(VNTB) – Tây Nguyên là quê hương của người Thượng, Nam Trung Bộ là xứ sở của người Chăm, CSVN nhập các tỉnh Tây Nguyên lại với Nam Trung Bộ để làm gì?
Rất nhiều người dân Gia Lai tỏ ra bất ngờ khi bị sáp nhập với Bình Định, tức là một tỉnh miền núi sẽ nhập với tỉnh miền biền. Theo quan điểm nhà cầm quyền thì việc nhập lại này sẽ giúp các tỉnh có thể tạo ra liên kết vùng, thúc đẩy du lịch, tối ưu hoá phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản… Tuy nhiên, về phía người dân thì hầu như đều cảm thấy bất tiện cho việc đi lại và nhiều bất cập về văn hoá, phong tục, sắc tộc…
Sau sáp nhập, dự kiến trung tâm hành chính Gia Lai – Bình Định sẽ đặt ở khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn – thuộc Bình Định). Vậy là dân Gia Lai muốn xuống trung tâm thì phải đổ đèo An Khê, rất nguy hiểm. Trong khi cao tốc thì chưa có, mà ngay cả khi có thì dân cũng chủ yếu đi bằng xe máy chứ có phải đi xe hơi đâu mà vào được cao tốc. Chưa kể là có hàng trăm ngàn người dân Gia Lai từ khi sinh ra còn chưa ra khỏi tỉnh cũ, chứ đừng nói là nay phải đi tới Quy Nhơn để làm giấy tờ thủ tục hay kiện tụng tranh chấp…
Còn về văn hoá bản địa, Gia Lai là một tỉnh thuộc Tây Nguyên, với các sắc dân người Thượng đã tạo thành một nét văn hoá đặc thù. Nói về độ tương đồng thì Gia Lai có thể kết nối với Kon Tum, Đắk Lắk, hoặc Lâm Đồng để phát huy toàn bộ tiềm năng của vùng đất này.
Trong khi đó, Bình Định thì thân thuộc với Phú Yên hơn. Không tự nhiên mà hai vùng đất này gộp với nhau thành “xứ Nẫu”, mà vì lịch sử lâu đời của vùng đất này. Chữ “nẫu” vốn là “nậu”. “Nậu” là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ những người cùng làm một nghề, như “nậu cấy” là nhóm người đi cấy mướn, “nậu nguồn” là những người đi làm rừng, “đầu nậu” là người đứng đầu các nhóm đó.
Phương ngữ người Bình Định – Phú Yên thường rút ngắn đại từ nhân xưng ngôi thứ 3, theo kiểu “ông ấy” thành “ổng”, “bà ấy” thành “bả”, nên “nậu ấy” được thay bằng “nẩu”. Mà người vùng này lại không quen phát âm dấu hỏi, nên dần dần đọc thành “nẫu”. Xứ Nẫu xuất phát là vậy, người dân hai tỉnh này phát âm giống nhau tới mức dù đi xa đến đâu mà gặp nhau thì chỉ cần nghe giọng ra nhận ra đồng hương. Chưa kể cách xây nhà, cách ăn uống, hay đám tiệc, thờ cúng cũng rất giống nhau.
Phân tích riêng chữ “nẫu” để thấy rằng nên sáp nhập xứ Nẫu lại làm một để giữ gìn và phát huy truyền thống, tiềm năng. Vậy nhưng, CSVN lại tách xứ Nẫu ra làm hai, để rồi Bình Định hợp với Gia Lai, Phú Yên lại nhập với Đắk Lắk. Về địa lý, hay truyền thống, phong tục thì câu chuyện Phú Yên nhập với Đắk Lắk cũng tương tự Bình Định nhập với Gia Lai đã nói ở trên. Cùng với đó là ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận nhập lại với nhau.
Nói tới đây thì phải nhắc tới cái yếu tố đặc biệt quan trọng cần phải tính tới (mà có lẽ CSVN đã tính rất kỹ) đó là vấn đề sắc tộc tại khu vực này. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng vốn là quê hương và nơi sinh sống của cộng đồng các sắc dân người Thượng. Trong lịch sử thì nơi đây đã từng có những nhà nước riêng, với văn hoá, truyền thống, phong tục rất riêng biệt so với phần còn lại của Việt Nam. Tương tự, đối với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh, Ninh Thuận, Bình Thuận thì là quê hương của người Chăm, vốn dĩ là một quốc gia độc lập, trước khi bị người Kinh thôn tính. Người Chăm cũng có tiếng nói, chữ viết, tôn giáo, truyền thống đặc thù.
Có thể thấy rõ rằng CSVN đang có âm mưu chia lại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nhằm tách các sắc dân này ra bằng chiêu bài sáp nhập các tỉnh miền núi với miền biển. Ngoài ra là để tiện cho việc đồng hoá vốn đã diễn ra suốt từ khi CSVN cướp được chính quyền. Trung ương Đảng không hề hỏi ý kiến chuyên gia, hay trưng cầu dân ý về chuyện sáp nhập vì sợ người dân phản đối. Họ phải nhanh chóng thông qua và tìm mọi cách để nguỵ biện, mị dân để chốt phương án sáp nhập này.