VNTB – Thầy thuốc nói gì về ‘lá phiếu tín nhiệm’ với ‘bệnh nhân quan chức’?

VNTB – Thầy thuốc nói gì về ‘lá phiếu tín nhiệm’ với ‘bệnh nhân quan chức’?

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – “Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm”

Không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên thì cần phải cho thôi việc, dù đó là quan chức cấp cao đến đâu đi nữa, đó mới thật sự là nhân văn…

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế, và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là cần thiết.

Theo bà Thủy, điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì có việc lãnh đạo mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được, thể hiện tính nhân văn.

Ở đây có lẽ bà Thủy muốn nói đến trường hợp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, một quan chức cấp cao trong bộ máy chính trị nhưng đã vắng mặt trên chính trường từ quý 4-2022 cho đến hôm nay. Tin tức về sức khỏe của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vẫn dừng ở mức đồn đoán.

Đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) lưu ý rằng theo quy định, các trường hợp thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo cho các đại biểu trước 30 ngày. Vậy trong trường hợp, thời điểm đó người thuộc diện lấy phiếu mới bị bệnh hiểm nghèo thì sao? Khi đã xác định bị bệnh hiểm nghèo rồi, đang tập trung vào điều trị thì làm gì có thời gian, sức lực để làm báo cáo?

Một phản biện khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai nấc khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu trường hợp trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” trở lên thì khuyến khích xin từ chức. Nếu họ không từ chức lúc đó sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. “Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm”, bà Thanh nói.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định số 96.

“Ban đầu, Ban soạn thảo thiết kế thời hạn 3 tháng, nhưng quá trình lấy ý kiến, đa số đều cho rằng, như vậy quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, Ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết”, bà Thanh giải thích.

Trong một bày tỏ công khai với báo chí, PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương – cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải đủ sức khỏe để đảm đương công việc, mà theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”.

Theo quan điểm là một thầy thuốc, bác sỹ Vũ Xuân Phú nhìn nhận cần phải có tâm hồn khoẻ mạnh trong cơ thể khoẻ mạnh thì hãy đảm nhiệm vị trí lãnh đạo.

“Những người đã mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể đủ sức khỏe đảm đương công việc được giao nữa, nên “ốm tha, già thải”, không cần lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu họ phải chịu trách nhiệm về việc nào đó đã làm lúc còn khỏe mạnh, thì nên lấy phiếu tín nhiệm, tránh để vin cớ bệnh tật mà chạy tội.

Nếu cán bộ lãnh đạo không phải chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra bằng việc không lấy phiếu tín nhiệm, thì sao nhiều trường hợp về hưu rồi còn phải cắt chức “nguyên”?” – Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương đặt vấn đề nghe rất có lý về cách hiểu thuần ngữ nghĩa tiếng Việt.

Quan điểm của chuyên gia về sức khỏe tâm thần, TS. Nguyễn Doãn Phương – cựu Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, thì cán bộ cứ ốm trên ba tháng là thôi không nên giao việc nữa.

“Khi đã ốm phải nghỉ làm việc do có bệnh lý bệnh mạn tính, là được nghỉ ngơi, không làm việc. Mà không làm việc lấy đâu có tín nhiệm? Khi có bệnh giống như đeo tảng đá trong người.

Đã mắc bệnh mạn tính, khi lấy phiếu tín nhiệm mà kết quả thấp sẽ ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh và khiến bệnh nặng lên. Theo tôi, khi cán bộ bị bệnh hiểm nghèo đã phải nghỉ làm thì nghỉ luôn” – bác sỹ Nguyễn Doãn Phương ‘ra toa’ như vậy.

Người viết bài này nghĩ đơn giản hơn, khi đã phải nghỉ ngơi cho thời gian chữa trị bệnh kéo dài, thì dù đó có tình trạng hiểm nghèo hay mãn tính, cứ theo quy định của pháp luật lao động mà thực hiện.

Quan chức cấp cao khi chữa bệnh đã là tốn ngân sách quốc gia. Nếu kéo dài, dằn dai việc vừa chữa bệnh, vừa hưởng lương bổng, quyền lợi của chức tước, thì hóa ra tiền thuế của dân bị phung phí quá mức à?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Uh, tác giả hổng phải là thầy thuốc, mà nếu có là thầy thuốc, chỉ là lang băm

    Còn nhớ thời Việt Nam mắc dịch hông, có vài (chục) ông thầy thuốc khuyên mọi người “bòn bon, si cô la, sữa hột gà, dầu cù là, cà lem cây” là những thứ phòng Covid tốt nhứt . Đặc biệt có ông khuyên mọi người nên ngủ nằm xấp vì vi khuẩn khó lọi vào miệng, mũi . Ca sĩ Amy Winehouse chết vì vậy . Bs -bên này, tất nhiên- kết luận nếu cô ta ngủ nằm ngửa thì đã hổng chết

    Lang băm ở VN, chưa kịp tử vong vì Covid thì đã chít vì nghe lời mấy khứa rùi