Thục Đoan
(VNTB) – Phiên tòa này xóa sạch tội lỗi của đảng, chính quyền, chỉ huy công an và thủ phạm bắn chết cụ Kình
Hôm 8 tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ, tiểu bang Minnesota, đều xử hai vụ án giết người nổi tiếng thế giới.
Việt Nam xử vụ Đồng Tâm, trong vụ này hàng ngàn công an vũ trang tấn công một làng thuộc xã Đồng Tâm trong đêm khuya. Bắn chết một cụ già tay không tấc sắt và làm bị thương nhiều người.
Lực lượng công an báo cáo 3 người bị thiêu cháy. Nhiều chính phủ quan tâm, nhưng chính quyền Việt Nam không cho tiếp cận hiện trường, nhân chứng và che dấu các thông tin.
Tiểu bang Minneapolis đưa ra tòa xử cảnh sát Derek Chauvin người quỳ lên cổ một người da đen, George Floyd, làm ông này thiệt mạng, gây bạo động dây chuyền toàn quốc và lan cả sang các nước khác, cũng là một nguyên nhân gây thất cử của cựu TT Trump.
Từ đêm Chúa nhật nhiều ngàn người đã biểu tình ôn hòa, hát thánh ca và đòi hỏi giải trình trách nhiệm của cảnh sát. Phiên tòa xử ông Chavin cho mãi đến trưa 10 tháng 3 vẫn chưa kết thúc. Tòa còn phải nghe nhiều biện luận bênh vực bị cáo, hỏi, trả lời, xem chứng cớ. Hỏi, trả lời nhân chứng và chuyên viên v..v
Tại Việt Nam, phiên tòa xử hàng chục người với những tình tiết hết sức mù mờ đã kết thúc nhanh chóng trong vòng một ngày rưỡi với hai án tử hình đã làm sửng sốt nhiều người.
Người ta hỏi nhau tại sao một phiên tòa như vậy đã kết thúc nhanh chóng với những bản án kinh khủng?
Trước và trong thời gian phiên tòa diễn ra, hàng ngàn công an chìm, nổi, dân phòng đã ngang nhiên ngăn chặn những người sẽ có thể đến dự phiên tòa. Báo chí dưới quyền của ban tuyên huấn đồng loạt đăng những bài định hướng kết tội. Ngồi các quán cà phê dễ thấy nhiều người cầm các tờ báo đăng tin về vụ án, với các tình tiết, “tội ác của tên Lê Đình Kình và đồng bọn chống chính quyền, sát hại nhân viên thi hành công lực”.
Nhiều người gật gù với nhau: “Giết hết tụi này cho rảnh nợ”, hay “ Bắn chết thằng Kình là phải, giết thêm hai thằng là ít”, hay “Chính phủ quá nhân đạo chỉ tử hình có hai thằng”, trong khi họ không nhìn thấy những việc khác của vụ án bị chính quyền che giấu.
Một vụ án rất nghiêm trọng, có nhiều bị cáo đã kết thúc vội vã với 2 án tử hình để lại nhiều tình tiết chưa được sáng tỏ, ngay cả yêu cầu thực nghiệm điều tra hiện trường của các luật sư cũng bị tòa làm ngơ, cho thấy nhiều vấn đề của ĐCSVN.
ĐCSVN lo sợ và đe dọa sự bùng nổ phản kháng đòi lại công bằng của người dân
Các tranh chấp đất đai giữa nhà nước và nhân dân đang âm ỉ trong toàn xã hội Việt Nam. Không chỉ các tôn giáo bị chính quyền tố cáo chiếm đất nhà chung, tu viện, đình chùa như vụ Tu Viện Thiên An, đất giáo xứ Thái Hà, giáo xứ Cồn Dầu, hay chùa Liên Trì, quận 2 bị chính quyền san bằng. Và gần đây nhất vụ giáo xứ Thị Nghè, Saigon với trường học trung tiểu học Phước an của Giáo xứ bị sang tên, đổi chủ sở hữu, đất thánh bị san bằng, chia lô bán nền cho dân xây nhà lên trên hàng trăm ngôi mộ chưa được bốc, hài cốt còn bên dưới.
Những vụ nổi cộm như vậy dù rất lớn không thể so sánh với hàng ngàn thửa đất của người dân bị chính quyền tịch thu cách này cách khác. Hàng trăm người dân Thủ Thiêm đã hơn 20 năm bị chiếm đất một cách gian lận. Chính quyền Saigon chẳng đặng đừng, phải đưa ra một số quan chức chịu trách nhiệm trong vụ này, nhưng vẫn ra sức bảo vệ đồng chí của họ.
Giải pháp chính quyền xin ‘bồi thường hợp lý’ cho người dân bị lùi thời hạn hết năm này đến năm khác. Người mất đất đến nay vẫn lây lất sống nhờ ở đâu đó, có người đã chết rồi mà chính quyền vẫn chưa nhận sai lầm. Dân oan mất đất nằm la liệt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng giữa Thủ Đô Hà Nội hàng chục năm nay trong đó có cả ‘người có công với cách mạng’ đang chui rúc dưới những tấm carton tạm làm nơi trú ngụ.
Vụ Vườn Rau Lộc Hưng chính quyền Saigon thẳng tay đánh sập hàng trăm ngôi nhà, đột nhiên biến hàng trăm người một ngày thành vô gia cư. Quan trọng hơn, còn hàng ngàn vụ cưỡng chiếm đất đai tại địa phương đang bị chính quyền dùng mọi cách che dấu, bịt miệng dân, che mắt, bịt tai công luận.
Chính quyền lo sợ sự bất mãn của người dân, dùng vụ án này răn đe đồng loạt nổi dậy.
Đảng CSVN lo sợ sự xói mòn lòng tin phần nào còn lại của người dân
Chính quyền Việt Nam phải đưa ra tòa vụ này là việc chẳng đặng đừng. Kết thúc phiên tòa chóng vánh, lấp liếm lời biên minh, kêu oan của các bị cáo, lấp liếm một cách trắng trợn lời biện hộ của các luật sư bào chữa cho bị cáo lộ rõ sự yếu kém của liên minh quan tòa, viện kiểm sát,
Họ muốn che dấu, xóa bỏ các chứng cứ, tình tiết bất lợi cho chính quyền mà các luật sư đưa ra, sợ làm mất lòng tin của người dân mà họ cảm thấy bị lung lay đã đến tận gốc rễ. Họ không dám để rò rỉ tin tức của “phiên tòa xử công khai” này. Các luật sư không được ghi biên bản, bị tịch thu lại bản báo trạng được tòa cho đọc, bị tịch thu USB.
Theo tin từ bạn bè trong giới luật sư tại Việt Nam của người viết cho biết nhiều luật sư trong phiên tòa cảm thấy vô cùng thất vọng chán nản. Một chút niềm tin vào luật pháp họ có từ ngày chọn ngồi trong trường Luật để bênh vực cho công lý đã bị xói mòn từ lâu và đến phiên tòa này thì bị xóa sạch.
Trung thành với Lời thề bênh vực cho công lý, nhiều luật sư trong vụ kiện bênh vực cho các bị cáo vụ Đồng Tâm này đã phải hy sinh các nguồn lợi kinh tế khác của họ, bỏ qua nhiều vụ kiện tụng với số thù lao rất lớn, có người bị ngăn chặn không được ra sách, có người bị chính quyền ‘nói chuyện’. Thất bại thảm thương, mất niềm tin và cảm thấy nhục nhã, bất lực có người trong số họ đã nghĩ đến việc bỏ nghề.
Chính quyền lo sợ, che dấu, dối trá trong phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, một vụ án vô tiền khoáng hậu và có lẽ chưa từng xảy ra như thế trên toàn cầu là một ‘thắng lợi’ cho đảng, chính quyền và tòa án ở Việt Nam.
Phiên tòa này xóa sạch tội lỗi của đảng, chính quyền, chỉ huy công an và thủ phạm bắn chết cụ Kình. Bên cạnh đó họ đạt được “thắng lợi vang dội” giết thêm được hai người con cụ, đặc biệt giết được một chút niềm tin còn sót lại ở một số người dân vào chính quyền, giết chút hy vọng của người dân oan, giết được lòng tin của giới luật sư có được khi chọn ngồi ghế trường luật, thề bảo vệ sự công bằng trong xã hội cộng sản, và giết luôn lòng tin còn một chút của quốc tế đối với Việt Nam.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả