Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thành phố Hồ Chí Minh đang ‘già’ hoá

Diệp Chi

 

(VNTB) – TP.HCM được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.

 

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ TPHCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42.

Gần 20 năm qua, mức sinh ở TPHCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ); với mức sinh trên, TPHCM tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.

Tại điều 3.2 khoản b của Thông tư 01/2021/TT-BYT cũng ghi: “Căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi”.

Thông tư ghi vậy, tuy nhiên pháp luật không quy định cụ thể mức khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi là bao nhiêu, mà chỉ quy định vào tình hình thực tiễn của từng địa phương các địa phương có thể lựa chọn hình thức khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật.

Do đó mức khen thưởng cụ thể sẽ được từng địa phương quyết định.

“Nói thiệt, rõ ràng khen thưởng còn chưa chắc khuyến khích sinh con được, nói gì đến việc mập mờ. Chi phí để sinh một đứa trẻ là bao nhiêu? Rồi chi phí cho những vấn đề khác, rồi chi phí cho chuyện học hành, đi học mầm non, mẫu giáo cũng đóng tiền vậy. Đó là chưa kể đến những khoản khách quan khác như điện, nước, xăng nhớt. Rồi tiền khám, chữa bệnh. Sắp tới đây còn phải tốn cái khoản gọi là kiểm tra khí thải nữa. Nếu mọi thứ ổn thì không nói, còn không ổn thì sao? Đủ mọi thứ tiền chứ giỡn hả”, chị Ngọc, một bà nội trợ chia sẻ.

“Nếu tôi nhớ không lầm, trung bình tã, sữa rồi các khoản khác cho con tôi khi đó là khoảng 500-600 ngàn cho một tuần. Người nhà thì kêu xài tã vải, như cách ông bà ngày xưa vẫn làm. Biết là làm vậy có thể tiết kiệm được một phần chi phí tã nhưng đó là với điều kiện bạn có thời gian hoặc có người phụ bạn. Đằng này chỉ có hai vợ chồng. Vợ ở nhà chăm con, còn chồng thì đi làm từ sáng tới chiều. Thời gian với sức khoẻ đâu nữa để mà ngồi giặt từng cái tã?

Đó là chưa kể đến việc tôi không biết người khác thế nào? Nhưng với trường hợp của tôi, ba mẹ quăng cho 1 đống vải rồi kêu tự may tã cho em bé đi rồi cho nó xài. Không những không bớt việc mà còn thêm việc. Cho nên, có những khoản, dù muốn dù không, cũng khó lòng mà tiết kiệm”, anh Tùng, hiện đang làm cho một quán ăn kiêm giao hàng, chia sẻ.

“Công ăn việc làm ổn định với điều kiện mức lương phải khá, gia đình khoẻ mạnh hết thì còn đỡ. Một người đi làm, chắt cóp, dè sẻn thì còn hoạ may nuôi nổi gia đình 4 người. Còn nếu như có trục trặc, ta nói nó khổ trăm bề. Người lớn thì có thể nhịn ăn được, hoặc ăn qua quýt cho xong cũng tạm chấp nhận đi. Còn em bé nhỏ thì sao? Nhất là thời buổi giờ, công việc khó khăn, vật giá cái gì cũng cao, cái gì cũng lên. Đâu thể cứ dăm ba mấy cái khuyến khích khen thưởng là đủ”, chị Ngọc nói tiếp.

Cũng theo Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TPHCM, hiện thành phố đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,05%). Già hóa dân số tại thành phố chịu sự tác động lớn của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu.

“Ngày xưa ông bà đẻ 8-9 đứa vẫn sống phây phây, vẫn lớn lên khoẻ mạnh. Còn giờ thì sao? Muốn người ta an tâm mà sanh nở, trước mắt lo cải thiện đời sống của người dân càng sớm càng tốt đi đã. Một hành động hơn chục lời nói suông nhiều”….


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ngộ độc pate và câu chuyện “ăn chay – con kiến”

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Thủ tướng ơi, ngó xuống mà coi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo