Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiên hạ luận: đa chiều về… ‘nội chiến’

Phú Nhuận (ghi)

(VNTB) – Ca khúc “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn là tác phẩm chưa được cấp phép biểu diễn ở Việt Nam.

Ca sĩ Khánh Ly đã hát “Gia tài của mẹ” tại Đà Lạt, và ban tổ chức chương trình nhạc này đã bị nhà chức trách cùng cơ quan an ninh văn hóa ‘mời làm việc’.

Cộng đồng mạng cho rằng phần lời của “Gia tài của mẹ” chính là lý do khiến bài hát này được đánh giá “nhạy cảm chính trị”.

Một người chơi nhạc xuất thân là luật sư, nhận xét: Từ ngày 01-02-2021, các ca khúc ở miền Nam sáng tác thì không phải xin phép, cấp phép biểu diễn nữa, mà chỉ cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản. Nghị định 144/2020 quy định là vậy.

Nhưng “Gia tài của mẹ” với câu từ “…hai mươi năm nội chiến từng ngày…” có thể bị xem là xuyên tạc lịch sử, hoặc ban tổ chức buổi diễn đã tự ý thay đổi nội dung thông báo về danh mục ca khúc biểu diễn, nên theo Nghị định này, người chịu trách nhiệm tổ chức biểu diễn có thể bị phạt hành chính. Không phải ca sĩ Khánh Ly là chủ thể bị phạt. Nhưng nếu có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thể cơ quan ra quyết định xử phạt ấy bị kiện ra tòa Hành chính bởi đơn vị bị phạt.

Rối rắm luật là vậy, song càng rối rắm hơn nữa khi nhìn bằng “con mắt chính trị”.

Phía “bên kia bờ Hiền Lương”, nghĩ vầy: Nội chiến – một cụm từ đánh tráo khái niệm mà Mỹ và đám phản động hải ngoại vẫn hay sử dụng để làm “tầm thường hóa” cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để che mờ đi hành động xâm lược của Mỹ và các nước đồng minh ở Việt Nam trong suốt hơn 20 năm…

Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà về, gác lại quá khứ, chấp nhận cho bà về kiếm tiền thì hãy trân trọng chứ đừng có bám “ngựa quen đường cũ” và cố tuyên truyền chính trị cho người dân. Để có ngày hôm nay, biết bao liệt sĩ đã phải nằm xuống và hòa xương máu mình vào đất. Hãy biết trân trọng lịch sử của dân tộc, đừng đi ngược lại với lợi ích của đất nước.

Phía “bờ Nam Bến Hải” thì hiểu nhẹ nhàng hơn: Quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh có mặt ở miền Nam Việt Nam không phải là “xâm lược Việt Nam” như tuyên truyền của quân đội Bắc Việt, mà là giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, giúp người dân miền Nam giữ đất nước của họ, chống lại quân xâm lược là cộng sản Bắc Việt có tiếp sức của Nga Xô, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện chủ thuyềt bành trướng chủ nghĩa cộng sản.

“Nội chiến” là cách nhìn của ông nhạc sĩ này khi cho rằng “anh em một nhà đánh nhau”, song ông ta lại không nói tại sao đánh, ai đúng ai sai. Và trên thực tế thì ở miền Nam trước tháng 4-1975, không thấy báo chí hay bài hát nào khác nữa gọi là “nội chiến”, người miền Nam cũng không thấy dùng từ này để nói về cuộc chiến tranh xâm lược của “Cộng quân”.

Gác qua cảm xúc chính trị, góc nhìn lịch sử thì nếu truy xuất thời điểm sáng tác bài “Gia tài của mẹ” là vào năm 1965. Như vậy 20 năm nội chiến từng ngày mà nhạc sĩ đề cập, có thể là 20 năm từ 1945 đến 1965, bao gồm cả giai đoạn 1945 – 1954 với chuyện di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam.

Giai đoạn 1945 – 1954, đa số coi đây là giai đoạn chống sự đô hộ của thực dân Pháp ở cả chính quyền ông Hồ Chí Minh cho đến hoàng đế/ quốc trưởng Bảo Đại và Ngô Đình Diệm.

“Nhìn vào danh sách bài hát mà bà Khánh Ly đã hát tại Đà Lạt, tôi nghĩ rằng “Gia tài của mẹ” có thể chỉ là lỗi hành chánh của việc bài hát ngoài danh sách đăng ký. Bởi nếu đặt nặng ý thức hệ chính trị thì “Kinh khổ” của Trầm Tử Thiêng đáng ngại hơn, mà chính quyền Đà Lạt còn duyệt” – một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, nhận xét như vậy.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được!?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Mãi võ sơn đông” trên mạng xã hội

Do Van Tien

VNTB – Hồ sơ: Bứt dây liệu có động rừng? (Bài 1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.