Thảo Vy
(VNTB) – Bộ Công thương cho rằng “giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép”. Bộ Công thương còn đưa ra dự báo VN sẽ thiếu hụt 20 triệu tấn thép vào năm 2020, thiếu tiếp 25 triệu tấn thép thô vào năm 2025, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Ông Trần Tuấn Anh đã quên… Donald Trump?
Thế giới… cũng đâu có ngại!
Sáng 15-11, khi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định trên diễn đàn Quốc hội không có lợi ích nhóm trong phê duyệt dự án thép Cà Ná, trang web Bộ Công thương đưa hàng loạt thông tin theo hướng nên ủng hộ các dự án thép lớn.
Bộ Công thương cho rằng “giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép”. Bộ Công thương còn đưa ra dự báo VN sẽ thiếu hụt 20 triệu tấn thép vào năm 2020, thiếu tiếp 25 triệu tấn thép thô vào năm 2025, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Bộ Công thương nêu đã có ba dự án Khu luyện thép liên hợp được cấp Giấy chứng nhận nhận đầu tư nhưng chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, hai dự án còn lại đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đó là dự án Khu liên hợp Cà Ná, (được liên doanh giữa tập đoàn Lion và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam), dự án Nhà máy thép GuangLian Dung Quất (100% vốn Đài Loan).
Bộ Công thương cho rằng với mức tiêu thụ thép trên 20 triệu tấn/năm, VN là một thị trường tiêu thụ thép lớn trong khu vực Đông Nam Á. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong thị trường nội địa với hệ thống đại lý sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam là một lợi thế lớn.
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, nhiều cử tri bày tỏ sự lo ngại đối với các dự án sản xuất thép, nhất là các dự án thép liên hợp có các lò luyện cốc. Tuy nhiên, Bộ Công thương nêu “với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường nếu… tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành”.
Bộ này còn cho hay, trên thế giới hiện có hàng trăm tổ hợp thép lớn đang hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường.
Đồng thời, bộ này cũng cho rằng, nếu không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các lợi thế khác nhưng công nghiệp quốc phòng và đóng tàu… lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn.
Ông Trần Tuấn Anh đã quên… Donald Trump
Cách tính toán quy hoạch của ông bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem ra chỉ phù hợp khi tổng thống đời thứ 45 của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ không phải là Donald Trump.
Một trong những điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump khi mà ông nêu lên các quan điểm chống thương mại hóa toàn cầu, phản đối các Hiệp định thương mại tự do và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại ở mức cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ các nước khác, đặc biệt từ những nước mà ông cho rằng có sự thao túng tiền tệ.
Cụ thể hơn, đối với các hiệp định thương mại tự do, ông đề xuất đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), rút khỏi TPP và các hiệp định khác đang chờ đàm phán. Tác động rõ nhất đối với Việt Nam là việc TPP sẽ còn khá ít cơ hội được thực thi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này có thể gây suy giảm động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và những mặt tác động tích cực mà chúng ta đã kỳ vọng trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, logistics… sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy này. Hơn thế nữa, khả năng thu hút các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu Hiệp định TPP có thể chững lại hoặc thậm chí là bị thu hẹp khi mà cơ hội để TPP được thực thi không còn.
Đối với vấn đề bảo hộ thương mại, ông Trump từng đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc có thể lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35% và mức thuế 15%-45% đối với hàng hóa đến từ các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Các nước có tiềm năng bị áp mức thuế cao có cả liên minh Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, cùng với Trung Quốc và Mexico đã bao gồm 5 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Điều đáng lo ngại là nếu các mức thuế này được áp dụng, hành động trả đũa từ những nước trên có thể xảy ra với việc áp dụng các mức thuế cao tương đương với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Dù hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc, nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại (trong đó có Việt Nam).
9 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị truờng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28,3 tỷ USD, trong dó các ngành có xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và sản phẩm điện tử, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc và thủy sản với giá trị lần luợt là 8,6 tỷ USD; 3,3 tỷ USD; 3,1 tỷ USD; 2,1 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; 1,5 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.
Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng (gần nhất năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ). Quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thép Trung Quốc sang Mỹ từ cửa ngõ Việt Nam
Theo một phân tích của Công ty cổ phần Chứng Khoán Bảo Việt, thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu quá lớn giữa các quốc gia vào Mỹ sẽ khiến hoạt động mua bán ăn chênh lệch giá “arbitrage” diễn ra mạnh mẽ. Hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao, như Trung Quốc, tìm cách nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ qua nước thứ 3, như Việt Nam.
Vấn đề trên thực tế đã và đang xảy ra, với việc Mỹ hôm 7/11 chính thức mở điều tra cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế. Và để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh việc kiểm duyệt gắt gao, Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ phải tăng thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Như vậy có thể nhìn thấy viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, khiến lưu chuyển hàng hóa toàn cầu gặp trở ngại, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu, viễn cảnh khủng hoảng kinh tế là rủi ro có thể xảy ra.
Ngoài ra, khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế. Và không loại trừ khả năng một phần sẽ chuyển sang Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước (câu chuyện của một số mặt hàng thép là ví dụ điển hình), hoặc gia tăng sức ép cạnh tranh ở các thị trường thứ 3 với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.