Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tham nhũng tình dục

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Đến nay chưa ghi nhận phiên tòa nào xét xử về án tham nhũng tình dục.

 

Ông Lê Hùng Sơn (39 tuổi) – tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh – đã bị đình chỉ công tác sau khi có đơn tố cáo của công dân liên quan hành vi hiếp dâm.

Nội dung đơn tố cáo của người nhà nữ nhân viên cho biết, người này được tuyển vào làm cán bộ văn hóa tại một cơ quan của huyện, còn chồng làm Công an huyện.

Chuyện thường ngày ở huyện thôi mà

Vào ngày 10-11-2021, người phụ nữ được “triệu tập” đi liên hoan ăn uống, giao lưu tại một đơn vị đóng trên địa bàn và bị ép uống nhiều rượu. Sau đó, cô bị đưa đến một khách sạn đã có phòng hát karaoke bố trí sẵn. Mặc dù người phụ nữ đã ngỏ ý muốn về vì mệt do uống say, nhưng ông Sơn vẫn cố tình lôi vào phòng hãm hiếp. Ngay lập tức người phụ nữ chạy xuống đường mượn điện thoại cho chồng đến đón và trình báo cơ quan công an.

Có ý kiến đây là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ (cách ví von ‘chuyện thường ngày ở huyện’ của người Việt từ sau năm 1975, xuất phát từ tập truyện ký có tên “Chuyện thường ngày ở huyện” – nguyên bản tiếng Nga: Районные будни, là tên gọi một tập truyện ký về đề tài nông trang tập thể của nhà văn Valentin Ovechkin).

Chuyện thường ngày đó ở nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa là các quan anh, quan em luôn tỉnh queo cho rằng chẳng gì ầm ĩ: “…trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống” … “các cô giáo đi tiếp khách là nhiệm vụ chính trị, là trong sáng, là niềm hãnh diện”.

Nhìn ở một góc độ khác phải chăng đó là tệ nạn tham nhũng tình dục?

Việc một người lao động bình thường nỗ lực học tập và thăng tiến nhất là phụ nữ là điều tiến bộ về công tác tổ chức và nữ quyền. Tuy nhiên, từ việc một số nữ giáo viên được cử đi tiếp khách, tiếp bia, nạn quấy rối tình dục công sở, và vụ nghi hiếp dâm mới đây của một bí thư huyện cho thấy tình trạng phụ nữ muốn có việc làm, thăng tiến trong thang bậc công chức phải dấn thân và đánh đổi là có thật.

Cũng có nghĩa tham nhũng tình dục là có thật khi công tác tổ chức cực kỳ nghiêm ngặt năm bước lại bị qua mắt cái vèo ở một số trường hợp. Và oái oăm ở chỗ là tất cả đều được phát hiện ở tố cáo và tiếng nói giận dữ của mạng xã hội, chứ không phải tổ chức tự phát hiện.

Sự trừng trị của công luận và xử lý bằng pháp luật phải nhắm đúng vào những kẻ nắm quyền lực nhưng lại để con voi chui lọt lỗ kim, chứ đừng trút lên cá nhân những phụ nữ luôn phải đánh đổi. Bởi, “chén” bậy không ít đâu.

Hối lộ tình dục vẫn thường thấy trong các vụ án hình sự ở Việt Nam

Hối lộ tình dục xưa nay vẫn hay nói nôm na là “mỹ nhân kế”, và “mỹ nhân kế” được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tình báo.

Cựu thẩm phán tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM, ông Vương Văn Nghĩa, cho rằng chỉ nên xử lý hành vi của người nhận hối lộ.

“Thực tế trong công tác xét xử án hình sự tại tòa án nhân dân TP.HCM, tôi đã thấy không ít vụ mà hồ sơ thể hiện có chuyện hối lộ bằng tình cảm, tình dục để có được những thứ đương sự muốn. Không chỉ những vụ án lớn, án kinh tế mới thể hiện điều này mà trong nhiều vụ án rất bình thường, nhưng hồ sơ thể hiện có việc hối lộ bằng tình dục để nhận được quyền lợi.

Và thậm chí, trong những vụ tố cáo lừa đảo cũng có dấu hiệu của việc người có quyền hành và chức vụ gợi ý nhận tình dục để đánh đổi thứ mình có thể cho những người cần. Đó có thể là người có quyền hành và chức vụ, có chức năng tuyển dụng lao động, công chức viên chức đã không ngại ngần gợi ý việc được nhận hối lộ bằng tình dục, đổi lại người hối lộ sẽ nhận được công việc hoặc được tăng lương.

Hoặc đơn giản, trong quan hệ cần sự đồng thuận của cán bộ, quan chức, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hình thức hối lộ bằng tình dục để nhận được dự án, phê duyệt hoặc thông qua…

Khi xem xét thì chỉ nên xử lý hành vi của người nhận hối lộ chứ không nên xem xét hành vi của người đưa hối lộ, bởi đối với người đưa, việc họ chấp nhận làm việc đó đã vi phạm đạo đức và xã hội lên án rồi.

Tôi biết có nhiều người bị ép buộc phải làm việc này hay việc kia, như những vụ việc báo chí đã nêu như “thầy giáo gạ tình lấy điểm”, nhân viên bị sếp “gạ tình”… thì hành vi “gạ tình” đủ cho thấy rõ động cơ, mục đích của việc gợi ý nhận hối lộ về tình dục không phải nạn nhân nào cũng dám tố cáo, thường ngậm bồ hòn làm ngọt.

Hơn nữa, khi sự việc xảy ra mà người bị “gạ tình” tố cáo thì luật sẽ xem xét dưới hành vi hiếp dâm, để chứng minh tội này thì cơ quan điều tra phải thu thập rất nhiều bằng chứng. Nếu xem xét hành vi “gạ tình” như hành vi hối lộ bằng tình dục thì việc xử lý người “gạ” sẽ dễ hơn, không phải đợi đến khi hậu quả của việc hối lộ này diễn ra trọn vẹn như tội hiếp dâm.” – ông Vương Văn Nghĩa ý kiến.

Theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ trong đó nêu rõ nhận hối lộ tình dục là hành vi tham nhũng qua khái niệm “lợi ích phi vật chất”.

Tòa án nhân dân tối cao giải thích khái niệm “lợi ích phi vật chất” thường xuất hiện trong các vụ án về tham nhũng. Đó là những lợi ích không phải vật chất, như hối lộ bằng đề xuất tặng thưởng danh hiệu hay giải thưởng, bổ nhiệm chức vụ, hứa hẹn cho tốt nghiệp, đi học, đi nước ngoài hoặc hối lộ tình dục.

Theo đó, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-02-2021, và đến nay chưa ghi nhận phiên tòa nào xét xử về án tham nhũng tình dục.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bàn làm việc giản dị của Tổng bí thư?!

Phan Thanh Hung

Hối lộ tình dục là… vô tội!

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạn đọc viết: Sài Gòn nghèo nhất nước!

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo