Khánh An dich
(VNTB) – Từ đại dịch tới dịch
16 tháng 10 năm 2021
Nếu may mắn, mùa đông năm 2025, có thể là một mùa đông bình thường. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe như trước đây, gặp căng thẳng do các bệnh đường hô hấp lây lan khiến mọi người phải nhập viện. Bệnh cúm sẽ ảnh hưởng đến người già. Virus gây bệnh đường hô hấp sẽ khiến một số trẻ bị bệnh nặng. Và một loại bệnh mới theo mùa sẽ nằm trong số này: covid-19. Covid-19 sẽ khiến người già bị ốm nặng, thậm chí còn hơn cả bệnh cúm. Tuy nhiên, bên ngoài bệnh viện, cuộc sống nhìn chung sẽ tiếp tục bình thường.
Thế giới đã từng trải qua nhiều trận đại dịch trước đây. Trong đợt dịch tả vào những năm 1830, gần 3% người Paris chết chỉ trong một tháng. Vào cuối thế kỷ 19, khoảng 1 triệu người có thể đã chết vì bệnh cúm Nga, mà một số người cho rằng do một loại vi rút corona gây ra. Dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918 đã giết chết khoảng 50 triệu người chỉ trong vài năm.
Covid-19 đã gia nhập danh sách trên. Đại dịch này có thể đã giết chết từ 10 – 19 triệu người, với ước tính trung bình là 16,3 triệu. Covid không phải là căn bệnh nguy hiểm nhất mà nhân loại đã phải đối mặt. Nhiều người bị nhiễm thậm chí không biết là họ đã mắc bệnh này. Nhưng covid-19 mới xuất hiện và có ở khắp mọi nơi. Khi Covid mới xuất hiện, cả thế giới đều dễ bị ảnh hưởng. Tình trạng chưa được miễn dịch chống lại loại virus này, cùng với bản chất của chính vi rút, khiến covid có tốc độ lây lan và tác động khủng khiếp.
Nhưng rồi thì tất cả các đại dịch đều kết thúc. Cuối cùng, khi có đủ số người có khả năng miễn dịch, vi rút không còn có thể tìm thấy vật chủ mới với tốc độ cần thiết để duy trì sự phát triển. Tuy nhiên, chỉ có một căn bệnh ở người như bệnh đậu mùa bị loại trừ hoàn toàn. Những bệnh khác, chẳng hạn như cúm, sởi và tả, từ từ trở thành bệnh đặc hữu, được kiểm soát nhưng không được loại bỏ bằng vắc-xin và điều trị y tế.
Nhìn chung, covid cũng không khác gì. Điều mới lạ về đại dịch này là tốc độ khoa học — cả vắc-xin và phương pháp điều trị — đang đẩy nhanh hành trình biến covid-19 trở thành bệnh đặc hữu. Câu hỏi bây giờ là Covid sẽ trở thành loài đặc hữu nhanh như thế nào và thế giới sẽ như ra sao khi điều này trở thành sự thật.
Hầu hết các chính phủ đều chấp nhận rằng không thể tiêu diệt được covid. Quốc gia lớn cuối cùng trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược “zero covid” là Trung Quốc. Tuy nhiên, Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học củaTổ chức Y tế Thế giới cho rằng rằng việc tuyệt trừ vi rút đã trở nên bất khả thi ngay sau khi bệnh xuất hiện, bởi vì có quá nhiều quốc gia đã thất bại trong việc chống lại virus.
Khả năng lây truyền cực kỳ cao của biến thể Delta đã khiến mục tiêu đó trở nên bất khả thi hơn. Nếu không tiệt trừ được vi rút, việc phong tỏa lặp đi lặp lại liên tục và cách ly nghiêm ngặt là giải pháp thay thế duy nhất. Tất cả các nước đều thấy những điều này không thể kéo dài được. Cuối cùng thì điều đó sẽ đúng với cả Trung Quốc. Thay vào đó, mọi quốc gia sẽ phải tìm ra cách sống chung với covid.
Tình trạng đặc hữu có nghĩa là vi rút lưu hành ở mức độ phổ biến ổn định. Số ca nhiễm đôi khi tăng hoặc giảm nhưng khả lây nhiễm nói chung là ổn định và có thể dự đoán được. Bệnh không làm xã hội trở nên hỗn loạn và cũng không biến mất di. Lây nhiễm đạt đến trạng thái cân bằng khi tỷ lệ dân số có thể nhiễm bệnh cân bằng với khả năng lây truyền. Tiêm phòng có thể đẩy điểm cân bằng đó xuống thấp hơn.
Con người đã làm y như vậy đối với bệnh bại liệt và bệnh sởi, hai căn bệnh quái ác đã từng phổ biến trên toàn thế giới trong thế kỷ 20 nhưng hiện đã bị loại trừ. Động lực lớn cho các chiến dịch tiêm chủng là cả hai vi rút này đều gây hại nặng nề và giết chết trẻ em có hệ miễn dịch còn non nớt. Covid khó có thể đi theo con đường tương tự, không chỉ vì có tương đối ít tác hại cho trẻ nhỏ, mà còn bởi vì những người được tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh và truyền bệnh, mặc dù thường nhẹ.
Khác với tính đặc hữu của bệnh cảm lạnh thông thường, có thể do bất kỳ vi rút nào trong số khoảng 200 loại vi rút gây ra. Hầu hết trẻ em bị cảm lạnh không bị nặng. Hầu hết người lớn, thậm chí cả những người lớn tuổi, mắc bệnh này đều có khả năng miễn dịch do một số lần từng bị cảm lạnh trước đó, và do đó có thể chống chọi lại bệnh. Và do đó, cảm lạnh kéo dài như một căn bệnh đặc hữu với mức độ lây nhiễm tương đối cao.
Bệnh cúm lại khác. Đây là một trong những căn bệnh đặc hữu nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của 290.000-650.000 người mỗi năm, đa số là người cao tuổi. Việc chủng ngừa được tiến hành hàng năm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Nhưng không có triển vọng xóa sổ bệnh cúm, một phần vì các chương trình tiêm chủng không triệt để, và một phần vì bản thân vi rút đột biến nhanh hơn so với tốc độ thay đổi các loại vắc xin.
Tác hại từ bệnh covid đặc hữu cuối cùng có thể nằm đâu đó trong khoảng giữa tác hại của bệnh cúm và các loại vi rút corona thông thường khác. Trevor Bedford, một nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, đã tính toán rằng Delta sinh sản nhanh gấp đôi so với H3N2, một trong những chủng cúm phổ biến nhất. Ông cũng lưu ý rằng, cho đến nay, virus sars-cov-2 cũng đã tiến hóa nhanh hơn khoảng 5 lần so với vi rút cúm (mặc dù tốc độ đó sẽ chậm lại khi bệnh trở nên phổ biến và do đó ít lây lan hơn). Tiến sĩ Bedford tin rằng tác động của sars-cov-2 sẽ tương tự như bệnh cúm trong vài năm tới. Lây nhiễm riêng lẻ sẽ không là mối đe dọa lớn, nhưng khả năng lây truyền cao hơn sẽ đồng nghĩa với nhiều ca nhiễm và ca tử vong hơn. Theo ước tính của ông, chỉ riêng nước Mỹ có thể có 50.000-100.000 ca tử vong mỗi năm vì covid. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, khoảng 12.000-52.000 người ở Mỹ tử vong mỗi năm vì bệnh cúm.
Những người khác nghĩ rằng, thay vào đó, covid sẽ trông giống những loại vi rút corona thông thường khác nhưng hầu như không gây rắc rối cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe hoặc xã hội. David Heymann, một nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, lưu ý rằng sự lây lan của sars-cov-2 gần với vi rút corona thông thường hơn so với sự lây lan của những virus cúm thường. Không giống như bệnh cúm, sự bùng phát của covid không liên quan đến trẻ em. Và trong khi vắc-xin cúm tốt nhất chỉ có khả năng ngăn ngừa khoảng 40-60% ca lây nhiễm nặng phải cần đi bác sĩ và điều chỉnh mỗi mùa theo các biến thể mới, thì các loại thuốc chủng ngừa covid lại tốt hơn nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong, và cho đến nay không yêu cầu cập nhật. Tất cả điều này có thể có nghĩa là sars-cov-2 đặc hữu sẽ giống các vi rút corona khác hơn là cúm. Có thể vẫn cần chủng ngừa định kỳ cho những người dễ bị tổn thương nhất nhưng Tiến sĩ Heymann cho rằng ngay cả trong những mùa đông có tình trạng nhiễm bệnh cao nhất, số ca tử vong có thể không cao bằng số ca do cúm (sử dụng vắc xin cúm hiện nay).
Bất kể căn bệnh đặc hữu này sẽ như thế nào, thế giới vẫn chưa ở vào tình trạng đó. Số người nhập viện và tử vong đang tăng vọt ở Đông Âu, nơi các chiến dịch tiêm chủng chưa được thực hiện tốt. Những cộng đồng lớn ở New Zealand và Úc, vốn có tỷ lệ lây nhiễm thấp do việc phong tỏa nghiêm ngặt và chậm triển khai tiêm chủng, vẫn còn khả năng miễn dịch yếu. Vô số người vẫn chưa bị nhiễm vi rút hoặc chưa được chủng ngừa. Khi vi rút lây lan đến các nơi không có khả năng miễn dịch, sẽ có nhiều ca bệnh nặng và tử vong.
Chưa hết vấn đề
Trong trung hạn, ngay cả những nơi được tiêm phòng cao cũng sẽ gặp phải các đợt bùng phát dịch. Anh, quốc gia đã từ bỏ các biện pháp phòng ngừa sớm hơn hầu hết các quốc gia châu Âu khác, cho thấy covid có thể tạo những gánh nặng đáng kể cho các bệnh viện ngay cả ở những nơi có mức độ tiêm chủng cao. Vào tháng 9, bệnh nhân covid chiếm 25-35% số giường chăm sóc đặc biệt. Họ ở đó từ hai đến ba tuần, chiếm gần hết chỗ của những bệnh nhân cần chăm sóc sau phẫu thuật thường chỉ cần nằm lại vài ngày. Khoảng bốn trong số mười người nhập viện vì covid ở Anh chưa được tiêm chủng. Nhưng sự phân chia giữa tình trạng đã tiêm chủng và chưa được tiêm chủng rõ ràng hơn liên quan đến tử vong. Covid hiện là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở những người Anh chưa được tiêm chủng. Trong nửa đầu năm 2021, tổng số ca tử vong ở những người được tiêm chủng đầy đủ ở Anh do covid chỉ chiếm 1%. Ở những người chưa được tiêm phòng, có 37% ca tử vong do covid.
Trên toàn cầu, những làn sóng lây nhiễm này sẽ bị ngăn chặn ở những nơi có khả năng miễn dịch tập thể cao và xảy ra ở những nơi có khả năng miễn dịch thấp. Theo thời gian, những đợt bùng phát này sẽ trở nên ngày càng hiếm hơn. Và thế giới sẽ dần dần đối diện với một căn bệnh đặc hữu. Tình trạng này cụ thể sẽ như thế nào và tốc độ các quốc gia đạt đến tình trạng đó sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: tỷ lệ dân số có khả năng miễn dịch với vi rút và chất lượng và độ bền của tình trạng miễn dịch; khả năng điều trị bệnh; và con quá trình biến đổi của vi rút.
Khả năng miễn dịch rất khó đo lường. Hệ thống miễn dịch rất phức tạp và ít được hiểu biết. Cả số lượng và chất lượng của các kháng thể đều quan trọng. Ali Ellebedy, nhà miễn dịch học tại Trường Y tại Đại học Washington ở Missouri, cho biết: “Cho đến sáu tháng sau khi tiêm chủng, hệ thống miễn dịch vẫn đang trong quá trình tối ưu hóa và hoàn thiện phản ứng của nó. Các kháng thể được tạo ra trong hai hoặc ba tháng đầu đang được thay thế từ từ bằng các kháng thể tốt hơn nhiều về khả năng liên kết với gai của vi rút. Khó nhìn thấy tường tận được tiến trình này. Về mặt số lượng, có ít kháng thể hơn nhưng về chất lượng thì mọi thứ đang được cải thiện”.
Số lượng kháng thể cũng không phải là dấu hiệu chính xác cho khả năng bảo vệ. “Có những người mắc bệnh covid có lượng kháng thể rất cao. Sarah Walker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, cho biết: “Không có một ngưỡng cụ thể nào để bạn có thể nói ‘Với số lượng kháng thể cao như thế này, bạn được bảo vệ’”. Nhưng ở cấp độ cộng đồng, số lượng kháng thể cao có nghĩa là sẽ có ít số ca nhiễm trùng hơn.
Khi vi rút lây lan qua các quần thể, hệ thống miễn dịch của những người sống sót đã tự đào tạo về hình dạng của con vi rút này, chuẩn bị các kháng thể để chống lại sự lây nhiễm trong tương lai. Khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của các vắc xin sẽ giảm dần trong những tháng sau khi tiêm chủng, nhưng việc đào tạo hệ thống miễn dịch để ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo và cái chết của chúng vẫn còn hiệu quả mạnh mẽ.
Vắc-xin đã cung cấp cho khoảng một phần ba nhân loại một con đường tắt dẫn đến tình trạng đặc hữu, bỏ qua các đoạn của con đường mà lẽ ra nguy hiểm hơn nhiều. Khoảng 3,8 tỷ người đã tiêm ít nhất một mũi và 2,8 tỷ người được chủng ngừa đầy đủ. Thêm số người đã sống sót sau khi bị nhiễm bệnh thì lẽ hơn một nửa dân số thế giới có những mức độ miễn dịch nhất định với covid.
Thuốc chủng ngừa làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Vắc xin đã cứu sống hàng trăm nghìn người và cho phép nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe tiếp tục hoạt động. Covid là đại dịch đầu tiên mà cuộc đấu tranh giữa sự lây lan của vi rút, sự tiến hóa của nó với sự phát triển khả năng miễn dịch đã được rút ngắn rất nhanh và trên quy mô lớn như vậy.
Nhưng phần lớn những người đã có được khả năng miễn dịch theo cách ít rủi ro hơn này sống ở các nước giàu có hơn. Ở những quốc gia nghèo, đa số đã và sẽ tiếp tục đạt được tình trạng miễn dịch do lây nhiễm. Tỷ lệ tiêm chủng, tăng vọt trong nửa đầu năm đạt khoảng 43 triệu mũi mỗi ngày vào cuối tháng 6, đã giảm xuống còn 30 triệu mỗi ngày vào cuối tháng 9, mặc dù phần lớn sự sụt giảm này là do việc tiêm chủng chậm lại tại Trung Quốc. Điều đáng chú ý là con người đã có thể chủng ngừa nhanh hơn khả năng lây lan của vi-rút giữa người với người, nhưng điều này hiện nay có vẻ như là một hiện tượng ở những nơi giàu có.
Hiện tại, mức độ miễn dịch chung của thế giới đối với bệnh covid không bằng với các bệnh đường hô hấp đặc hữu khác. Đó là bởi vì tất cả con người đều tiếp xúc với các bệnh đặc hữu cũ nhiều lần trước đây, đặc biệt là khi còn nhỏ. Mỗi lần tiếp xúc đều mang đến một cơ hội mới để đào tạo hệ thống miễn dịch. Tiến sĩ Ellebedy cho biết nhân loại sẽ mất hàng thập niên để đạt được mức độ miễn dịch tương đương với covid. Do đó, những năm tới sẽ có một quá trình suy giảm theo chu kỳ chậm, diễn ra song song với việc mở rộng và tăng cường khả năng miễn dịch do nhiễm bệnh.
Theo mùa
Cuối cùng, một khi tình trạng có khả năng miễn dịch đủ phổ biến, các trường hợp mắc bệnh covid sẽ rơi vào mô hình theo mùa tương tự như các bệnh đường hô hấp đặc hữu khác đã tồn tại từ lâu. Rachel Baker thuộc Đại học Princeton, người nghiên cứu phản ứng của vi rút với các điều kiện môi trường, hy vọng rằng trong vòng 5 hoặc 6 năm nữa, bệnh do covid sẽ là bệnh theo mùa giống như các loại vi rút corona đặc hữu khác, thay vì như tình trạng xảy ra từ đầu đại dịch đến giờ vì con người nói chung thiếu khả năng miễn dịch đối với covid-19.
Thực tế là bệnh covid gần như chắc chắn sẽ trở thành một căn bệnh mà nhân loại có thể sống chung không chỉ nhờ vào vắc-xin mà còn nhờ các phương pháp điều trị tiến bộ nhanh chóng. Remdesivir, một loại thuốc kháng vi-rút, có thể làm giảm tỷ lệ nhập viện tới 87% ở những bệnh nhân có nguy cơ cao nếu nó được tiêm trong giai đoạn đầu nhiễm covid. Nhưng thuốc phải được vào tiêm tĩnh mạch trong bệnh viện. Các liệu pháp kháng thể, một loại thuốc khác, có hiệu quả cao cũng thường phải theo cách tương tự.
Thuốc kháng thể của AstraZeneca, AZD7442, đang được xem xét ở Mỹ, giải quyết được một số vấn đề này vì có thể được tiêm ở phòng mạch bác sĩ. Thuốc có thể sẽ đắt tiền nên sẽ không được sử dụng rộng rãi. Nhưng thuốc cung cấp kháng thể chống covid nhanh, do đó sẽ cung cấp thêm sự bảo vệ cho những người có nguy cơ ngay cả sau khi tiêm chủng, chẳng hạn như người bị suy giảm miễn dịch. Một lượng kháng thể cũng sẽ hữu ích như biện pháp dự phòng cho cả những người có nguy cơ cao bị nhiễm vi rút (chẳng hạn như nhân viên y tế) và những người có khả năng bị bệnh nặng (những người mắc các bệnh nền như ung thư hoặc tiểu đường hoặc những người già ở các nhà dưỡng lão).
Thuốc kháng vi rút dạng uống rẻ hơn sẽ giảm hơn nữa gánh nặng do covid gây ra cho con người và các bệnh viện điều trị, cũng sắp được lưu hành. Có triển vọng nhất là molnupiravir, do hai hãng dược Merck và Ridgeback chế tạo. Khi uống trong vòng năm ngày kể từ khi các triệu chứng khởi phát, thuốc làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân bị nhiễm covid ở mức nhẹ hoặc trung bình.
Merck dự kiến sẽ cung cấp 10 triệu liều thuốc này vào cuối năm 2021. Giá cả sẽ tùy theo mức độ giàu nghèo của các quốc gia và vì vậy sẽ có giá cả phải chăng trên khắp hành tinh. Kết quả từ các cuộc thử nghiệm các loại thuốc tương tự của Pfizer, Roche và Atea Pharmaceuticals có thể bổ sung vào kho vũ khí chống vi-rút.
Thuốc kháng vi-rút như molnupiravir không chữa khỏi bệnh covid-19. Nhưng làm cho bệnh ít nguy hiểm hơn nhiều. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là vi rút sẽ tiến hóa để kháng lại một liệu pháp kháng vi rút duy nhất. Peter Horby, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới xảy ra tại Đại học Oxford, cho rằng cần phải cân nhắc sử dụng kết hợp các loại thuốc kháng vi-rút ngay từ đầu. Thuốc kháng vi-rút HIV cho thấy tình trạng kháng thuốc đối với các liệu pháp đơn lẻ phát sinh nhanh chóng.
Những loại thuốc này sẽ giúp chúng ta dễ sống với covid hơn nhưng chính phủ và các cơ quan y tế công cộng sẽ vẫn cần đảm bảo rằng bất kỳ đợt bùng phát nào không áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mỗi mùa đông, bệnh cúm sẽ tăng thêm thách thức. Có thể nên tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm sự lây truyền của căn bệnh này. ở các nước giàu có, rất ít trường hợp phải đến phòng mạch vì bệnh đường hô hấp, đặc biệt là vào mùa đông. Việc chủng ngừa bổ sung và tiêm phòng cúm hàng năm sẽ giúp những người dễ bị tổn thương tránh phải nhập viện.
Trên tất cả, điều này tùy thuộc vào sự tiến hóa liên tục không thể tránh khỏi và độc lực của vi rút corona. Bất kỳ biến thể mới nào xuất hiện dựa trên Delta đều có khả năng làm như vậy, hầu như đã thay thế tất cả các phiên bản còn lại. Nếu một biến thể mới xuất hiện vượt trội hơn Delta, cuối cùng sẽ lan rộng khắp nơi. Biến thể Beta, hiện đang đi dần tới tình trạng tuyệt chủng, có khả năng đánh bại hệ thống miễn dịch tốt hơn Delta, nhưng lại kém hơn trong việc lây lan, và do đó đã mất dần.
Một biến thể mới kết hợp các điểm mạnh của chúng sẽ là một thảm họa. “Delta Plus”, một biến thể phụ cho đến nay vẫn chưa phát triển rộng rãi, đã có các đột biến thuộc loại đặc trưng cho Beta, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó đang dẫn đến sự lây lan rộng hơn hoặc vắc xin trở nên kém hiệu quả. Nhưng khả năng xuất hiện một biến thể Delta với các đặc điểm Beta, cũng như nhu cầu không để mọi người phải nhập viện, sẽ luôn là một lý do để hạn chế sự lây lan covid. Daniel Altmann, nhà miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Chúng ta không được trang bị đầy đủ kiến thức để dự đoán diễn tiến của đại dịch này, vì điều cốt lõi là chúng ta không thể đoán trước được sự tiến hóa của vi rút corona.
Cho dù sars-cov-2 có xuất hiện những đột biến nào trong tương lai, căn bệnh đặc hữu này sẽ không tồn tại trong môi trường chân không. Các chủng virus cạnh tranh với nhau. Một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Công cộng Anh quốc thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập được từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020 cho thấy những người đã nhiễm cúm ít có khả năng có kết quả dương tính với covid sau đó – có thể là do hai loại virus này đang tranh giành chỗ trong cơ thể người. Tuy nhiên, một số người dễ bị tổn thương có thể bị nhiễm cả hai bệnh cùng một lúc. Đối với họ, nguy cơ tử vong gần như gấp đôi so với chỉ nhiễm sars-cov-2.
Ngay cả khi tình trạng đặc hữu bắt đầu xuất hiện vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Đó là do thế giới không sử dụng tất cả các công cụ — chủng ngừa cho tất cả những người dễ bị tổn thương, khẩu trang và hệ thống thông gió — để đến đó nhanh nhất và an toàn nhất có thể. Covid cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu nhưng sẽ đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới. Con đường đến tình trạng bình thường mới có thể rất gập ghềnh.
Nguồn: The Economist