VNTB – Thư ngỏ gửi Trung tướng Bế Xuân Trường: “Chiến tranh nhân dân” hay “chiến tranh phi nhân”?

Huỳnh Như (VNTB) – Nếu chiến tranh nhân dân chính là sự hô hào, đưa người dân bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá thì đó là loại hình chiến tranh phi nhân. Tuyệt đối không nhân danh chủ quyển lãnh thổ để tìm mọi cách đưa người dân vào chỗ chết.

Trung tướng Bế Xuân Trường
Tại sao không đưa được dân ra biên giới?

Đến tận giờ phút này, tôi vẫn tự hỏi mình: Thực ra chiến tranh nhân dân là gì?

Cho đến khi đọc được lời phát biểu của Trung tướng Bế Xuân Trường – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trên báo GDVN về việc xây dựng thế trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới. Rằng, “Nhìn vào thực tiễn có những vấn đề hết sức bất cập: Tại sao giải phóng 40 năm nay, dọc tuyến biên giới giáp Campuchia, ta không đưa được dân ra giáp biên giới để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân nói chung, biên phòng vùng biên nói riêng, bảo vệ biên giới?”

Từ lâu, việc “huy động sức mạnh tổng hợp cả tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó dân và biên phòng làm nòng cốt” trong bảo vệ vùng biên giới là cách thức bảo vệ biên giới rất mềm, mà lại rất rắn.

Bởi đúng như Trung tướng đề cập, nếu không có dân thì việc mỗi chiến sĩ biên phòng quản lý hơn 1km biên giới là không tưởng.

Thực ra, bản thân người viết chưa bao giờ loại bỏ yếu tố nhân dân bảo vệ cương vực của nước nhà. Nhưng khi nhìn lại tổng thể lịch sử biên cương, hải đảo từ giai đoạn sau năm 1975 đến nay, lại thấy nhiều vấn đề phát sinh.

Đó là nếu chúng ta không có một lực lượng quân đội thường trực đủ để đảm bảo an sinh cho người dân, thì tuyệt đối không di dân ra vùng biên giới, hải đảo.

Bởi vấn đề bảo vệ biên giới dù dân và biên phòng làm nòng cốt, nhưng quân đội phải là chủ lực – chủ động trong mọi việc, mọi thao tác.

Nếu đưa người dân ra đó giữ biên giới mà không đảm bảo an ninh – trật tự và đời sống hàng ngày tối thiểu thì việc vận động di dân ra biên giới dưới 10% là điều dễ hiểu.

Thưa Trung tướng,

Sở dĩ tôi phải đề cập đến điều này, vì chúng ta từng phải trả giá đắt về việc di dân bảo vệ biên giới, lấy dân làm vùng biên vào năm 1975 với 500 đồng bào đảo Thổ Châu (Phú Quốc) bị thảm sát, hai năm sau, 471 ngôi nhà bị đốt với 800 người dân huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (Tây Ninh) bị giết. Và một năm tiếp theo (1978), tại khu vực thị trấn Ba Chúc (An Giang) 3.157 dân thường lại bị giết hại.

Và tôi tin, ở các khu vực biên giới thời kỳ đó, có dân lẫn lực lượng vũ trang (hải quân, biên phòng,…) trong đó, nhưng cuối cùng… dân vẫn bị thảm sát dã man.

Thưa trung tướng,

Tôi hiểu đó là chiến tranh, nhưng tôi vẫn hoài phân vân, liệu rằng, người dân có đáng bị trả giá như thế, khi họ sống tại nơi biên giới, giữ gìn biên cương, và khi giặc tràn sang, họ là người thiệt mạng đầu (vì thiếu khả năng tự vệ).

Và liệu rằng, ở một mức độ nào đó, có nên coi đó như là việc, dùng người dân làm lá chắn sống không?
“Ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”

Thưa trung tướng,

Mấy năm gần đây, vấn đề chủ quyền biển đảo bên ngoài đang nóng dần lên, và quả thực nó đã vượt ra khỏi những dự tính ban đầu mà Đảng và nhà nước đang nghĩ.

Nhưng tôi muốn đề cập đến phong trào cổ động ngư dân “bám biển, giữ chủ quyền” mà nhà nước cổ động hiện nay có phải là một kịch bản cũ mang tên chiến tranh nhân dân trên biển không?

Bởi nếu xét về mức độ phức tạp và khả năng chống chịu của những tàu cá Việt Nam, thì khả năng vong mạng cao hơn rất nhiều, trong khi khả năng được “hải quân bảo vệ” lại thấp hơn so với dân vùng biên giới trên bộ.

ICOM, áo phao, bình chữa cháy, đèn pin… thậm chí là tàu vỏ sắt là những xu hướng hỗ trợ thường thấy nhất để hỗ trợ ngư dân bám biển. Nhưng nó chẳng là gì cả, thưa trung tướng, nếu so với những con tàu cá Trung Quốc, và đặc biệt là Hải Giám.

Chính vì thế mà tàu cá Việt Nam luôn bị uy hiếp, có lúc bị đâm chìm, bắn cháy, mà gần nhất đây là vào sáng ngày 21/1/2015, tàu cá ĐNa 90152TS bị Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa. Rất may, không có thiệt hại nhân mạng hay bị bắt đòi tiền chuộc như những lần trước.

Và trong những trường hợp như thế, đều rất ít thấy bóng dáng của cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư… Và người dân bị trắng tay cũng trong những lần giữ chủ quyền ấy.

Thưa trung tướng, 

Năm 2013, sau khi tàu QNg 96382 bị tàu ngư chính Trung Quốc (số hiệu 786) bắn cháy, thì ông Cao Khoa – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện chưa thể hình thành lực lượng kiểm ngư bảo vệ ngư dân. Do đó, vẫn phải dựa vào ngư dân bằng cách đào tạo thuyền trưởng tinh nhuệ, thành lập đội tổ giúp đỡ nhau.

Còn Đại tá Trần Văn Dũng – Chính ủy Cảnh sát biển (CSB) vùng 2 cho hay, lực lượng CSB luôn đồng hành bên cạnh ngư dân. Tuy nhiên, với những vụ việc như vừa rồi, chỉ có lực lượng kiểm ngư mới chính danh để giải quyết vấn đề.

Từ đó đến nay, ngư dân vẫn phải ra khơi vì cái nghiệp của họ, câu chuyện ngư dân bị rượt đuổi, đâm chìm tàu, lại nối tiếp như câu chuyện thường ngày của cuộc sống.

Và rồi câu châm biếm ra đời: “Ngư dân bám biển, hải quân bám bờ.”
Chiến tranh phi nhân?

Thưa trung tướng,

Nói như vậy để thấy rằng, chủ quyền là quan trọng, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ điều thiêng liêng đó là phải có. Nhưng nghĩa vụ và trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong bảo vệ chủ quyền, bảo vệ mạng sống người dân còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.

Điều đó có nghĩa, ta không thể hô hào người dân bám biển, đưa 10.000 tỷ đồng để đóng vội vàng những con tàu vỏ thép lạ đời, rồi đẩy người dân vào tình thế nóng bỏng, khi có sự va chạm về mặt chủ quyền giữa hai quốc gia, nơi mà những con tàu kiểm ngư tối tân, tàu bọc sắt hiện đại của Trung Quốc vẫn đang lượn lờ và sẵn sàng đâm chết những vật thể cản đường.

Nếu chiến tranh nhân dân chính là sự hô hào, đưa người dân bảo vệ chủ quyền bằng mọi giá thì đó là loại hình chiến tranh phi nhân.

Do đó, một lần nữa, tôi mong muốn Trung tướng cân nhắc khi sử dụng khái niệm về “chiến tranh nhân dân” và áp dụng nó vào tình hình thực tế (bảo vệ vùng biên giới). Theo đó, khi không đáp ứng được lực lượng vũ trang bảo vệ cho người dân sinh sống tại vùng biên giới Tây Nam, Tây Bắc, không đủ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển bảo vệ ngư dân khi trên ngư trường, thì cần hạn chế, thậm chí đi đến chấm dứt phong trào cổ động người dân bám bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền – biên cương. Tuyệt đối không nhân danh chủ quyển lãnh thổ để tìm mọi cách đưa người dân vào chỗ chết.

Và đó mới chính là thế trận chiến tranh nhân dân mà tôi nghĩ chúng ta cần hướng đến
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)