VNTB – Kinh tế mùa dịch: lắng nghe bà con nói…

VNTB – Kinh tế mùa dịch: lắng nghe bà con nói…

Diệp Chi

(VNTB) – Dịch Covid đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của nhiều người. Với lao động bình dân, có lẽ, họ cũng không quan tâm nhiều lắm đến các chỉ số tăng trưởng, thế nào là dương, là âm. Đối với họ, tiền nhà thuê, tiền điện, chi phí sinh hoạt, tiền góp… cũng đã đủ làm cho họ nhức đầu lắm rồi.

Dễ bắt gặp nhất là hình ảnh của những đường sá có hàng loạt cửa hàng đóng cửa, dán những tờ giấy cho thuê mặt bằng.

“Không ai vô ăn uống thì tiền mặt bằng đâu mà trả tiền? Không ai ăn tiền đâu mà trả nổi? Người ta công ty lớn còn chết dở chứ đừng nói mấy cái nhỏ nhỏ như mình”, ông Sáu, một người vừa trả mặt bằng, thở than.

“Thấy người ta trả nhiều hơn thuê, như trước thuê mười phần, giờ thuê lại được hai phần, còn tám phần còn bỏ trống”, ông Tư, một người cho thuê mặt bằng, nhận xét.

“Mặt bằng lúc trước mình thuê bán được. Nhưng từ hồi dịch tới giờ, buôn bán không còn như trước. Cũng cố gắng ráng cầm cự thời gian. Bây giờ không chịu nổi nữa, đành trả mặt bằng lại, dạt về khu quận 12 xa trung tâm thành phố để thuê rẻ hơn”, một chủ quán phở ngậm ngùi.

Tình hình khó khăn chung bàng bạc ở nhiều nơi. Từ những tiểu thương ở các chợ cho đến các tài xế chạy taxi, các bác xe ôm ở ngoài đường.

“Không giảm phí, không có miễn gì hết. Nói chung là tình hình ở chợ không có giảm, cũng không có hỗ trợ gì cho tiểu thương hết trơn, thuế cũng không giảm, y xì như cũ à”, ông Xuân, tiểu thương một ngôi chợ ở Sài Gòn khẳng định như vậy.

“Lúc trước thì cũng đỡ đỡ một chút, từ hồi dịch rồi lúc giãn cách, sau giãn cách cho đến giờ, chạy ít khách lắm. Khách vãng lai, khách quen gì cũng ít lắm. Bữa nào hên lắm là kiếm được vài ba cuốc xe à”, ông Tài, một người hành nghề chạy xe ôm, góp câu chuyện mùa dịch Covid.

“Cũng có kêu khai thông tin nghề nghiệp, làm gì, điền vào cái đơn. Rồi người ta kêu mình chờ. Chờ hơn cả tháng luôn cũng chẳng thấy cái khoản gọi là trợ giúp đâu hết”, một người vừa làm nghe vá xe lề đường, vừa chạy xe ôm kiếm thêm, kể ở địa phương ông có nhiều hoàn cảnh nghèo nhưng ‘chưa thấy gì hết’.

“Tổ trưởng có lại hỏi thăm tình hình của mình, sinh hoạt sao rồi tiền thuê nhà đủ thứ rồi ổng kêu mấy người tạm trú về quê xác nhận. Mình cũng có nói thời gian ở đâu mà về quê xác nhận. Về đó thủ tục mà chậm trễ ngày, mình không buôn bán, tiền đâu mà đóng tiền lãi góp? Đó là chưa kể còn chi phí xe cộ. Rồi ổng im luôn, không ai tới nói gì về việc giúp đỡ với mình luôn”, bà Hai, một người ở trọ, kể và nói thêm rằng bà không có ý trách móc ai ở đây. “Người nghèo luôn hiểu phận con sâu, cái kiến của mình, chú ạ!”. Bà nói vậy.

“Ba cái chuyện kinh tế vĩ mô gì đó, mình không biết, cứ để cho mấy ông lo đi. Mình chỉ thấy, người dân còn nhiều người khó khăn nè, các cơ sở cho công nhân họ nghỉ nè. Rồi buôn bán ế ẩm, trả mặt bằng…. Mấy trường hợp đó gọi là gì? Đồng ý là đất nước nào cũng có kẻ giàu người nghèo, nhưng theo tôi nghĩ, nên nhìn nhận cho đúng tình hình thực tại cái đã. Giống như cái tỉnh gì đó, không có hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng liệu có đúng như vậy không? Những cái thấy được là bề nổi…”, ông Minh, một cán bộ hưu trí nói.

Chính vì cuộc sống khó khăn như vậy, cho nên, một số người dân sinh sống ở Sài Gòn, mặc dù biết dịch vẫn còn đó, song họ vẫn mặc kệ, tới đâu thì tới. Bởi giờ nếu không làm thì họ biết lấy gì để bỏ vào mồm, và với nhiều người còn là các khoản trả tiền thuê trọ?

“Thì phải chấp nhận thôi, chứ không lẽ giờ đói hết chờ chết? Đói thì ai lo? Mới có một tháng mấy à mà mình còn xính dính đến bây giờ luôn, làm ăn lại mà cũng chưa được nữa”, ông Út, một tài xế chạy xe ôm, cười buồn.

“Dịch cũng phải chịu, em phải đi làm để kiếm tiền”, Lâm, một cậu bé trẻ đường phố hồn nhiên nói.

Có thể nói, cái người dân cần không phải là những lời hoa mỹ hay những lời hứa hẹn động viên, mà họ cần những hành động, việc làm giúp đỡ cho đời sống của họ một cách cụ thể. Những hệ lụy của dịch Covid, có lẽ dân chúng cũng đã cảm nhận. Những biện pháp hỗ trợ với những gói kiểu như mấy mươi ngàn tỷ gì đó, người ta cũng đã được đọc trên báo. Song không biết, rồi đây, sẽ như thế nào? Hay lại như những thủ tục phức tạp của gói hỗ trợ người dân nhập cư nghèo mùa dịch? Thôi thì cứ chờ xem vậy…

Có người nói, sau cơn mưa trời lại sáng. Thế nhưng nghe đâu bên xứ Tàu, mưa gió kéo dài suốt gần cả tháng này rồi đó.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)