Diệp Chi
(VNTB) – “Học tủ” là cách học chọn lọc những kiến thức quan trọng, cần thiết để làm bài kiểm tra, làm bài thi. …
“Học vẹt” là cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh với con vẹt – bắt chước, nói nhại lại, nhưng không hiểu gì. Khi học thuộc bài, đọc rất trôi chảy nhưng không nắm chắc nội dung, học một cách máy móc và thụ động.
Có thể nói, vấn đề này hoàn toàn không mới, cũng có những biện pháp đề ra để hạn chế (hoặc nếu được sẽ xóa sổ) nhưng chưa thật sự hiệu quả. Bởi hiệu quả sao được khi điểm được chấm theo thang, theo ý buộc phải có? Hiệu quả sao được khi học sinh không có quyền nói khác ý của giáo viên, của người chấm?
Học tủ, nói kiểu ‘bình dân học vụ’ là lựa chọn (hoặc dự đoán đề) những phần nào quan trọng (hoặc phần nào sẽ ra) để học. Học không cần suy nghĩ, có nhiêu học nhiêu là học vẹt.
Ngay từ lúc nhỏ, học sinh đã được đào tạo bởi một tư duy học tủ, học vẹt. Trên trường, thầy cô giáo nói gì, đọc gì là học sinh cứ nghe. Sau đó, cứ về học những gì đã chép. Cách học này khá an toàn về điểm số (thầy cô là người có trình độ, biết rõ ý nào sẽ có điểm), nhưng sẽ không khuyến khích được tư duy của người học trò. Thử lấy một ví dụ, một lớp 37 người làm 37 bài văn, tất cả đều tương tự, ý trùng lặp nhau thì khi đã ‘một màu’, thì khác chi chuyện báo chí chỉ được viết theo giới hạn của ‘định hướng tuyên truyền’?
“Có khi mình chấm bài đứa học trò thứ nhất. Sang bài thứ hai, ngôn từ có khác nhau nhưng ý tương tự, mình chưa đọc tới khúc sau cũng biết nội dung sẽ là gì”, một giáo viên chia sẻ.
Một kiểu “văn mẫu” quen thuộc về vấn đề này, nguyên nhân là từ chính học sinh, gia đình. Ba mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang, khiến con em mình luôn phải “oằn” mình gánh lấy ước mơ lớn lao của cha mẹ.
Cũng có ý kiến cho rằng do các em “không thực sự hiểu ý nghĩa của việc học”. Thế nào là ý nghĩa thật sự của việc học khi chương trình học của bộ giáo dục đưa ra quá nhiều, thiên về lý thuyết? Chiếc cặp mà học trò mang đi học luôn nặng trĩu bởi sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo, tập học, tập bài tập…. Ý nghĩa của việc học là như thế nào khi có em phải trả cả ba môn học bài Văn – Sử – Địa, sửa bài tập Hóa trong cùng một ngày?
Rồi cũng không ít ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng này, lỗi là do giáo viên, do thầy cô không có phương pháp dạy cho các em tư duy. Nói đi cũng nói lại, gói gọn trong 45 phút, để có thể ‘5 bước lên lớp’, vừa dạy cho học sinh đủ bài vừa nói thêm kiến thức bên ngoài thì quả thật khó như chuyện đi tìm con đường lên chủ nghĩa xã hội. Đó là chưa kể, nếu mấy em học sinh viết khác với thang điểm thì nguy cơ điểm thấp sẽ rất cao.
“Nói về vấn đề này, thật sự đến giờ tui vẫn còn thắc mắc. Cái thời của tui tốt nghiệp trung học phổ thông với đại học là hai kỳ thi riêng biệt. Tui nhớ năm đó thi phổ thông môn Văn tui được có 5,5 điểm à. Tui lại chọn khối C trường Nhân Văn để vào nữa chứ. Nhà có nói đề tốt nghiệp dễ mà được có 5,5 còn đại học thì sao? Có vẻ không khả quan lắm. Nói thiệt là khi đó mình cũng lo. Nhưng lúc kết quả ra thì hơi bất ngờ một tí, dù không cao như nhiều người khác nhưng cũng đủ điểm để vào, 7 điểm. Cũng cùng giọng văn, cùng phong cách, cùng cách nhìn vấn đề, mà điểm hai kỳ thi chênh lệch nhau cũng không ít. Khi đó tui nghĩ chắc trường Nhân Văn chấm không rập khuôn máy móc, được tự do tư duy ý tứ miễn sao là đúng”, bạn Minh, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ.
“Mình nhớ hồi học đại học, thầy có nói ‘khoa học phải hoài nghi’. Một vấn đề có nhiều khía cạnh, có những cái thấy vậy nhưng chưa chắc là vậy. Số đông chưa hẳn là đúng. Ra trường, mình nhớ có lần mình được rủ tham gia một dự án. Sau cuộc thảo luận, bên cạnh việc đóng góp ý kiến, mình có đưa ra một vài mặt trái của vấn đề, một vài gút mắc. Cứ tưởng sẽ cùng nhau tháo gỡ từng cái, vì một nhóm mà. Ai nghĩ đâu người đứng đầu thay vì nghĩ cách thì kêu mình đang “ném đá hội nghị”. Không muốn làm thì đứng qua một bên (câu này nghe thấp thoáng khẩu ngữ như ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nhỉ!?). Vậy thôi mình rút. Rồi nghe đâu làm được 1-2 cái gì đó, dự án cũng đóng”, bạn Long chia sẻ.
Có thể nói, việc tư duy, sáng tạo là điều cần thiết. Bởi mỗi người mỗi quan điểm, cách nhìn khác nhau, nếu cứ theo một kiểu “văn mẫu” thì làm sao có điểm khác biệt? Điều đó có khác gì đang sản xuất một loạt robot giống nhau?
Một khi thói quen đã được tập từ thuở bé thì học sinh không khác gì những cỗ máy. Liệu rồi đây với chương trình giáo dục không đề cao tính tư duy thì bao giờ Việt Nam mới có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời ước nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh hồi nào đây?