Việc Trung Quốc và Việt Nam cùng rút bớt tàu ở khu vực tàu Hướng Dương Hồng 10 gợi ý rằng cả hai phía có thể đánh giá tình hình sẽ không leo thang thêm nữa.
Tàu Hướng Dương Hồng 10
Trong những ngày qua, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Ngày 18.5, tàu này lần thứ hai đi đến gần các giàn dầu khí của Việt Nam ở các lô 5-1a và 5-1b – 5-1c, di chuyển theo đúng đoạn đường nó đã đi trong ngày 10.5.
Đáng chú ý tàu hải cảnh 4303 đã được rút về Tam Á. Như vậy, Trung Quốc hiện chỉ duy trì một tàu hải cảnh hộ tống là tàu 5305 (dựa vào tín hiệu AIS), không kể các tàu dân binh.
Trong khi đó, tàu CSB 7011 của Việt Nam cũng đã rời khỏi khu vực. Hiện Việt Nam vẫn còn duy trì hai tàu kiểm ngư là KN 465 và KN 468. Diễn biến này gợi ý rằng cả hai phía có thể đánh giá tình hình sẽ không leo thang thêm nữa.
Trong khi đó, ngày 18.5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng lần đầu lên tiếng về việc tàu nghiên cứu Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam.
“Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”, phó phát ngôn nhấn mạnh.
Cụm Sinh Tồn (Union Banks)
Ngày 19.5, tàu Hướng Dương Hồng 14 (Xiang Yang Hong 14) của Trung Quốc đã di chuyển từ Đá Gạc Ma đến khu vực giữa cụm Sinh Tồn, neo đậu gần tàu Hướng Dương Hồng 31 (Xiang Yang Hong 31) vốn cũng di chuyển từ Gạc Ma đến vị trí này một ngày trước đó.
Hiện hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc neo khá gần Đá Vị Khê (Bamford Reef) nằm ở phía tây nam đảo Sinh Tồn Đông.
Hiện chưa rõ hai tàu này xuất hiện ở đây với mục đích gì. Tuy nhiên, tàu Xiang Yang Hong 31 là một tàu thay thả phao hàng hải (Buoy Tender).
Nó xuất hiện ở khu vực này không lâu sau khi Philippines thông báo thả một phao định vị hàng hải ở Đá Ba Đầu cũng thuộc cụm Sinh Tồn.
Sự cố P-8 ngày 1.5.2021
Ngày 19.5, trang The Warzone dẫn phát biểu của phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết Trung Quốc đã hai lần ngăn chặn một máy bay tuần tra săn ngầm P-8 của Mỹ ở Biển Đông vào ngày 5.1.2021.
“Chiếc P-8A của Mỹ bay vào ngày 5.1.2021 đã bị chặn hai lần trong không phận quốc tế giữa đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam, cách Hồng Kông khoảng 500 km”, một phát ngôn viên của INDOPACOM nói với The War Zone trong một tuyên bố. “Máy bay của Mỹ và đồng minh thường xuyên bay trong không phận quốc tế để duy trì nhận thức về tình huống và củng cố các quy tắc quốc tế”.
Đây là một sự vụ xảy ra vào những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhưng chỉ mới được tờ The South China Morning Post tiết lộ vào ngày 15.5, dựa trên một nghiên cứu được đăng tải trên tập san Shipboard Electronic Countermeasures của Trung Quốc.
Theo tờ báo này, đối đầu xảy ra khi các máy bay P-8 của Mỹ thả phao sonar để dò tìm tàu ngầm của Trung Quốc ở khu vực không xa Hồng Kông trong ngày này.
Tiết lộ này nằm trong báo cáo công khai đầu tiên về sự cố ngày 5.1 – sự kiện chứng kiến một máy bay chống ngầm bay cách Hồng Kông gần 150km – do một nhóm các nhà khoa học quân sự Trung Quốc công bố.
Báo cáo cho biết PLA, đang tiến hành một cuộc tập trận hải quân trong khu vực, đã phản ứng nhanh chóng bằng cách gửi một lực lượng phản ứng, với quy mô và tính chất của lực lượng này vẫn được giữ bí mật.
Hai lực lượng ở gần nhau đến mức quân đội Mỹ đã “tự hủy” các phao sonar nổi của mình để ngăn các thiết bị nhạy cảm rơi vào tay Trung Quốc, báo cáo được đăng trên tạp chí tiếng Trung Quốc Shipboard Electronic Countermeasures hôm 25.4 cho biết.
Theo hồ sơ lưu trữ của tôi, từ ngày 29.12.2020 đến 7.1.2021, Trung Quốc tiến hành một đợt tập trận rầm rộ ở các vùng biển nam và đông nam đảo Hải Nam. Đây nhiều khả năng là cuộc tập trận được đề cập trong bài báo.
Các cuộc tập trận được Trung Quốc tổ chức chỉ vài ngày sau khi Mỹ liên tiếp điều oanh tạc cơ B-1B bay vòng quanh quần đảo Hoàng Sa và áp sát căn cứ Tam Á của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.