VNTB – Thất nghiệp theo ‘chuẩn quốc tế’

VNTB – Thất nghiệp theo ‘chuẩn quốc tế’

Thới Bình

 

(VNTB) – Tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể không thể hiện được tỷ lệ nghèo, bởi vì tỷ lệ thất nghiệp cao thường chỉ có ở các nước phát triển với tỷ lệ nghèo thấp.

 

Thế nào là thất nghiệp theo ‘chuẩn quốc tế’?

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế thời điểm trước tháng 10-2013, thì “người thất nghiệp” bao gồm những người ở độ tuổi nhất định chẳng hạn từ 15 tuổi trở lên, mà trong thời gian khảo sát, thường là trong tuần trước đó hoặc 7 ngày trước đó, đáp ứng tất cả 3 điều kiện: “không có việc làm” (được hiểu là không làm việc dù chỉ là 1 giờ, không làm việc làm công ăn lương lương hoặc việc tự làm), “sẵn sàng làm việc” và “đang tìm việc”.

Như vậy, “thất nghiệp” là một thái cực trên một dải lực lượng lao động bao gồm cả những người “thiếu việc làm” và “có việc làm”.

Tuy nhiên các tiêu chuẩn quốc tế kể trên đã thay đổi vào mười năm trước đây với một cách thức thống kê mới được thông qua ở Hội nghị Quốc tế về Thống kê Lao động Việc làm lần thứ 19, nên được gọi là tiêu chuẩn ICLS19.

Hệ thống mới nhằm cải thiện việc đo lường các loại hình việc làm khác nhau, ví dụ như những công việc tự sản xuất (own use production work), công việc được trả lương, thực tập không có lương, và việc làm tự nguyện (volunteer work). Nó đồng thời thu hẹp khái niệm về việc làm để thể hiện tốt hơn những gì được coi là “việc làm theo định hướng thị trường” (market-oriented job).

Theo định nghĩa mới, những người có việc làm là những người trên 15 tuổi mà trong một khoảng thời gian ngắn nhất định (thường là 1 tuần hoặc 7 ngày), có tham gia vào một hoạt động sản xuất ra hàng hóa, hoặc cung cấp dịch vụ để được trả lương hoặc kiếm lợi nhuận. Nói theo cách khác, đó là những người làm việc ở một công việc được trả lương hoặc một việc tự kinh doanh để kiếm lợi nhuận trong khoảng thời gian ít nhất là 1 giờ trong giai đoạn khảo sát.

Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ có việc làm đối với nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi phần lớn người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp tự cung tự cấp với rất ít hoặc không có sự kết nối với nền kinh tế thị trường.

Khi định nghĩa mới được áp dụng, các cuộc điều tra về thị trường lao động sẽ đo lường được tốt hơn bộ phận thất nghiệp ở nền kinh tế thị trường (thay vì bị lẫn lộn với ngành nông nghiệp tự cung tự cấp) và giúp chỉ ra được tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động (labour underutilization) trong nền kinh tế.

Vì sao không đúng khi áp dụng ở Việt Nam?

Thế nhưng ngay cả cách định nghĩa mới cũng cho thấy không phù hợp với nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thử nêu vài con số. Trong 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88.000, trung bình mỗi tháng 17.600 doanh nghiệp, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập thị trường; một tỷ lệ rút khỏi thị trường cao chưa từng có.

Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy có hơn 82% số doanh dự kiến giảm quy mô, tạm dừng kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp dự kiến tiếp tục hoạt động, hơn 71% dự kiến giảm trên 5% số lao động; hơn 22% dự kiến giảm trên 50% lao động.

Mà đó chỉ là những số liệu ở những doanh nghiệp có đăng ký chính thức, có báo cáo và có thể thống kê được.

Vậy thì làn sóng hơn 3 triệu lao động phải trở về quê hương liên quan từ dịch giã Covid-19 có được tính là thất nghiệp hay không? Họ sinh sống như thế nào ở quê khi nông nghiệp gần như không thể là trụ đỡ nữa vì chỉ chiếm có 12% GDP?

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi kỳ họp này của Quốc hội cho biết, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người, trong đó số thôi việc, mất việc là 280.000 người.

Trong khi đó, cơ quan thống kê cho biết trong báo cáo 5 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc, giảm việc làm tiếp tục gia tăng. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-5-2023 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này tương ứng với số người thất nghiệp trong báo cáo nêu trên.

Và từ “chuẩn thất nghiệp quốc tế” được viện dẫn, phía Cơ quan thống kê của Việt Nam công bố, trong quý I năm nay rằng tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 2,25%. Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi; lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước…

Vậy thì xem ra “tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, thị trường lao động phục hồi” có vẻ không ăn nhập với tình trạng của khu vực doanh nghiệp như số liệu nêu trên ngay trong báo cáo thống kê.

Tại sao “chuẩn quốc tế” không phù hợp với Việt Nam?

Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”.

Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức.

Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)