Ngọc Lan
(VNTB) – Một tài liệu của Ban Thư ký Trung Quốc Hợp tác Lan Thương – Mekong, cho biết ở hôm hội đàm chiều 31-10-2022, phía Tập Cận Bình đã đưa ra yêu cầu như vậy với Nguyễn Phú Trọng.
Tài liệu này cho biết có khá nhiều mẫu câu mệnh lệnh với động từ “phải” được ông Tập Cận Bình đưa ra trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc:
“Phải kiên trì phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”, củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt thời đại mới không ngừng bước lên tầm cao mới”;
“Hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam phải kiên trì đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu tiến bộ cho loài người, ra sức thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, quyết không để bất cứ ai quấy nhiễu nhịp bước tiến lên của chúng ta, quyết không để bất cứ thế lực nào làm lay chuyển nền tảng chế độ cho sự phát triển của chúng ta”;
“Hai bên phải kiên trì định hướng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và quan hệ Trung – Việt, kiên trì định hướng chính trị đúng đắn là việc quan trọng hàng đầu.
Tập thể lãnh đạo trung ương của hai Đảng nên tăng cường trao đổi, kịp thời trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và các vấn đề quan trọng. Trung ương và cơ quan địa phương của hai Đảng phải quán triệt thực hiện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, tăng cường giao lưu và tham khảo lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Trong tình hình mới, hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam nên tăng cường giao lưu và tham khảo lẫn nhau kinh nghiệm quản lý Đảng và quản lý đất nước, duy trì trao đổi cấp cao và đối thoại chiến lược giữa quân đội hai nước, mở rộng thành quả hợp tác về an ninh hành pháp, bảo vệ tốt an ninh chính trị và ổn định xã hội của mỗi nước”;
“Hai bên phải củng cố nền móng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy kết nối hai nước, cùng xây dựng hệ thống chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng ổn định, khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng công nghệ có thực lực và chữ tín đến Việt Nam đầu tư, sâu sắc hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực y tế, phát triển xanh, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, v.v.
Hai bên phải nêu cao tình hữu nghị truyền thống. Trong tình hình mới, hai bên phải tăng cường giao lưu nhân dân, giúp thế hệ trẻ của hai nước tăng thêm sự hiểu biết và thân mật với nhau, sâu sắc hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, tạo không khí dư luận tốt đẹp cho quan hệ song phương”.
Ghi nhận các phát biểu từ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tài liệu của Ban Thư ký Trung Quốc Hợp tác Lan Thương – Mekong, viết bằng lời dẫn gián tiếp, và nội dung cho thấy cả hai tổng bí thư đều biết trước kết quả Đại hội XX, chứ không như những gì mà sau này phía Việt Nam cho rằng không biết ai sẽ là tổng bí thư trước Đại hội XX:
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hết sức cảm ơn Tổng bí thư Tập Cận Bình đã mời tôi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên cùng đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi cũng làm đúng theo lời hứa với đồng chí Tập Cận Bình là sẽ thăm Trung Quốc là nước đầu tiên sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam”;
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam hết sức quý trọng và coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi hợp tác hữu nghị với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, kiên trì sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung theo phương châm“16 chữ vàng” và tinh thần“4 tốt”, kiên định thi hành chính sách một nước Trung Quốc, kiên quyết phản đối hoạt động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức, không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan”…
Như vậy lo ngại về chuyện Bắc thuộc cho đến lúc này vẫn nguyên vẹn tính thời sự.