Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thách thức mới của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Trường Sơn

 

(VNTB) – Các chuyên gia đánh giá việc mở cửa biên giới có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm COVID nhập cảnh vào Việt Nam

 

Dịp Tết 2023, việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi đông người để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

Bà Đào Hồng Lan được ghi nhận tuy là bộ trưởng Y tế, nhưng bà không có kiến thức chuyên môn về y khoa. Bà cũng chưa trải qua bất kỳ khóa huấn luyện nào về quản trị trong ngành y.

Từ năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 07/2008/TT-BYT ngày 28-5-2008 về hướng dẫn công tác đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế. Bộ Y tế quy định tất cả cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Trừ một số trường hợp cán bộ cao cấp thì việc học tập có thể là dự các hội thảo, hội nghị quốc tế hoặc tham gia tổ chức giảng dạy, nghiên cứu còn yêu cầu chung cho tất cả cán bộ y tế có thời gian đào tạo tối thiểu là 24 giờ thực học.

Trong 5 năm mỗi cán bộ y tế phải tham gia học tập và tích lũy đủ thời gian đào tạo liên tục ít nhất là 120 giờ học, thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ đang hành nghề. Mọi cá nhân làm việc trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam đều có nghĩa vụ tham gia học tập. Thủ trưởng các cơ sở y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức cho cán bộ của mình được học tập.

Bà Đào Hồng Lan là quan chức cấp cao nhất trong ngành y tế ở Việt Nam thuộc “ngoại lệ” về các yêu cầu “cập nhật liên tục kiến thức chuyên môn” kể trên.

Như vậy liệu với việc sắp tới đây khả năng du khách từ Trung Quốc sẽ trở lại Việt Nam từ đường bộ cho đến hàng không, trong lúc Việt Nam vẫn chưa tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19 ở đất nước mình, thì đây có là nguy cơ của “thập diện mai phục” về nguồn lây nhiễm đến từ Trung Hoa đại lục?

Sở dĩ lo âu trên đặt ra còn vì bà bộ trưởng vốn là “ngoại đạo y khoa”, rất có thể bà sẽ nghe những tham vấn chuyên môn, nhưng khả năng hiểu và nắm bắt có thể chệch choạc, để rồi từ đó đưa ra các chính sách/ đối sách “thiếu thích hợp”. Tấm gương của cựu phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người từng được Đảng phân công là “Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của bộ”, tức quyền bộ trưởng Bộ Y tế từ ngày 5-11-2019 đến ngày 07-07-2020, là cần thiết để bà Đào Hồng Lan “rút kinh nghiệm” vết xe đổ của đàn anh ngay trong chính nhiệm kỳ thứ 13 này của Đảng.

Ở Việt Nam giờ đã là rằm tháng Chạp, nghĩa là chỉ còn hai tuần lễ nữa là Tết Quý Mẹo. Với việc nới lỏng chính sách phòng chống Covid-19, nhiều khả năng khách Trung Quốc sẽ sang Việt Nam du xuân ở tháng Giêng này.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang dần từ bỏ việc đeo đuổi chính sách “zero Covid”, Ủy ban Khẩn cấp về dịch Covid-19 thuộc WHO dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của ủy ban vào tháng một này.

Nhiều chuyên gia dự báo dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Hôm 2-12-2022, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Tổ chức này đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8-1-2023, các chuyên gia đánh giá việc mở cửa biên giới có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng Việt Nam khó bùng dịch trở lại do tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, nhiều người từng nhiễm, nên đã có miễn dịch.

Rất dè dặt, ý kiến nhiều chuyên gia y tế cho rằng Tết Nguyên đán và mùa lễ hội kéo dài suốt tháng Giêng, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường sẽ là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan; trong đó không loại trừ Covid-19. Điều này có thể làm gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch Covid-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với Covid-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng.

Theo tìm hiểu của người viết, trong khi phía Bộ Y tế chưa đưa ra khuyến cáo gì liên quan việc đón khách đến từ Trung Quốc, thì phía ngành giao thông vận tải cẩn trọng ngay từ đầu với việc các điểm du lịch thường đông khách Trung Quốc như Nha Trang thì đường bay của hãng Vietjet Air và China Southern bắt đầu khai thác trở lại sớm nhất là từ 26-3-2023. Còn Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu bay vào 1-6-2023.

Về đường bộ, hiện tại mới chỉ có chính quyền thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là có văn bản gửi các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch về việc chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là khách Trung Quốc khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái mở lại hoạt động xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, theo nhận xét của ông Quách Đặng Hữu Tú, một hướng dẫn viên du lịch, thì, “Sự trở lại của đông đảo du khách Trung Quốc có thể gây ra những vấn đề cũ. Đó là du khách nước này chỉ luân chuyển trong vòng tròn khép kín do các công ty Trung Quốc ở nước ngoài điều hành”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cái giá của khủng hoảng Covid ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương sắp thiếu thuốc tê

Do Van Tien

VNTB – Chính quyền ơi, đừng ‘siết’ nữa, ngộp thở lắm rồi!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo