tiêu tham vọng hơn như kiểm soát trên biển và ưu thế trên không. Quân sự không tương xứng giữa hai bên có nghĩa là quân Trung Quốc sẽ áp đảo Đài Loan với quân số tuyệt đối, đồng thời cũng sẽ tàn phá các cảng biển và căn cứ không quân, làm tê liệt hải quân và không quân của Đài Loan.
Trên hết, quân đội và vũ khí của Đài Loan cần phải chống lại được cuộc xâm lược. Điều đó có nghĩa là các lực lượng vũ trang phải cơ động, kiên cường, có khả năng sát thương cao và phân tán. Họ phải tập trung vào các lỗ hổng của PLA. Về cơ bản, điều này sẽ dẫn đến việc tấn công các nút quân sự quan trọng cũng như các đơn vị không được che chắn trên eo biển. Đài Loan sẽ có lợi thế phòng thủ lớn nhất khi đối phương ở vùng biển gần Đài Loan. Khi vượt biển, PLA sẽ dễ bị tổn thương và bị hạn chế về khả năng chiến đấu. Nhưng Đài Loan sẽ có thể tập trung hỏa lực từ các khí tài trên không, trên biển và trên bộ trong khi nhận được sự yểm trợ từ hệ thống phòng không trên đất liền và sự bảo vệ khỏi mìn trên biển.
Việc huấn luyện quân sự nên được thay đổi triệt để và các lực lượng vũ trang được tổ chức để hoạt động dưới sự chỉ huy phi tập trung, vì liên lạc có thể bị cắt đứt. Chính phủ nên đào tạo dân thường và thành lập lực lượng bảo vệ lãnh thổ tự nguyện (TDF) vì không ai có thể thoát được bất kỳ cuộc phong tỏa nào của Trung Quốc. TDF sẽ giáo dục công chúng và củng cố ý chí chiến đấu. Sáng kiến này sẽ không phải là một bản án tử hình đối với người dân Đài Loan, đưa họ đi chiến đấu hết. Thay vào đó, bằng cách phát tín hiệu rằng Đài Loan sẽ không giương cờ trắng ngay cả khi đối phương đổ bộ lên lãnh thổ Đài Loan, lực lượng nhân dân này sẽ là lực lượng ngăn chặn. PLA sẽ biết rằng họ có thể làm phức tạp thêm các kế hoạch chiến tranh.
Người ta tập trung nhiều vào các loại vũ khí cụ thể mà Đài Loan cần để tự vệ. Nhưng Đài Loan sẽ không có cơ hội nếu không có một chiến lược hiệu quả, sự rèn luyện gian khổ và ý chí chiến đấu. Để tiếp tục tự do và thịnh vượng mà họ được hưởng, Đài Loan cần thay đổi triệt để chiến lược quốc phòng. ■
Đô đốc Lee Hsi-min đã phục vụ trong hải quân Đài Loan hơn 40 năm và là tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của nước này từ năm 2017 đến năm 2019. Ông hiện là thành viên cấp cao tại Viện Dự án 2049, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC., nơi ông ấy làm việc với Eric Lee. Ông Lee là phó giám đốc chương trình của viện này.
Nguồn: The Economist