VNTB – Thành lập Quân đoàn 12

VNTB – Thành lập Quân đoàn 12

Trường Sơn

 

(VNTB) – Thiếu tướng Trương Mạnh Dũng được bổ nhiệm là tân Tư lệnh Quân đoàn 12.

 

Sáng 2-12, lễ công bố quyết định thành lập Quân đoàn 12 đã diễn ra tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Quân đoàn 12 được thành lập bởi Quyết định số 6012/QĐ-BQP, ngày 21-11-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 29-11, tại Ninh Bình, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tiếp nhận nguyên trạng các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Phân viện 5 (Bệnh viện 7, Quân khu 3) về Quân đoàn 12.

Thiếu tướng Trương Mạnh Dũng, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 1 được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân đoàn 12.

Như vậy là sau 50 năm ‘xây dựng – chiến đấu – trưởng thành’, Quân đoàn 1 đã ‘hoàn thành sứ mệnh lịch sử’ của mình. Theo đó, ngày 24-10-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 142/QĐ-QP thành lập Quân đoàn 1.

Theo Quyết định của Bộ Quốc phòng, cơ cấu tổ chức của Quân đoàn gồm: Bộ tư lệnh Quân đoàn; 3 cơ quan Quân đoàn: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần; các đơn vị: Sư đoàn Bộ binh 308, Sư đoàn Bộ binh 312, Sư đoàn Bộ binh 320B, Sư đoàn Phòng không 367, Lữ đoàn Xe tăng thiết giáp 202, Lữ đoàn Pháo binh 45, Lữ đoàn Công binh 299 và Trung đoàn Thông tin 140.

Quân đoàn 1 là đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, góp phần làm nên sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng là Tư lệnh Quân đoàn 1 nhiệm kỳ 2014-2016.

Quân đoàn 2, còn gọi là “Binh đoàn Hương Giang” được thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1974, tại Ba Nang, Ba Lòng Quảng Trị tại trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu Trị – Thiên, Thượng tướng Song Hào Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công bố quyết định thành lập Quân đoàn. Theo đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn gồm có: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái – Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh – Chính ủy, Đại tá Hoàng Đan – Phó Tư lệnh, Đại tá Nguyễn Công Trang – Phó Chính ủy.

Tổ chức cơ quan buổi đầu của quân đoàn 2 gồm: Bộ Tham mưu (13 phòng) do thượng tá Bùi Công Ái làm Tham mưu trưởng. Cục Chính trị (9 phòng) do thượng tá Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm. Cục Hậu cần (10 phòng) do thượng tá Nguyễn Ngọc Thực làm Chủ nhiệm.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh Quân đoàn 2 đã đánh chiếm Dinh Độc Lập cắm cờ trên dinh. Sau đó đội hình Quân đoàn 2 tổ chức lại, với các sư đoàn 325, 324, 306, 341 đánh Khmer Đỏ.

Tính đến nay thì danh sách về những sĩ quan dính phốt tham nhũng được công khai trên truyền thông dường như chưa ghi nhận tướng lãnh nào đến từ Quân đoàn 1 và 2. Có thể tạm liệt kê ‘bảng phong thần’ đó như sau về những viên tướng đã bị kỷ luật: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình (Chính uỷ Quân chủng Hải quân), Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Thượng tướng Phương Minh Hòa (Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân), Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân), Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy (Tư lệnh Quân khu 9), Thiếu tướng Phan Tấn Tài (Phó Tư lệnh Quân khu 7), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế); chín viên tướng trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Thiếu tướng Trần Văn Nam, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Thiếu tướng Lê Văn Minh; ba viên tướng ở Học viện Quân y: Trung tướng Đỗ Quyết, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Thiếu tướng Hoàng Văn Lượng…

Bí thư Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025 là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)