Thới Bình
(VNTB) – “Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng mà không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”.
Đó là ý kiến của ông Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Cơ chế xin – cho là một tên gọi khác của “tham nhũng quyền lực”.
Ông Võ Đại Lược đánh giá đổi mới về kinh tế trong thời gian qua Việt Nam làm rất tốt, rất mạnh, có nhiều kết quả, song “đổi mới chính trị hơi chậm”.
“Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế” – ông Lược nói. Theo ông Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay là kiểm soát quyền lực.
“Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin – cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng mà không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược phân tích và cho rằng đồng ý Đảng lãnh đạo, nhưng phải đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với thời đại.
Dẫn chứng về quản lý đất đai, theo ông Lược, đây là vấn đề nảy sinh tham nhũng, khiếu kiện, tranh chấp rất nhiều. Tương tự, quản lý doanh nghiệp nhà nước ra sao khi nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước đi tù. “Cho nên, cái đẻ ra tham nhũng ta chưa xử lý, mà mới xử lý ngọn của vấn đề thôi”, ông Lược nhận xét.
Vấn đề đặt ra với ít nhiều nhạy cảm, là yêu cầu “đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp” như lời kêu gọi của ông cựu Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, song cụ thể thì phải “phù hợp về điều gì?”.
Ông Võ Đại Lược, kể: “Việt Nam từ khi tiến hành công cuộc đổi mới cũng không thiếu những câu chuyện hay về dùng người, nhưng cho đến tận thời điểm này, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Vì thế, mỗi năm có đến hàng trăm sinh viên đỗ thủ khoa khi ra trường, nhưng sau đó chỉ có 1 – 2% vào làm cơ quan nhà nước.
Cách đây 5 – 6 năm, tôi đến thăm Đại học Harvard (Mỹ), Hiệu trưởng trường này bắt tay vui mừng cảm ơn tôi vì tôi đã giới thiệu cho trường những người xuất sắc. Nhưng nhiều người trong số đó ở lại nước ngoài chứ không về nước làm việc, vì người xuất sắc họ không “chạy” để vào bộ máy”.
Theo ông Võ Đại Lược, thể chế và nhân tài tuy hai, nhưng là một, bởi nếu không lựa chọn được những người có tài vào cơ quan quản trị quốc gia, thì làm sao có thể chế tốt được, nên việc quan trọng đầu tiên là tuyển chọn nhân tài.
Tại một số diễn đàn, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cũng từng lên tiếng về việc chạy chức, chạy quyền. Rằng, nếu đúng là người tài, thì người ta không “chạy” vì có lòng tự trọng, còn nếu đi mua chức thì kém tâm đức rồi, tâm đức không tốt thì làm sao khiến thể chế tốt được nữa. Đó còn là vấn đề của tham nhũng quyền lực.
Việt Nam cần đổi mới gì trong hệ thống chính trị? – Ông Võ Đại Lược, kể tiếp: “Có ông Bộ Trưởng Ngoại giao của một nước mới nhậm chức chỉ phát biểu vài câu sai là đã phải từ chức. Nhưng ở nước ta, không có chuyện từ chức, không có quy định quy trách nhiệm cá nhân, nên họ bám lấy cái mũ trách nhiệm tập thể để chối bỏ trách nhiệm cá nhân”.
Ý thức trách nhiệm cá nhân nói trên, suy cho cùng đó cũng là một dạng của tham nhũng quyền lực.
Sẽ thuyết phục hơn khi người đứng đầu Bộ Chính trị dũng cảm nhận trách nhiệm, khi trong suốt nhiệm kỳ mà ông là người đứng đầu đảng chính trị, ông đã phê chuẩn những vị trí chóp bu trong bộ máy cầm quyền, dẫn đến hàng loạt bê bối kéo dài sau đó về tham nhũng, song ông lại không tự trọng về bất kỳ trách nhiệm nào, kể cả việc ‘tự kiểm điểm cá nhân’.
Đó cũng là một dạng tham nhũng quyền lực ở thế chế chính trị không phải chịu bất kỳ sự cạnh tranh nào về đảng phái.