Trịnh Bá Phương
Hôm qua ngày 10/2 tôi nhận được 2 niềm vui đó là trưa thì nhận được 2 bức thư của chồng. Chiều thì chồng lại gọi điện thoại về. Trong cuộc điện thoại chiều qua anh có gửi lời hỏi thăm tới cô Thuý Hạnh, anh Nguyễn Lân Thắng, anh Trung , chú Vôva ( anh nói cafe Vôva của chị Huệ rất ngon ạ, cho anh gửi lời cảm ơn tới chị Huệ ạ) và anh cũng gửi lời hỏi thăm tới bác Lân và bác Thuỵ, anh bảo tôi gọi điện cho bác Lân nói với bác đợi anh và bác Thuỵ về mọi người cùng uống rượu. Anh cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả quý ân nhân, những quý khách đã mua bưởi giúp gia đình ạ.
Đây là bức thư của chồng tôi gửi về, tôi xin san sẻ những niềm vui của tôi khi chồng vắng nhà.
Cả tháng đợi mỗi thư của chồng về.
Thư Đỗ
Bức thư thứ 10
Gửi vợ yêu. Em, các con và gia đình có khỏe không? anh ở đây vẫn khỏe, em và gia đình không cho phải lo lắng gì cho anh nhé.
Các là thư trước anh gửi em, anh cũng đã kể khá nhiều sự việc mà anh đã trải qua kể từ khi anh bị bắt, anh nghĩ qua các thông tin anh gửi về thì em và gia đình mình cũng đã hiểu được nhiều điều.
Thời gian gần đây anh tập thể dục nhiều hơn, mỗi ngày anh chơi cầu lông, cả buổi sáng và buổi chiều, mỗi Séc cầu 21 điểm nên chạy khá nhiều, anh chơi gần 20 séc cầu mỗi ngày, ngoài ra trước khi chơi cầu buổi chiều anh còn tập thêm môn nâng tạ, 2 quả tạ xi măng trọng lượng 7 kg, anh nâng mỗi tay 1 quả, từ 1 nghìn đến 2 nghìn lần, tương đương tổng trọng lượng anh nâng ra là trên, dưới 10 tấn. những ngày đầu tập anh bị đau cơ, nhưng nay không bị đau cơ nữa, ngoài thời gian tập anh cũng đọc sách thêm để bổ xung kiến thức, có chi tiết nào hay thì anh viết lại vào 1 cuốn vở riêng.
Lúc nãy anh vừa lấy tập ảnh em và hai con ra xem, nhìn kỹ ảnh các con, qua ánh mắt anh nhận thấy các con rất thông minh, và khuôn mặt toát lên nét hiền hậu giống mẹ Thu.
Hôm trước gọi điện, em nói các con ngoan, anh mừng lắm, các con cũng như búp măng non vậy, cần phải uốn nắn từ nhỏ, bà nội thường hay nói răn dạy anh rằng: “đời người khổ nhất là có đứa con hư”. Một đứa trẻ mà thiếu sự dạy dỗ thì có ngày người làm cha, làm mẹ phải ân hận. Anh từng đọc 1 cuốn sách ở trại tạm giam Hỏa Lò, anh không nhớ tên sách, cuốn sách viết về 1 cậu bé đi xe buýt cùng với người mẹ trẻ, khi xe buýt đến điểm đón khách, có một người phụ nữ bước lên xe, cậu bé liền đứng dậy nhường ghế cho người phụ nữ đó, nhiều người đàn ông trên xe phải hổ thẹn trước hành động của cậu bé, thực ra cậu bé có hành động đó là vì mẹ cậu luôn dạy cậu rằng: “là đàn ông thì phải luôn nhường phụ nữ”.
Ít ngày trước trên VTV3 có đưa tin, nhân viên bị trừ lương vì đứa con của khách đã đập vỡ đồ vật của quán, một đứa trẻ còn ít tuổi, thiếu sự dạy dỗ đã gây ảnh hưởng đến người khác rồi, vậy khi lớn lên nó sẽ còn làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người nữa, người nhân viên bán hàng đó hẳn sẽ bị âm lương nếu hàng tháng có vài đứa trẻ như vậy đến cửa hàng, ở làng mình cũng có nhiều cái gương rồi, có đứa chưa đến tuổi trưởng thành mà đã về báo bố mẹ là nợ đến tiền tỷ, có đứa thì sa ngã vào tệ nạn ma túy…
Vì vậy mặc dù các con còn nhỏ, nhưng sẽ là quá muộn nếu không có phương pháp dạy dỗ các con ngay từ bây giờ. anh không kỳ vọng, cũng không tạo áp lực cho các con sau này phải tài giỏi, phải làm được những việc lớn lao, anh chỉ mong các con biết sống tự lập, biết yêu thương, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế… như vậy là tốt lắm rồi, em à.
Anh biết rằng có nhiều việc em cần phải lên mạng tìm hiểu, cập nhật tin tức, nhưng theo anh, mỗi ngày em sắp xếp một thời gian nhất định để trò chuyện với các con nhé, những đứa trẻ bị tự kỷ, hầu hết là do chúng thiếu tình thương thiếu sự quan tâm của người làm cha, làm mẹ vừa rồi em có viết trong thư là các con hay dỗi. Tuổi thơ hầu như đứa trẻ nào cũng có tính đó, em phải đặt ra các câu hỏi. Tại sao con dỗi, phải ứng xử như thế nào với tình huống đó, em tìm hiểu kỹ các phương pháp dạy con và áp dụng phù hợp nhất mà không gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các con nhé.
Thời gian này mình được liên lạc qua thư, điện thoại, có điều gì khó khăn trong cuộc sống, có những áp lực gì thì em cứ trao đổi với anh nhé, những việc gì lớn em cần kham khảo ý kiến của anh và các thành viên trong gia đình mình nhé, thời gian ở trại tạm giam anh hay chơi cờ tướng, anh chơi cờ gần 30 năm rồi mà anh mới ngộ ra được một điều là cuộc sống cũng như ván cờ vậy, một quyết định sai lầm trong cuộc sống cũng như đi sai một nước cờ vậy, sẽ dẫn đến sự thất bại, phá hủy toàn bộ thành quả, khi nhận ra chân lý đó, anh đã tự vấn lại mình, hỏi rằng mình đã phạm sai lầm nào chưa, và thật may mắn là anh chưa bao giờ phải hối hận về những quyết định của mình, cả về những việc anh đã và đang làm vì lý tưởng của mình còn một điều dường như anh chưa từng nói với em, Điều may mắn nhất đối với anh, cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là anh đã gặp được em, một người phụ nữ quan trọng nhất của cuộc đời anh.
Sau khi anh bị bắt thì dịch covid bùng phát mạnh, ngày nào có báo anh cũng đọc tin về covid, hôm nào không có báo thì anh ra hỏi quản giáo thông tin về covid, có ai đi cung anh cũng dặn hỏi tình hình covid bên ngoài, có hôm quán giáo nói rằng ở Dương Nội có ca covid, anh lo lắm, rồi thời gian đó có hôm mẹ Hạnh lên gửi quà cho anh, anh lại càng lo lắng nhiều hơn, chỉ đến khi anh nhận được quà có chữ ký của em thì anh mới yên tâm được, tháng 5-2021 anh đã gặp phó giám thị để đề nghị cho biết tình trạng sức khỏe của em và các con cùng gia đình, sau đó thì anh nhận được thông báo của phó giám thị là em, các con vẫn khỏe, mẹ và Tư vẫn khỏe, lúc đó anh còn đề nghị cho em gửi ảnh cho anh, hoặc cho anh xem ảnh qua màn hình, nhưng đề nghị này trại không đáp ứng cho anh.
Ở trên anh còn quên chưa kể em nghe, anh đã đăng ký mua mực vẽ và mua 2 cây cọ vẽ, anh vừa nhờ anh Lộc tư vấn, lựa cho anh tấm ảnh của em để anh vẽ ,lâu rồi anh không vẽ, không biết có vẽ đẹp không, nhưng anh sẽ cố gắng vẽ một bức tranh tặng em
ở Hỏa lò có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, có hôm anh đi cung (gặp cơ quan ANĐT) trên đường đi anh gặp nhiều người phụ nữ bế con, chắc là đi tiêm phòng, có đứa bé chỉ vài tháng Tuổi, sau đó đến ngày 21-9-2021 anh đã gặp phó đội trưởng đội quản giáo số 2 để đề nghị cho anh mỗi tuần gửi 2 vỉ sữa và hộp bánh chocopie cho các cháu nhỏ đó, lúc đó đang giãn cách xã hội, nhu yếu phẩm bị thiếu nên trại giới hạn, mỗi tuần anh chỉ được mua tối đa 300 nghìn, do đó cũng không mua được nhiều, lúc đề nghị anh cũng nói rằng: “Tôi nhịn bữa ăn sáng để gửi chút cho các cháu”, nhưng trại không đáp ứng cho anh. Họ nói rằng “trại cũng có chế độ riêng cho các cháu”. Đến bây giờ đặt bút viết lại câu chuyện này anh không tránh khỏi cảm giác đau lòng, những đứa bé thật tội nghiệp , ngoài ra cũng còn rất nhiều hoàn cảnh thương tâm.
Bạn Thành (T) ở cùng với anh gần 1 năm ở Hỏa Lò, T sinh năm 2000, gia đình bên nội ở Hòa Bình, lúc mới sinh được vài tháng tuổi thì bố vì tranh chấp miếng đất mặt đường đã giết bác ruột T, bố T đi tù thì mẹ dắt theo T về nhà ngoại ở Nho Quan – Ninh Bình, cũng gần nhà mình đó em, mẹ T sinh năm 1984, về sau lấy một người có 2 con riêng, mẹ còn tham gia cái đạo gì đó, mà xã hội nhiều lần lên án đó, đập hết cả bát hương, dượng của T thường xuyên đánh đập T, đến lúc lớn hơn thị T đã đánh lại dượng, lúc nhỏ T hay lang thang đi ăn xin, T đi cùng với ông Đức điên, ông Đức điên ngày trước cứ hết đến là đi chúc tết khắp nơi, nhiều năm ông ấy cũng đến nhà mình chúc tết, bố và Thảo cũng biết ông Đức đó, sau mỗi lần đi xin về là ông Đức mua 1 chai rượu và uống với T, uống say thì tìm gốc cây nằm ngủ, T hay lọ mọ nên cả làng gọi là cổ lọ, T cũng có người yêu, một cô chăn vịt, người làng gọi cô ấy là Ló, mỗi lần cô lừa vịt qua nhà, thì T ra phụ giúp, mỗi lúc T giúp Ló lùa vịt là người làng lại hô ầm lên trêu, ới làng nước ơi, ra mà xem thằng cổ lọ với con ló kìa” . T kể lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy, rồi 2 người cũng có tình cảm với nhau, bố mẹ Ló hết lòng ủng hộ mối quan hệ này, bố Ló thường xuyên sai Ló sang mời T đến nhà uống rượu, trong cuộc rượu nhiều lần bố của Ló ngỏ ý muốn gả con gái cho, còn dặn T lúc nào buồn cứ sang bên nhà ăn cơm, không ở chung với mẹ và dượng, T ăn ở dưới bếp, ăn riêng, cả làng ai cũng biết T bị đánh đập, hành hạ từ nhỏ, mẹ thì theo dượng, bên ngoại thì hắt hủi , Biết tình cảnh như vậy nên bố mẹ Ló thường mang đồ ăn sang cho T, khi thì mớ rau muống, khi thì con vịt, T kể có hôm T và Ló đang ở trong bếp đóng cửa lại, thì mẹ đập cửa đòi vào, mẹ chửi cả T và Ló, cấm không cho quan hệ, T buồn chán rồi ra Hà Nội, cũng vì do nhận thức, lại không được sự quan tâm của gia đình nên T đã sa vào ma túy đá, rồi T phải đi cướp để lấy tiền mua ma túy, T bị xử 8 năm 6 tháng Dù về tội cướp, ở trại tạm giam anh hay tâm sự với T, có lẽ T là người anh tâm sự nhiều nhất, cuộc đời T có lẽ đã khác nếu như đến được với Ló, có được mấy đứa con, có mục đích để phấn đấu…
Trước khi T đi trại khác, anh em trong buồng tổ chức buổi liên hoan chia tay, đã đứng lên giữa buồng phát biểu và T xin phép các anh em hát tặng riêng anh 1 bài hát rất nổi tiếng của ca sĩ V.Khang, anh và cả buồng cùng vỗ tay hoan hộ màn biểu diễn của T.
Còn rất nhiều hoàn cảnh khác, lúc nào đó anh sẽ lại kể em nghe nha. anh dừng bút đây, tạm biệt vợ yêu
An Điềm ngày 12-1-2023 (lá thư số 10)
Phương
Trịnh Bá Phương
******
Bức thư thứ 11
Gửi vợ yêu. Em, các con và gia đình có khỏe không? tới đây anh gọi điện thì thông báo cho anh biết tình hình sức khỏe của cả nhà mình em nhé, anh ở đây vẫn khỏe, đây là lần thứ 3 anh ăn tết trong tù, ở đây anh cũng mua hoa đào và hoa mai, hoa được làm từ vải, rồi anh nhờ người đi lấy cho một cành cây khế, cành đã khô, rồi anh cắm hoa đào lên cành cây. Sau đó cho vào chậu xi măng, còn hoa mai thì anh cắm vào cây ớt khô, khi anh và anh Lộc cắm hoa xong thì anh nói với anh Lộc rằng 2 cây này mà mang ra chợ bán cũng được giá cao lắm đó, mỗi bọc hoa trại bán 14k, ở đây có 5 buồng, có mỗi anh làm cành hoa đào và cành hoa mai chơi tết, hoa cũng đẹp lắm, và quan trọng là có không khí tết, tối 30 tết anh xem gặp nhau cuối năm xong thì đội đón giao thừa, lúc đồng hồ điểm gần 12h đêm, anh cũng được xem bắn pháo hoa, nhưng phải nhìn qua khe cửa sổ mới thấy được sáng.
Mùng 1 tết anh đi chúc tết các anh em ở đây, Sau đó anh vẫn chơi cầu lông, có người hỏi anh sao mùng 1 tết không nghỉ, anh trả lời rằng chơi cầu lông mùng 1 tết để lấy may, chỉ mong cả năm không bị chấn thương và có đủ sức khỏe để rèn luyện thể thao, chỉ cần mình ở trong này khỏe mạnh là gia đình yên tâm rồi, sau khi chơi cầu lông xong anh và mọi người lại quây quần, hàn huyên, tâm sự, ở đây mọi người đều có tâm lý vững vàng, không như 2 cái tết trước ở trại tạm giam, có nhiều người ít tuổi, cứ tết đến là lại nhớ gia đình, người thân, nhiều người mang tâm trạng buồn nên bầu không khí ngày tết cũng chẳng được vui, ở đây mấy ngày tết anh vẫn duy trì rèn luyện sức khỏe, tập luyện ăn uống cảm giác ngon hơn, không lo bị béo quá,
em à, hôm trước nhận thư em anh vui lắm, và tập ảnh em gửi cho anh có nhiều kỷ niệm, mỗi bức ảnh anh lại hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp, anh cứ lật đi lật lại các tấm ảnh đến hơn 1 tiếng đồng hồ sau anh mới cất ảnh vào hộp. nhìn bức ảnh cu Bảo và Đoàn mỗi đứa ôm 1 con chó con trông yêu quá cơ, bức ảnh anh cắt tóc cho cu Bảo nữa, nhớ quá, chỉ muốn được ôm các con thôi.
Cũng muốn tâm sự với em vài điều, trong cuộc sống không ai tránh khỏi có những tình huống không theo ý mình, có ai đó nặng lời, hoặc làm điều gì đó trái với ý mình chẳng hạn, để ứng xử với những tình huống đó mình phải luôn đặt chữ nhẫn lên đầu, học chữ nhẫn cũng khó lắm, đôi khi mình phải gạt cái tôi của mình, vì vậy em cũng phải luôn nhắc nhở chính mình nhé, bất kỳ tình huống nào gặp phải mình cũng không được nóng vội, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, vì vậy mọi tình huống mình cũng phải xem xét kỹ lưỡng. Trong một sự việc mình có điều gì không phải không, và phải luôn coi chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có chuyện gì, nếu đặt nặng cái tôi của mình thì một sự việc nhỏ cũng xé ra to.
Từ khi bị bắt anh cũng ở cùng với vài trăm người, có người mang án giết người, có người án cướp, đa số là những người mang án ma túy, nhưng anh không bao giờ có va chạm với ai, anh luôn lắng nghe, cũng không hơn thua những chuyện không đâu, tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết, cũng có một lần khi anh chia sẻ với mọi người rằng anh rất hạnh phúc vì có người vợ như em, thì có người lại trêu đùa, động chạm đến em, anh giận lắm, mấy đêm anh bị mất ngủ vì những câu nói có hàm ý đó, nhưng có một khoảnh khắc, trong lúc anh rất tức giận, lại có một suy nghĩ lóe lên rằng: “Ồ Tại sao mình lại giận đến mức này nhỉ, điều này đã chứng tỏ rằng mình rất yêu vợ, có tình yêu là có hạnh phúc và sẽ như thế nào nếu một người không có cả cảm xúc tức giận khi bị người khác xúc phạm vợ mình, người đó đích thị là người không có tình yêu, không có hạnh phúc, chỉ với suy nghĩ này mà anh đã tránh được những va chạm không cần thiết đó em à, cũng vì những câu nói đó mà anh càng hiểu chính mình hơn, hiểu rằng tình cảm vợ chồng mình đối với anh là điều thiêng liêng, và tình yêu này đủ lớn để tồn tại cho đến lúc đầu bạc răng long.
Câu chuyện anh kể ở trên chỉ là một tình huống xảy ra trong cuộc sống và cuộc sống cũng đâu có luôn bằng phẳng, sẽ có những lúc sóng gió, quan trọng là mình phải vượt qua nó như thế nào? đứng trước những khó khăn gặp phải, mình phải nghĩ đến tương lai của các con, vì vậy em phải luôn cố gắng nhé, tránh tất cả mọi rắc rối trong cuộc sống, trước đây anh đã đọc câu chuyện “Tái ông thất mã”, anh coi đó là bài học quý giá, truyện kể về một ông nông dân bị mất ngựa, người vợ buồn bã, nhưng ông nông dân nói rằng có khi mất ngựa lại là điều may mắn, và đến một ngày con ngựa bị mất trước đây đã trở về nhà, nó còn dắt theo một con ngựa nữa, như vậy ông nông dân bỗng nhiên lại có thêm một con ngựa nữa. Thời gian sau đó người con trai ông nông dân học cưỡi ngựa, và bị ngã ngựa, gãy chân, ông nông dân lại nói rằng, có khi bị gãy chân lại là điều may mắn, thời gian sau đó quân đội gọi thanh niên trai tráng đi lính, những người khỏe mạnh ra trận thì bị chết ở chiến trường, còn con trai ông nông dân bị gãy chân nên không phải đi lính. Đó chỉ là một câu chuyện anh đọc rất lâu rồi, hình như nó có xuất xứ từ TQ.
Hồi trước có hôm anh chở bưởi từ bến xe Mỹ Đình về nhà, mới đi hết đường Phạm Hùng thì xe bị thủng xăm, dắt xe bưởi nặng đi tìm cửa hàng và xăm, lúc đó anh cũng nghĩ về câu chuyện “Tài ông thất mã”, lại nghĩ rằng có khi xe thủng xăm lại là điều may mắn và quả thực vì anh dắt xe nên nhiều người dừng lại hỏi mua buổi, chưa đến quán sửa xe mà anh bán veo hết xe bưởi nặng, còn nữa, biết đâu vì xe thủng xăm, anh lại tránh được va quệt xe ở đoạn đường phía trước, bởi vậy trong cuộc sống không hẳn những khó khăn, lại là điều không tốt đâu em, bởi vậy hoàn cảnh vợ chồng mình lúc này, bị ngăn cách bằng những chấn song sắt nhà tù, và phía trước anh không thể bên cạnh em để cùng đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, thì em cũng phải luôn mạnh mẽ nhé, cứ vô tư mà sống nha em, thời gian trôi đi cũng nhanh lắm, chẳng mấy chốc mà gia đình mình lại đoàn viên, quây quần bên nhau.
À, anh có xem mấy tấm ảnh các con đi lớp, nhìn các con đến lớp anh vui lắm, các con học trường nào vậy em, cô giáo là người nước ngoài à em? em bảo ban các con phải lễ phép với người lớn nhé, không được nói trống không, nói chuyện với người lớn phải vâng, dạ cho thành nếp nhé, qua thư này em cho anh gửi lời cảm ơn gia đình bên ngoại đã bao bọc ba mẹ con em, đã giúp nhà mình bán bưởi, anh Cảm ơn chú Tiến đã bán bưởi giúp nhà mình, và em cho anh gửi lời cảm ơn đến tất cả những khách hàng mua bưởi nhé chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, luôn bình an và hạnh phúc
anh dừng bút đây, bây giờ là 23h rồi em à, anh chuẩn bị ngủ đây, để mai còn dậy sớm chơi cầu lông. Tạm biệt vợ yêu
An Điểm ngày 24-1-2023 (là thứ số 11)
Phương
Trịnh Bá phương.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02CTkVuVZ7jRByNAKc9mjPmRspsKW27cYPsdYQ6TYJy8kXr5d3xqbTtrZfpvDhJFszl&id=100008236984260
1 comment
Tôi thây thu nây anh Phuong gui cho gia dinh chu dâu co gui cho ba tanh?
Bao dang nhu vây là không duoc,da vi pham vào doi tu. Mong anh nào biên tap cho dang xem lai.