Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thả tù vì dịch Covid toàn cầu: cơ sở pháp lý nào để thực thi?

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – “Các tổ chức kêu gọi Thủ tướng Việt Nam thả tù nhân vì dịch COVID-19” là tựa bài báo nằm trong ‘Top 5’ bài viết được người đọc quan tâm nhất đăng trên VOA (1).

 

Bài báo cũng được đăng lại trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 8-4 (2). Việc kêu gọi này mang tính nhân đạo, không đề cập đến viện dẫn pháp lý trong hệ thống văn bản tố tụng hình sự của Việt Nam.

 

Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) kêu gọi Việt Nam thả những tù nhân đặc biệt dễ bị tổn thương đối với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, bao gồm những tù nhân cao tuổi và những người đang ốm hoặc có bệnh lý nền.

 

Câu hỏi đặt ra là liệu căn cứ pháp lý ra sao cho một lệnh thả tù như đề nghị của ICJ? Lưu ý ở Việt Nam, người bị kết tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia thì không nằm trong các trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù. Như vậy nếu đáp ứng theo đề nghị của ICJ, thì Việt Nam sẽ vận dụng cơ sở pháp lý nào cho công việc đòi hỏi đối ngoại, trong hoàn cảnh khuyến cáo về cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra?

 

Thứ nhất, thay đổi việc thi hành án qua điều 36 của Bộ Luật Hình sự, về “Cải tạo không giam giữ”. Theo điều luật này, cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, và nếu phạm tội nghiêm trọng mà đang có nơi làm việc ổn định, hoặc có nơi cư trú rõ ràng, thì nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội, có thể chuyển sang hình thức gọi là ‘cải tạo không giam giữ’.

 

Tham khảo thêm về thực thi điều khoản này ở Nghị định 60/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (3); và Thông tư liên tịch 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại (4).

 

Thứ hai, ở Bộ Luật Hình sự có điều khoản 62.1, “Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá”. Luật Đặc xá 2018, trao quyền ban hành quyết định đặc xá cho Chủ tịch nước; trong đó ở điều khoản 5.2 cho biết: “Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước”.

 

Nếu vì lý do nào đó mà Chủ tịch nước không thể ký lệnh đặc xá nhằm đáp ứng lời kêu gọi “thả những tù nhân đặc biệt dễ bị tổn thương đối với cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, bao gồm những tù nhân cao tuổi và những người đang ốm hoặc có bệnh lý nền”, thì việc thực thi điều khoản 62.1 cho vấn đề ‘đại xá’ sẽ thuộc quyền của Chủ tịch Quốc hội, quy định tại khoản 11, điều 70, Hiến pháp 2013.

 

Như vậy, trên thực tế có nhiều lựa chọn thích hợp cho yêu cầu ‘thả tù vì dịch COVID-19’ phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam.

 

 

____________________

Chú thích:

(1) https://www.voatiengviet.com/a/cac-to-chuc-keu-goi-thu-tuong-viet-nam-tha-tu-nhan-trong-dich-covid-19/5363604.html

(2) https://vietnamthoibao.org/voa-cac-to-chuc-keu-goi-thu-tuong-viet-nam-tha-tu-nhan-vi-dich-covid-19

(3) https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/nghi-dinh-60-2000-nd-cp-chinh-phu-11021-d1.html#noidung

(4) https://luatvietnam.vn/hinh-su/thong-tu-lien-tich-09-2012-ttlt-bca-bqp-tandtc-vksndtc-bo-cong-an-73527-d1.html#noidung

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu thay vào đó là bút danh chẳng hạn như… Trần Bạch Đằng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Tuyên giáo Đảng nhìn đâu cũng thấy thù địch?

Phan Thanh Hung

VNTB – An toàn là trên hết

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo