Lâm Viên
(VNTB) – Gần 5 năm về trước, sáng 6-11-2015, Tổng bí thư, chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn ngạn ngữ “mất hàng ngàn vàng mua láng giềng gần” khi phát biểu hơn 20 phút trước Quốc hội Việt Nam.
Trong con mắt của giới tài phiệt Hoa kiều Chợ Lớn, thì chuyện ông Tập Cận Bình xuất hiện ở hội trường Diên Hồng tại thủ đô Hà Nội, là một cú áp phe làm ăn chính trị. Điều này không gì bất ngờ vì trước đó gần 5 năm, vào năm 2011 ở Đà Lạt, một doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch với việc xây dựng thu nhỏ vạn lý trường thành thời Tần Thủy Hoàng bên Tàu.
Trong các giáo trình thuyết minh mà hướng dẫn viên phụ trách tour ở Đà Lạt thuộc làu làu để giới thiệu, tóm tắt như sau (lược trích, bỏ qua những mẫu câu thưa gửi về quý khách):
“Nếu đã chán những ‘Nấc thang lên thiên đường’, những quán cà phê tình thời quá vãng, bức tường vàng ‘Tiệm bánh Cối Xay Gió’,… thì hãy thử ‘đổi gió’ ở Đồi Mộng Mơ – nơi được mệnh danh là “Vạn Lý Trường Thành” phiên bản Đà Lạt coi sao nhé!
Khu du lịch Đồi Mộng Mơ nằm bên cạnh Thung lũng Tình Yêu – địa điểm du lịch nổi tiếng Đà Lạt và cách trung tâm thành phố chỉ 4 cây số. “Vạn Lý Trường Thành” ở đây là mô hình được dựng nên bởi các tảng đá nguyên khối giống với Vạn Lý Trường Thành của người Trung Quốc.
Men theo triền đồi, du khách có thể bắt gặp hàng ngàn tấn đá được bày biện, xếp đặt một cách hài hòa, nghệ thuật theo Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Quốc, với tổng chiều dài khoảng 2 cây số uốn khúc qua những sườn đồi thoai thoải. Trên từng phiến đá còn khắc dòng chữ “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn Lý Trường Thành chưa phải là hảo hán) như muốn tái hiện lại một kỳ quan của nhân loại.
Trên đoạn phiên bản trường thành, cũng có các ải tức tháp canh được xây nghiêm túc, bài bản, tỉ mỉ, với kiến trúc y chang mẫu thành bên Trung Hoa. Trên các tháp canh là hình ảnh quân binh nhà Tần, một triều đại góp phần quan trọng hoàn thiện Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa oai vệ cầm đao kiếm đứng canh cẩn mật. Nơi bãi cỏ ở sườn đồi bên dưới còn bày một thế trận chiến binh, với vô số tượng quân binh, dũng tướng nhà Tần đang luyện tập, cầm quân, với hừng hừng gươm giáo, nón sắt, áo da, ngựa… trên mình được đúc bằng bê tông.
Để phụ hoạ cho bản sắc văn hoá thời phong kiến xa lắc của Trung Hoa, bên trên cổng vào Vạn Lý Trường Thành còn có khu cho du khách thuê trang phục chốn hoàng cung nhà Tần, nhà Minh, nhà Thanh để du khách mặc vào chụp hình lưu niệm…”.
Theo chia sẻ của các công ty tổ chức tour du lịch, thì điểm Đồi Mộng Mơ này, những hướng dẫn viên luôn ngại nhất mấy lúc nhận thắc mắc cắc cớ sau đây: Vì sao ở Đồi Mộng Mơ không có thành nhà Hồ, thành cổ Loa, thành Thăng Long, kinh thành Huế, thành Sơn Tây, thành Gia Định; và lực lượng quân binh hiện diện ở Đồi Mộng Mơ không là danh tướng, chiến binh mang hồn nước Nam, của dân tộc Việt, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, hay Quân đội Nhân dân Việt Nam?
Dĩ nhiên là cũng có ý kiến ủng hộ phiên bản Vạn Lý Trường Thành ở Đồi Mộng Mơ, Đà Lạt.
Một người có tên Thanh Hòa, nói rằng Vạn Lý Trường Thành ở Đà Lạt là công trình không ảnh hưởng đến ai: “Tôi cũng là người Việt Nam, cũng sinh sống tại Đà Lạt, tôi cũng có tự tôn dân tộc, nhưng không phải vì thế mà tôi thấy mọi thứ của nước bạn đều là xấu. Cũng giống như gần đây một cô ca sỹ mặc sườn xám của Trung Quốc cũng bị cho là không yêu nước. Vậy chúng ta mặc quần áo đi làm hàng ngày có phải là đồ truyền thống dân tộc Việt Nam không? Nên mặc áo nâu quần vải để thể hiện lòng yêu nước chăng?
Đồ tiêu dùng của Trung Quốc trên nước ta còn nhiều lắm, sao các bạn không tẩy chay nó và dùng hàng Việt Nam để bảo vệ nền kinh tế trong nước mà vẫn dùng hàng Trung Quốc, phải chăng vì “ham rẻ”. Vấn đề này tôi thấy còn quan trọng hơn nhiều việc phê phán một công trình mà không ảnh hưởng đến ai. Các bạn hãy khách quan…”.
“Đừng quá khắt khe với công trình này nữa. Đừng đưa chính trị và văn hóa xen lẫn. Ở đây cũng tuyệt đấy chứ, hãy đến xem đi” – ý kiến của người có tên Phương Thảo.
Với hai ý kiến trên, một người có tên Nguyễn Phước, tranh luận: “Gửi hai bạn Thanh Hòa, Phương Thảo. Không hiểu sao các bạn hăng hái bảo vệ cái công trình quái thai đến thế. Nó là của Tàu, không phải của ta, du lịch trên đất nước ta thì có chút đầu óc, người ta cũng hiểu là xem cái hay cái đẹp của Việt Nam.
Lù lù nhét giữa thành phố du lịch hạng nhất đất nước một bản sao chép vụng về của nước ngoài thì đúng là quái thai rồi. Nếu tôi là người Trung Quốc, tôi sẽ rất xấu hổ phải nhìn bản sao ngô nghê vụng về đến mức bôi bác công trình di sản bị xây bằng xương máu của hàng triệu người Trung Hoa trong hàng trăm năm ở cái chỗ mà các bạn ra sức bảo vệ. Nhưng tôi là người Việt Nam, tôi tẩy chay cái khu du lịch này, chừng nào công trình này còn đó…”.
Cũng có một dạng ý kiến khác gần với cách đặt vấn đề ở phần đầu của bài viết này: “Tôi nghĩ rằng các bạn định kiến quá lớn rồi! Các bạn nên hiểu đây là một khu du lịch, và tiêu chí của người ta là kinh doanh du lịch để ra tiền. Làm khu du lịch không độc đáo, không mới mẻ thì 3 ngày là cả nhà họ đi ăn mày à? Giữa kinh doanh và chính trị nó có ranh giới rõ ràng, các bạn đừng hùa theo những vụn vặt đời thường mà quy chụp người ta…. Còn nếu nói về vĩ mô, các bạn hãy kiến nghị lên trên bộ giáo dục về cách giảng dạy lịch sử cho người dân thì tốt hơn là ngồi chê bai mô hình kinh doanh của một ai đó!”.
Ý kiến trên có lý, nếu như đã chấp nhận cú áp phe chính trị với sự xuất hiện một Tập Cận Bình đăng đàn ở nghị trường Quốc hội Việt Nam, và có bài phát biểu hơn 20 phút huấn thị, thì chuyện Vạn Lý Trường Thành cũng chỉ đơn thuần là cú áp phe làm ăn; và nếu có áp đặt chính trị vào đó, thì đây cũng chỉ là nịnh người đồng chí cách mạng lớn của Việt Nam, chẳng chi mà phải ầm ỉ (!?).
***
Vạn Lý Trường Thành
“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”…
Lê Thị Thanh Tâm
Giữa Việt Nam bỗng mọc lên vạn lý trường thành
Những chú lính Tần đứng trông coi đất đai tiên tổ
Áo giáp, giáo cung, mũ mão
Mắt trừng như thể nuốt ngưu.
Có ai xuôi vạn lý trường thành
Bóng dáng xâm lăng soi nước hồ Than Thở
Mimosa dưới nắng trời vẫn nở
Du khách tươi cười làm hảo hán giữa cao nguyên.
Vạn lý trường thành
Vạn lý trường thành
Đà Lạt mờ sương ẩn hiện…
những cung đường uốn lượn
đâm vào lòng đất mẹ
móng vuốt kẻ thù hiểm thâm.
Có ai xuôi vạn lý
ngước nhìn mây trời nước Việt bao la…
lao xao dân Nam mặc áo Hoàn Châu
háo hức chờ đến lượt trèo lên đỉnh vạn lý trường thành
mọc trên mình tổ quốc
không cần đến Bắc Kinh vẫn làm hảo hán
hít thở không khí vua Tần giữa đất tổ quê cha.
Vạn lý trường thành
Vạn lý trường thành
Cửa ải xa cửa ải xa…
Ai dựng nên ai khắc tạc?
Ngăn đôi mắt nhìn sâu vào lòng tổ quốc!
Nối liền “núi sông” với kẻ bạo quyền.
Vạn lý trường thành
Vạn lý trường thành
khu vui chơi vùng sơn cước
mỗi ngày một chút
quen dần …
“Có ai xuôi vạn lý
Nhắn đôi câu giúp nàng…”
Đá Vọng Phu thăng trầm vôi vữa, cỏ hoang
Biển Hà Tiên gãy đôi Hòn Phụ Tử
Ai qua Chùa Hương nghe kẻ tục đòi tiền
Huế đẹp thơ di tích thành phế tích…
linh vật tổ tiên mong manh
có địch nổi Vạn lý trường thành?
“Chín con long thật lớn, muốn đem tin tới nàng,
Núi ngăn không được xuống, chúng kêu ca dưới ngàn.
Nàng cố đợi nghìn năm, một nghìn năm nữa khác sẽ qua,
đến khi núi lở sông mòn…”
Câu ca xưa thương tâm
khóc người thiếu phụ chờ chồng
Tháng bảy, mưa ngâu, nước non lên tiếng hãi hùng.
những cái chết âm thầm
trong kỳ quan vạn lý!
4 comments
Ngày trước , người Tàu xây vạn lý trường thành vừa chống vừa ngọt nhạt nịnh quân Mông Cổ , cái xứ mà họ không thể đánh bại…
Cho Thằng Tập đăng đàn trước QHVN người dân VN có thể hiểu QH này là QH tay sai Tàu cộng.
Nhiệt huyết nếu ở trong não trạng của cái đầu u tối thì hậu quả khôn lường .
Tri hành hiệp nhất.