VNTB – Thiếu nhân sự giỏi việc hay tại tướng bất tài?

VNTB – Thiếu nhân sự giỏi việc hay tại tướng bất tài?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Việc quá nhiều, ‘không chậm, không sai mới lạ’…

 

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI để báo cáo, giải trình làm rõ nội dung mà đại biểu hội đồng nhân dân thành phố quan tâm.

Tường thuật của báo chí về lần đầu đăng đàn chất vấn của ông Trần Sỹ Thanh cho thấy dường như ông là quan chức ít nhiều thói quen đổ thừa vào hoàn cảnh, thay vì đưa ra cách quản trị đô thị thích hợp với tầm vóc của quan chức đứng đầu cơ quan hành chính ở thành phố là thủ đô như Hà Nội.

Đại biểu Phạm Đình Hoàn đặt vấn đề về việc tại các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân, phiên chất vấn kỳ 3, kỳ 7, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều mốc tiến độ với các dự án bị chậm, và đề nghị chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có giải pháp gì để kiểm soát thực hiện các nội dung mà thành phố đã cam kết với cử tri, nhân dân?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Trần Sỹ Thanh cho biết hiện có nhiều việc đã hoàn thành theo kế hoạch, nhưng cũng có những việc chưa đạt, không đạt do nhiều nguyên nhân. “Một là chắc trong khi hăng say chiến thắng, ủy ban đăng ký mốc thời gian thể hiện niềm tin tất thắng trước đồng bào thủ đô rồi hứa nhưng không cân nhắc kỹ, rồi nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát, thành ra thất hứa với dân.

Ủy ban làm gì để giám sát việc này? Như tôi trình bày, năm 2023 triển khai đồng loạt phần mềm mới, thậm chí nếu phần mềm chưa chạy được thì phải làm bằng tay để nhắc việc. Đừng để có công văn mà quên không làm. Đây là giải pháp trọng tâm nâng cao kỷ cương kỷ luật thực hiện lời hứa” – ông Thanh nói.

Ông Trần Sỹ Thanh mong muốn người dân Hà Nội chia sẻ với lãnh đạo bởi “thời gian, nguồn nhân lực của chúng ta rất hạn chế so với khối lượng công việc”.

“Hà Nội có 10 triệu dân phải quản lý từ khi khai sinh cho đến khai tử mà số lượng cán bộ công chức của Hà Nội không nhiều hơn các địa phương khác. Khối lượng công việc cực kỳ nhiều, nhiều lúc không hiểu sao anh em vẫn thực hiện được. Anh em làm kiểu gì mà không có đơn thư khiếu nại. Ví dụ Phòng quản lý dự án sau đầu tư có 5 người, làm sao quản được hơn 1.000 dự án? Không chậm mới lạ, không sai mới lạ, nên phải tổ chức phân cấp phân quyền” – ông Thanh nói thêm.

Cách biện giải của ông Trần Sỹ Thanh trước các chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, cho thấy ông không hề tìm hiểu cặn kẽ về thực trạng thủ tục hành chính của Hà Nội khi ông được Đảng cất nhắc ông vào ghế Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, và thời gian ngắn sau đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Sở dĩ đặt vấn đề trên vì ở đây là Hà Nội, nơi mà với tuổi đời hơn 1.000 năm, Hà Nội còn là thủ đô lâu đời nhất trong 11 thủ đô của các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Với bề dày lịch sử như vậy, đặc biệt sau những thay đổi về địa giới hành chính, tính đến năm 2021, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.

Đây là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Việt Nam có thị xã.

Nếu lá phiếu của những đại diện cử tri Hà Nội có quyền lực thật sự, tin chắc họ chỉ bầu khi soát xét về các nội dung tranh cử trong một sát hạch bình đẳng, tử tế về việc chính khách đó sẽ quản trị thành phố thủ đô ra sao, chứ không thể dễ dàng chấp nhận chuyện Đảng “cử một”, và buộc đảng viên phải thừa hành “bầu một” ở kiểu hình thức của dân chủ giả cầy như vậy.

Có lẽ Bộ Chính trị là địa chỉ cần phải “rút kinh nghiệm” nhất về bài học Hà Nội như trên.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)