VNTB – Tại sao lần đầu tiên có cuộc diễn tập giữa hai quân đội Việt – Cam?

VNTB – Tại sao lần đầu tiên có cuộc diễn tập giữa hai quân đội Việt – Cam?

 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Có lẽ nếu lúc này nhà báo Phạm Chí Dũng được trả lại quyền cầm bút, chắc chắn ông sẽ đưa ra những lời bình với lý lẽ thuyết phục hơn, so với người viết bài đây vốn đang sinh sống xa quê hương.

Buổi diễn tập cứu nạn tại biên giới do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Campuchia tổ chức ở huyện Đức Huệ, Long An và tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia vào sáng ngày 18/12/2019.

Theo thông tin báo chí, đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn theo nghị định thư ký ngày 20/7/2017 giữa Bộ Quốc phòng hai bên. Trước đó, từ năm 2015, Thủ tướng Hun Sen nêu vấn đề với Chính phủ Việt Nam về việc hai nước nên có những diễn tập để đối phó, cứu nạn khi có thiên tai. Đặc biệt giúp dân các vùng biên giới đảm bảo sức khỏe, tài sản.

Trả lời giới truyền thông ngoại quốc, Thủ tướng Hun Sen nói rằng (tạm dịch): “Tại sao chúng tôi tổ chức diễn tập cứu hộ thiên tai chung? Bởi vì chúng tôi muốn tăng cường những nỗ lực cứu hộ cứu nạn dọc biên giới. Đây là sáng kiến của tôi với tư cách thủ tướng Vương quốc Campuchia, tôi đã đề nghị tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung này với Việt Nam, Thái Lan và Lào. Đây hoàn toàn không phải là xâm lấn”.

Như vậy khả năng cuộc diễn tập đầu tiên hôm sáng 18/12/2019 chỉ là bước đầu cho việc có một liên quân của trục Thái – Cam – Việt – Lào.

Diễn tập quốc tế về hỗ trợ nhân đạo” là những cụm từ hay được mô tả trong các cuộc diễn tập chung giữa quân đội một số quốc gia. Ví dụ như hôm 16/9/2019, tại Trung tâm Huấn luyện Hòa bình và An ninh Indonesia, Sentul-Bogor đã diễn ra lễ khai mạc Diễn tập thực địa về hoạt động gìn giữ hòa bình và Hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ Nhóm chuyên gia (EWG) thuộc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội ASEAN và các quốc gia đối tác đối thoại (ADMM+).

Thời điểm đó, phía Bộ Quốc phòng Việt Nam tham gia cuộc diễn tập gồm 33 cán bộ sỹ quan chia làm 2 đoàn: Đoàn tham gia Diễn tập về Gìn giữ hoà bình (GGHB) do Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam làm Trưởng đoàn và đoàn tham gia Diễn tập Hành động mìn nhân đạo do Đại tá Phạm Hữu Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh làm Trưởng đoàn.

Cuộc diễn tập có ý nghĩa chiến lược để cùng tìm kiếm điểm chung trong việc đối mặt với các vấn đề và thách thức chung có thể phá vỡ sự ổn định và an ninh trong khu vực”. Mục đích ấy cũng được đưa ra cho cuộc diễn tập giữa hai quân đội Việt – Cam hôm 18/12/2019.

Cả Campuchia và Việt Nam có điểm chung là đều đang phải phụ thuộc Trung Quốc về rất nhiều phương diện.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mỗi lúc thêm gay cấn, thì với quan hệ “sông núi tương liên, lý tưởng tương đồng” giữa hai nước Việt – Trung, xem ra Việt Nam rất dễ trở thành trái độn khi Trung Quốc lâm thế hạ phong trong cuộc chiến tranh thương mại này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, tám năm về trước đã có ba tàu hải quân Hoa Kỳ gồm có tàu USS Preble, tàu USS Chung-Hoon và USNS Safeguard ghé thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong khoảng thời gian chính thức từ ngày 15 đến 21/07/2011 với mục đích được công khai trên báo chí là “nhằm mục đích tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, thực hiện các hoạt động nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chuyên môn của hải quân và tìm kiếm cứu nạn”.

Vào tháng 08/2010, tàu hải quân Hoa Kỳ USS John S. McCain cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước. Nhân dịp này, hải quân Mỹ – Việt đã có cuộc diễn tập cứu hộ chung cùng với sự chỉ đạo cuả chỉ huy tàu USS John S. McCain, ông Jeffrey J. Kim bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Trước đó tàu chiến của Mỹ đã có nhiều chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó hai chuyến vào năm 2008, hai chuyến năm 2009. Những sự kiện ‘diễn tập’ như thế này thu hút rẩt nhiều sự chú ý từ phía Trung Quốc, đặc biệt kèm theo các căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xem ra câu chuyện diễn tập vì “các hoạt động nhân đạo” giữa các quân đội một số nước đều nằm trong một kịch bản nhiều tập, kéo dài qua nhiều năm; và với hiện tại khi kinh tế Trung Quốc mạnh số 2 thế giới mà Tập còn buộc đang phải xuống nước với Trump, thì đây là cơ hội vàng để Việt Nam cắt bỏ mạnh tay hơn phụ thuộc thương mại với thiên triều.

Các cuộc diễn tập kiểu liên quân Mỹ – Việt, Cam – Việt, hay sắp tới đây có thể là Thái – Cam – Việt – Lào tin rằng sẽ mang đến cho người Việt thêm chút kỳ vọng viễn cảnh dân chủ thêm gần hơn chút, khi những lãnh đạo Hà Nội kiên quyết hơn trong việc lấy lợi ích quốc gia làm trục cốt lõi để xoay các quan hệ đối ngoại, sao cho tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Người viết bài này từng được dịp trò chuyện cùng nhà báo Phạm Chí Dũng ở một số hội luận xuyên quốc gia. Có lần, nhà báo Dũng kể rằng, từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ ‘Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’, nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía Việt Nam lại thêm vào đó một chữ “vàng”. Và 16 chữ vàng tạo nên sự ngộ nhận to lớn. Đến năm 2002, người Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là ‘4 tốt’: Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt.

Theo như nhà báo Dũng, điều mơ hồ nhất trong những điều mơ hồ lần đó chính là hai chữ “đồng chí”. Nó hàm ý một điều phi lý là hai bên cùng chung ý thức hệ, cùng chung chí hướng. Làm quên mất một điều sơ đẳng nhất của chính trị quốc tế trong mọi thời đại: Giữa các quốc gia, không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn.

Những cuộc tập trận kiểu liên quân như kể trên, mặc dù được viện dẫn là ‘hoạt động nhân đạo’, cho thấy còn mang đến cách hiểu về tìm kiếm sự nhân đạo cho các quyền dân chủ của người Việt đang sinh sống trên chính quê hương của mình.

Nôm na, theo cách hiểu nào đó thì nếu có nhân đạo, thì sẽ không bỏ tù một tiếng nói phản biện ôn hòa như nhà báo Phạm Chí Dũng.

 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)