VNTB – Tập đoàn Tân Tạo và bà Maya Dangelas – Đặng Thị Hoàng Yến

VNTB  – Tập đoàn Tân Tạo và bà Maya Dangelas – Đặng Thị Hoàng Yến

Cát Tường

 

(VNTB) – Vào năm 2019, bà Maya Dangelas từng nộp một đơn kiện, nói dự án nhà máy ở Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, đã bị Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cản trở.

 

Theo thuyết minh báo cáo tài chính mới phát hành, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) bất ngờ ghi nhận khoản mục phải thu khác hơn 4.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ một nghiệp vụ “chi tạm ứng” cho chủ tịch hội đồng quản trị Maya Dangelas (tên trước đây là Đặng Thị Hoàng Yến) số tiền gần 1.937 tỷ đồng, nhằm tham gia dự án tại Mỹ.

Công ty bắt đầu chi tạm ứng trên cho dự án tại Mỹ vào cuối năm 2020 với số tiền chỉ 14 tỷ, đến cuối năm 2021 là 59 tỷ và cuối quý I có số dư 63 tỷ đồng. Như vậy, con số chi ra tăng lên chủ yếu trong quý II.

Chủ tịch của Tân Tạo bắt đầu nhắc đến Dự án Công nghệ cao tại Mỹ trong kỳ đại hội cổ đông thường niên tháng 6-2020, trong lần tái xuất trước cổ đông kể từ năm 2013. Bà khẳng định việc đầu tư ra nước ngoài sẽ đưa Tân Tạo phát triển ra quốc tế và tạo bước đi bền vững hơn.

Thời điểm đó, bà Maya Dangelas thông tin Tân Tạo đã giành được giấy phép khu công nghiệp dược phẩm và y tế cao cấp – dự án được cấp phép lớn nhất của bang California và đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng đường sá, hạ tầng.

Ngày 23-4-2021, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của ITA, Chủ tịch Tân Tạo góp mặt qua hình thức trực tuyến từ Mỹ, nhưng dùng tên mới là “Maya Dangelas” thay vì Đặng Thị Hoàng Yến như các lần họp trước.

“Tôi tin rằng năm sau, ITA sẽ trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu sẽ đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Gái có công, chồng chẳng phụ”, Chủ tịch ITA nói và khẳng định sẽ lãnh đạo Tân Tạo sẽ sớm đền đáp lại sự ủng hộ, lòng trung thành của các cổ đông và nhà đầu tư.

Giờ là tháng 8-2022, mọi chuyện đã không như ý của bà Maya Dangelas.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, bà Đặng Thị Hoàng Yến có đơn kêu cứu sau thông tin lan truyền về việc buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo. Cụ thể, Chủ tịch hội đồng quản trị ITA là Maya Dangelas có đơn gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam về thông tin buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

Khi đó, cổ phiếu ITA chứng kiến những phiên bị bán tháo dữ dội với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị sau khi thông tin ITA bị mở thủ tục phá sản sau 4 năm tranh chấp được lan truyền trên các diễn đàn, hội nhóm. Tuy nhiên, trong phiên ngày 2-8-2022, cổ phiếu ITA tăng trần thêm gần 7% lên 8.040 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, đúng là ITA bị Tòa án nhân dân TP.HCM ra Quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018, nhưng đến nay, thông tin này chưa được công khai rộng rãi.

Trong Báo cáo Thường niên Đại hội đồng cổ đông 2022 của ITA (tải về tại https://drive.google.com/file/d/1rxceu-kSBXGVBTvibGs6hg5-d6z29ppN/view), bà Dangelas mô tả ITA đã phải hứng chiụ hậu quả nặng nề bởi sự tham nhũng, quan liêu, thiếu minh bạch và thiếu tính lành mạnh của hệ thống pháp luật.

Những vấn đề này, bà nói là “đã được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ví như bầy sâu và đang được ngài Tổng bí thư từng bước phơi bày ra ánh sáng”, trích nguyên văn báo cáo.

Trong một diễn biến liên quan, có tin là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhận một đề nghị ITA về cho phép doanh nghiệp tạm hoãn công bố thông tin vụ việc về phá sản cho đến khi có kết luận của cấp có thẩm quyền. ITA cho rằng việc công bố thông tin mở thủ tục phá sản căn cứ vào bản án có nhiều sai phạm, trái pháp luật sẽ gây bất lợi cho công ty, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, công ty đã có đơn kêu cứu bị ép phá sản gửi các cấp có thẩm quyền. Hiện các vị lãnh đạo đã có chỉ đạo giải quyết đơn kêu cứu của Tân Tạo.

Tuy nhiên, hồi đáp của HoSE khẳng định cơ quan này không có thẩm quyền tạm hoãn công bố thông tin của tổ chức niêm yết, đồng thời việc chậm công bố thông tin của công ty cũng vi phạm quy định chứng khoán.

Phía ITA lập luận tổng tài sản của doanh nghiệp hơn 13.000 tỷ đồng và là công ty niêm yết hàng đầu về phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nhưng lại bị buộc phải công bố phá sản vì một khoản khởi kiện chỉ chiếm 0,2% tổng giá trị tài sản là “sự vô lý đến kinh ngạc”.

Trước đó, Quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS ngày 25-1-2018 của Tòa án nhân dân TP.HCM căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh. Công ty này không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc ITA phải thanh toán cho Công ty Quốc Linh theo Bản án của Toà án xét xử năm 2017 là hơn 21,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 14,3 tỷ đồng và lãi hơn 7,1 tỷ đồng.

Phía ITA đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT ngày 5-1-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18-9-2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hoà, Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM vì Bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên có rất nhiều sai phạm.

“Suốt 8 năm chúng ta bị liên đới và chịu hậu quả vào một vụ kiện hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và chỉ được dựa vào lời khai và bằng chứng giả mạo của một bên thứ 3, nhưng công lý vẫn không được thực thi. Điều gì sẽ xảy ra nếu hết thời hạn chống án theo quy định của pháp luật mà các cơ quan luật pháp Việt Nam không xét xử lại dựa theo bằng chứng? Điều gì sẽ xảy ra cho ITA nếu sự bất công bằng từ phán quyết của tòa án Việt Nam tiếp tục được thực hiện?”.

Bà Maya Dangelas có tuyên bố cứng rắn như trên trong Báo cáo Thường niên Đại hội đồng cổ đông 2022, và nhấn mạnh: “Với trách nhiệm của người sáng lập và là người lãnh đạo cao nhất của ITA, tôi sẽ thay mặt quý cổ đông, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đưa vụ kiện ra trọng tài và Toà Án Quốc tế đấu tranh đòi công lý”.

Trong quá khứ, lúc còn mang tên Đặng Thị Hoàng Yến, dư luận ở Sài Gòn đồn đoán bà có quan hệ thân thiết với ông Trương Tấn Sang từ hồi vị chính khách này còn là Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)