Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cứu được trên 800 thuyền nhân Việt Nam

 

Thới Bình

 

(VNTB) – “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cứu được trên 800 thuyền nhân sau khi ông thuê hai con tàu lớn”.

 

Đài France 24 nhắc lại rằng chính vì phản chiến mà thiền sư Thích Nhất Hạnh phải sống lưu vong ở Pháp gần 40 năm. Đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông đã giúp đỡ những đồng bào ông vượt biển tìm đường tị nạn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cứu được trên 800 thuyền nhân sau khi ông thuê hai con tàu lớn. Hành động đó nằm trong khái niệm ‘Phật giáo dấn thân’ mà ông sáng tạo ra, bởi vì ông tin rằng ‘ngồi trên bồ đoàn để thiền định không là không đủ’, và khái niệm này ‘đã trở thành hòn đá tảng của nhiều trường phái Phật giáo hiện đại’.

Trong tập sách có tên “Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi”, chương 17 “Thuyền nhân”, tác giả Thích Nữ Chân Không đã kể lại sự kiện về 800 thuyền nhân mà đài France 24 đã nhắc đến, như sau (trích):

Tháng 12 năm 1976, khi đang dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới về Hòa Bình (World Conference on Religion and Peace – WCRP) ở Singapore với 300 nhà lãnh đạo tôn giáo, Thầy được một số phụ nữ Việt Nam đến xin gặp và báo tin hiện đang có hàng ngàn và có thể hàng chục ngàn người Việt bị nhốt ở những trại tị nạn ở Thái Lan và Mã Lai, không hy vọng gì được chấp nhận đi định cư ở bất cứ nước nào.

Ở Singapore thì có rất ít người tị nạn vì chính sách của chính phủ này là đẩy tất cả thuyền nhân ra biển trở lại, không cho tị nạn dù là ở tạm, dù là thuyền hư, kể cả nếu thuyền nhân có chết họ cũng không cần biết. Nếu một thuyền đánh cá nào lỡ vớt một thuyền nhân thì người chủ tàu phải đóng thế chân 10.000 dollars Singapore hay 4.000 mỹ kim cho mỗi thuyền nhân mà họ vớt, và chỉ được hoàn lại tiền khi nào người thuyền nhân đó bị đẩy ra biển lại.

Các chị mời Thầy chịu khó đi thăm 9 thuyền nhân vừa được tàu đánh cá Singapore vớt và sắp bị đẩy ra biển. Các chị người Việt lấy chồng Mỹ định cư tại Singapore thường tìm cách cứu người tị nạn bằng cách cho mỗi người đánh cá 100 đô khi họ báo tin vớt được một thuyền.

Họ lặng lẽ báo tin cho các chị, chờ đến giữa khuya các chị đem những thuyền nhân vừa được vớt, âm thầm giúp họ lọt vào bên trong khuôn viên Sứ Quán Pháp, dĩ nhiên là có một nhân viên trong sứ quán lặng lẽ đồng lõa. Ngày hôm sau Đại Sứ nước này có bổn phận báo cho chính quyền Singapore rằng họ đang có năm người hay bảy người đang xin tị nạn ở lãnh thổ Pháp và như thế Pháp chịu trách nhiệm cho việc định cư của những người này vào nước Pháp.

Cảnh sát Singapore sẽ đến bắt và nhốt những người này cho tới khi họ có giấy tờ đi Pháp. Tuy bị bỏ tù trong khi chờ đợi nhưng như thế là số mạng họ an toàn. Trong khi đó còn rất đông thuyền nhân, không được ai giúp lọt được vào Sứ Quán nào nên cũng bị Cảnh Sát Singapore bắt giữ nhưng không biết số mạng họ ra sao. Có thể bị thủ tiêu hay thảy ra biển.

Các chị đã chở Thầy tới thăm chín người thuyền nhân vừa được vớt mà không biết số phận sẽ ra sao vì chưa đem được tới Sứ Quán nào. Thầy quá cảm động, tối hôm đó đã viết một bài thơ ngắn tả về số phận của 9 người này và đi gặp ngay giáo sư Yoshiaki Iisaka, người chịu trách nhiệm chương trình hội nghị ngày thứ ba của Đại Hội.

Thầy Nhất Hạnh báo cho ông biết tin về thảm trạng của thuyền nhân và xin giáo sư thêm vào chương trình ngày thứ ba của hội nghị Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới Á Châu một mục mới là chương trình Cứu Thuyền Nhân (Rescue Boat People) do thiền sư Nhất Hạnh, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới đưa ra.

Giáo sư đồng ý, nên bài thơ mới có tựa đề là: Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Iisaka. Bài thơ đã thức tỉnh cả hội nghị 300 người lãnh đạo tôn giáo và các ký giả có mặt hôm ấy khiến cho Thông Tấn Pháp (Agence France Presse) và thông tấn UPI (United Press International) đã gửi điện thư đăng trọn vẹn bài thơ của Thầy.

Bạn sẽ thức suốt đêm nay, bạn tôi ơi. Điều này tôi biết rõ, vì giờ này bao nhiêu thuyền nhân không làm sao đi ngủ được giữa nước trời mênh mông

Tôi nghe tiếng kêu thương của họ qua tiếng gió hú từng cơn, quanh tôi tất cả đều dày đặc một màu đen

Mới hôm qua đây, họ đành phải đặt xác chết con thơ và người thương vào lòng biển cả

Nước mắt của họ thêm một lần, làm đầy thêm đại dương đau thương

Thuyền các em tôi đang trôi lạc về đâu trong giây phút này đây?

Bạn không ngủ được đêm nay

Bởi vì có biết bao nhiêu thuyền nhân trong giờ phút này đây, đang lạc loài trên biển rộng, cô đơn đang tự hỏi không biết rằng loài người còn có mặt hay không? Bởi vì niềm cô đơn của họ quả thật mênh mông

Bóng tối và đại dương thành một

và đại dương, một sa mạc mênh mông

Bạn sẽ thức suốt đêm nay Yoshiaki Iisaka, vì loài người trong toàn cầu đang nương vào khả năng thức tỉnh của bạn.

Nhờ thế, ngày hôm sau những tờ nhật báo lớn của Tân Gia Ba và của nhiều nước cũng đăng nguyên bài thơ trên. Tuy nhiên báo nào cũng nghĩ tác giả là giáo sư Yoshiaki Iisaka! Vì bài thơ được đề “Anh sẽ không ngủ được đêm nay Yoshiaki Iisaka”.

To Yoshiaki Isaka

You stay up late tonight my brother– this I know

because these boat people on the high sea,

never dare to go to sleep

I hear the cry of the wind

around me

total darkness

Yesterday they threw the dead bodies

of their babies and children in the water.

Their tears once again fill up the ocean of suffering.

In what direction are their boats drifting at this moment?

You stay up very late tonight, brother

because these boat people on the high seas

are not certain at all that Mankind exists

because their loniness

is just immense

The darkness has become one with the ocean

and the ocean, an immense desert

You stay up all night, brother,

and the whole universe

clings to your being awake.

Sáng hôm đó, trong Đại Hội, sau khi nghe thầy Nhất Hạnh trình bày thảm kịch của chín thuyền nhân ngồi trên một chiếc thuyền bé, máy đã hỏng, sắp chết chìm mà vẫn không có quyền cập bến bất cứ nước nào, chưa biết phải trôi dạt về đâu và kết thúc bằng bài thơ xé lòng, cả hội trường như rúng động trước những tin tức rất khó tin về cách hành xử không có tình người của các nước Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông đối với thuyền nhân.

Hiện tại đang có một chiếc tàu Nhật tên Yokohama chở hàng hóa đi lại từ Yokohama đến Singapore. Lần hành trình này, trên đường đến Singapore giao hàng, chiếc Yokohama lỡ vớt 92 thuyền nhân nên vừa tới bến Singapore, chủ thuyền phải đóng 920.000 dollars thế chân mới được cập bến để giao hàng.

Giao hàng xong, chính quyền Singapore đếm còn đủ 92 thuyền nhân thì họ mới chịu trả tiền lại cho chủ tàu. Cuối cùng Đại Hội đã đề nghị mời thiền sư Nhất Hạnh đại diện cho toàn đại hội đứng ra tổ chức một chương trình cứu vớt thuyền nhân đang chơi vơi trên biển.

Nhóm WCRP chi nhánh Nhật long trọng tuyên bố sẽ ủng hộ Chương trình 60.000 mỹ kim. Thầy nói “Tôi chỉ có thể nhận thực hiện chương trình này với tư cách Giám đốc điều hành, xin nhờ giáo sư Yoshiaki Iisaka làm Giám đốc quản trị, ông Willie Tay San và Mahaver Singh làm thủ quỹ.

Xin Đại hội đồng ý cử cho tôi một phó giám đốc điều hành Chương trình là giáo sư Cao Ngọc Phượng vốn là một phụ tá giỏi ở Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ngày xưa”.

Đại hội chấp thuận và đề nghị Chương trình đánh điện, gửi vé máy bay sang Pháp ngay để tôi có thể bay qua Singapore bốn ngày sau. Thầy cũng trình bày là theo Thầy vừa được báo cáo thì hiện tại có hơn bốn mươi ngàn người tị nạn ở Mã Lai, hơn sáu mươi ngàn ở Thái Lan, hai mươi ngàn ở Hồng Kông, hơn hai mươi ngàn thuyền nhân ở Phi Luật Tân và Indonesia mà Hoa Kỳ chỉ còn nhận 1.000 thuyền nhân mỗi năm.

Nghĩa là có tất cả khoảng 150.000 thuyền nhân trong sáu nước, mà mỗi nước mỗi tháng chỉ có thể nhận 12 visa trong số mấy chục ngàn thuyền nhân đang cho tạm trú. Trong khi đó số thuyền nhân cập bến các nước tiếp tục tăng mỗi ngày. Có lẽ vì lý do ấy mà các nước Phi, Mã, Thái, Sing, Indo và Hương Cảng từ chối nhận thêm thuyền nhân, không phải họ xấu nhưng vì sức mỗi nước có giới hạn.

Ngày hôm sau, WCRP tổ chức một cuộc họp mặt mời ông Giám đốc Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR), Đại sứ sáu nước láng giềng trên, Bộ Nội vụ Singapore và nhiều đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ và các nước Bắc Âu. Mục đích là yêu cầu các vị đại sứ các nước vui lòng trình lên chính quyền nước họ về thảm trạng này và xin mỗi nước ra tay tế độ.

Ông đại sứ Hoa Kỳ cho biết vì năm 1975 Hoa Kỳ đã cho vào Mỹ hơn 150.000 người tị nạn rồi nên không thể cho thêm, Hoa Kỳ còn phải lo chỗ ăn ở cho 150.000 người đó nên chỉ có thể cho tối đa 1.000 người mỗi năm kể từ 1976.

Thầy hỏi ý các đại diện tôn giáo có mặt hôm đó là nếu các nước vẫn chưa có chính sách gì rõ rệt thì có lẽ Chương trình sẽ phải mướn hay mua một chiếc tàu, chở vài trăm thuyền nhân đi thẳng sang tận đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ gần Việt Nam nhất, đồng thời cũng mướn một tàu khác vớt thuyền nhân và chở đi Perth ở Úc Châu để kêu gọi sự chú tâm của hai chính quyền này và mời báo chí tới viết bài tường thuật để gây áp lực cho chính sách giúp thuyền nhân được mở ra.

Ông Samtap Kumar, Giám đốc UNHCR (Cao ủy về Người Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc), thay vì mừng có thêm đồng minh là chương trình Cứu Thuyền Nhân của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới, đã mỉm cười không tin tưởng nói: “Quý vị có biết tiền mướn một chiếc tàu chở khách khoảng hơn vài trăm người là mười ngàn Mỹ kim mỗi ngày, đó là chưa kể tiền lương cả ê kíp lái tàu và tiền dầu không?”.

Phái đoàn Nhật bèn nói: “Chúng tôi bảo đảm sẽ lạc quyên đủ và gửi ngay 60.000 Mỹ kim, đủ tiền thuê vài ngày một chiếc tàu như thế, rồi Hội Đồng Tôn Giáo các nước khác lại tiếp trợ tài chính thêm vài ngày và vài ngày nữa… đủ để đánh động lương tâm thế giới?”.

Ông Samtap Kumar mỉm cười khinh khi, nghĩ là các ông thầy tu này không làm được đâu. Vấn đề thuyền nhân khó vô cùng, không phải chỉ có 80.000 hay 100.000 mỹ kim là đủ. Có lẽ UNHCR cũng đã năn nỉ các nước cho visa nhưng không được nên nghĩ là WCRP càng không thể làm gì hơn.

Lúc này là tháng 11 năm 1976, vậy mà nước Úc và các nước Âu Châu, chưa nước nào có chính sách tiếp nhận thuyền nhân hết.

Thầy chúng tôi nói: Trên chiều hướng đó, nhân danh Chương trình Cứu Thuyền Nhân của Hội Đồng Các Tôn Giáo Thế Giới, chúng tôi hôm nay xin long trọng thỉnh cầu chính quyền Hoa Kỳ tăng quota (chỉ tiêu) nhận thêm thuyền nhân gấp, và cũng kêu gọi chính quyền Úc nên mở rộng từ tâm chấp nhận ngay thuyền nhân vì nước này dân ít đất rộng.

Thầy nói “tôi biết rất đông công dân Hoa Kỳ đã từng giang tay ra nâng đỡ bao nhiêu người đi tìm tự do, thì không có lý do gì chính phủ Hoa Kỳ không nhận thêm thuyền nhân Việt Nam. Tôi cũng biết nhiều tấm lòng nhân hậu trong nhiều nước Âu Châu, Á Châu, Úc Châu nếu biết có những người đã trốn gông cùm một nước độc tài, đã vượt đại dương mênh mông, đã lãnh chịu đủ gian truân về đói khát, giông tố, hải tặc để đi tìm tự do thì thế nào họ cũng yêu cầu chính phủ nước họ mở ra một chính sách nhận thuyền nhân vào nước họ.

Trong khi chờ đợi thì chúng ta, người có tôn giáo, đại diện cho lương tâm nhân loại nên thức tỉnh mọi người dậy bằng cách mướn một chiếc tàu lớn, vớt và chở chừng 200 thuyền nhân, không chờ visa, cứ đi thẳng luôn sang đảo Guam thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ và một chiếc khác đi Úc Châu để quần chúng Hoa Kỳ và quần chúng Úc có dịp thúc đẩy chính quyền họ tăng quota nhận người vào hai nước này. Mọi người im lặng, không chắc WCRP làm được gì nhưng để chờ xem.

Thầy trò chúng tôi vào việc

Vừa bay tới Singapore ngày 3 tháng 12 năm 1976, tôi điện thoại ngay cho các Hội Đoàn đã từng giúp Việt Nam như Hội Comittee for Helping Children in Vietnam của Kirsten Roep, Comité pour les enfants du Vietnam của Pierre Marchand, Third Way in Vietnam…

Các em nghe tiếng gọi của tôi liền gửi ngay không do dự, hội này bảy chục ngàn, hội kia năm chục ngàn Mỹ kim cho Willie Tay Kim San thủ quỹ chương trình. Tôi cũng mời tại địa phương Singapore cô Nancy Chng, bác sĩ Choy Leng, Bob Allan, chị Diễm Trang và chồng là anh Luke Fogarty, anh Vương Hồ (người Campuchia) giúp.

Tôi điện thoại mời Mobi Warren sang Singapore và Kirsten Roep nữa. Tôi có mang theo một ít tiền. Chúng tôi nhờ anh Luke Fogarty giúp tìm ngay vài chiếc tàu nhỏ để đi vớt thuyền nhân. Anh Luke là chồng chị Diễm Trang, một trong những phụ nữ lưu trú tại Singapore đã cầu cứu Thầy giúp thuyền nhân khi Thầy mới đến.

Anh Luke là chủ một công ty chuyên mua tàu chở dầu cũ sửa lại và bán. Anh báo tin Chương trình có thể mướn tạm chiếc Roland từng chở hàng hóa ngày xưa và chiếc tàu chở dầu Leapdal. Cả hai đều là tàu chưa từng chở hành khách nên chẳng có giường và nhiều toilets như tàu chở khách.

Luke cũng đề nghị mướn thêm chiếc Saigon 200, tàu nhỏ, chạy nhanh có thể tìm vớt thuyền nhân để đem tới cho một trong hai chiếc lớn là tàu Roland hay Leapdal. Thầy đồng ý và nói cứ dùng tạm để cứu gấp thuyền nhân, rồi khi tìm ra tàu tốt sẽ chuyển qua.

Trước nhất đã có một số thuyền nhân mà Singapore vừa đẩy ra. Tàu Roland vớt ngay 9 người ấy và vì thế phải cắm neo ngoài khơi vì Singapore không cho nhập bến khi trên tàu có thuyền nhân. Tàu Leapdal vừa mướn được thì Mobi cũng vừa bay tới. Chúng tôi cho Mobi lên đường hướng về phía Thái Lan với thuyền trưởng là Vương Hồ người Campuchia.

Ngay ngày hôm sau, Thầy và Luke Fogarty mướn ngay một phi cơ nhỏ bay ngang dọc trên biển Nam Hải hay dọc theo bờ biển Thái Lan, Mã Lai, Indonesia. Đi suốt một ngày mà không thấy chiếc ghe nào vì bị phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời quang đãng sáng sủa không có sương mù, Thầy và Luke ngồi trên phi cơ mới có thể thấy rõ bên dưới có thuyền nào đang bơ vơ ở hướng nào thì mới ra lệnh cho chiếc Saigon 200 đi về hướng đó mà vớt.

Song song với việc Thầy bay với Luke Fogarty tìm thuyền nhân, tôi rủ chị Battick Mai và chị Trang Fogarty đi dọc theo bờ biển Mã Lai tìm thuyền nhân.

Nghe nói có 21 thuyền nhân lên được đảo Pulau Tioman ngoài khơi Mersing, một thành phố nhỏ bên bờ biển Mã Lai, chúng tôi ra thăm và được biết họ đã đến đây hơn 1 tháng mà không có thức ăn, phải hái rau rừng ăn đỡ đói, không hề có nhân viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn đến phỏng vấn chi cả.

Thấy họ chờ đợi mỏi mòn như thế, chúng tôi quyết định cho tàu Saigon 200 đến rước họ đưa lên chiếc tàu Roland đang đậu ngoài khơi. Nghe tin ấy ông Samtap Kumar rất giận, điện thoại hỏi vì sao Thầy cướp thuyền nhân của UNHCR?

Thầy hỏi “làm sao anh lại nhận đó là thuyền nhân của UNHCR? Cả tháng qua, anh không cho họ một phần ăn nào, không thăm viếng họ. Họ không biết loài người còn có mặt trên đời này hay không. Chúng tôi đem thức ăn cho họ, lo cho họ thuốc men, ghi tên họ và tìm cách lo chỗ định cư cho họ”.

Ông Samtap Kumar nói: “Nhưng chúng tôi có tên của họ trong sổ những người tị nạn”. Thầy hỏi: “Thế nếu ai cho UNHCR tên tất các vì sao trên trời, các anh cũng nghĩ những vì sao ấy là của các anh hay sao?”.

Đó là cách UNHCR làm việc lúc ấy, nghĩa là vô sổ tên các thuyền nhân nhưng không thăm viếng, không cung cấp thức ăn từ quỹ của UNHCR, không xin được visa nào cho họ. Thế thì việc làm của chúng tôi đáng lẽ phải được hội này mang ơn vì đã bổ túc cho việc làm của họ, nhưng ngược lại, vì thấy chúng tôi làm được việc, Samtap Kumar ganh tị và tìm cách đánh phá chương trình.

Chỉ trong vòng năm tuần lễ mà chiếc Roland đã vớt được 281 thuyền nhân và chiếc Leapdal vớt được 285 người. Chúng tôi mướn thêm được chiếc black mark, một thuyền máy nhỏ xíu dùng để chở thực phẩm, thuốc men và đưa bác sĩ Choy Leng ra khám bệnh cho thuốc cho đồng bào mỗi ngày…


Tin bài liên quan:

VNTB – Xử kín và tuyên án cũng kín…

Phan Thanh Hung

VNTB – “Có tiền mua chi cũng được”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hàm lượng kháng nguyên trong vắc xin Trung Quốc có độ dao động lớn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo